Đà Nẵng loay hoay tìm giải pháp nhà ở và sân chơi cho công nhân
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 13:50 - 28/10/2016
Công nhân lao động tại nhà máy dệt thuộc Tổng Công ty CP Dệt-may Hòa Thọ. (Ảnh mang tính minh họa) Ảnh: ĐẶNG NỞ
Bức thiết về nhà ở
Hiện nay, toàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 72.000 lao động đang làm việc tại các KCN và chế xuất; trong đó, có khoảng 46% lao động ngoại tỉnh. Qua khảo sát, 75,9% CN lao động ngoại tỉnh hiện đang thuê nhà trọ tư nhân; 12,5% ở nhà riêng; 8,4% ở nhờ nhà người thân; 1,1% số người lao động được ở nhà tập thể do doanh nghiệp (DN) xây dựng.Có đến gần 40% được khảo sát có nhu cầu ở trọ tập trung; 31,9% muốn thuê phòng trọ mức giá trên 700.000 đồng/tháng; 17,3% muốn thuê mức giá 600.000 đồng/tháng; 11,6% muốn thuê mức giá 500.000 đồng/tháng; 43,1% có nhu cầu mua chung cư trả góp trong vòng 7-10 năm.Lâu nay, thành phố đã nỗ lực kêu gọi xã hội hóa xây dựng nhà ở cho CN và nhà trẻ cho con CN nhưng kế hoạch này vẫn chưa thể triển khai vì gặp nhiều khó khăn.Tại buổi làm việc giữa Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng với các sở, ban, ngành về triển khai Chỉ thị 52-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CN lao động khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất”, Liên đoàn Lao động thành phố đề xuất UBND thành phố cho chuyển công năng, cải tạo khu ký túc xá sinh viên phía tây (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) thành khu nhà ở để CN thuê hoặc mua. Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại cho rằng, ký túc xá được xây dựng dành cho cá nhân ở, nếu chuyển đổi qua hộ gia đình sẽ bất hợp lý trong sinh hoạt.Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị: “Thành phố nên bố trí đất miễn phí, miễn thuế xây dựng, hỗ trợ kinh phí Thiết kế, thẩm định hồ sơ, có chính sách để DN được ưu đãi trong vay vốn đầu tư xây dựng công trình nhà ở xã hội. DN đầu tư xây dựng và liên kết các khách hàng thực hiện chính sách trả trước 10%-20% và trả góp hằng tháng trong thời hạn 10-15 năm”.
Cần hiểu công nhân muốn gì.
Hiện nay, tỷ lệ CN ở các KCN tham gia các hoạt động văn hóa-thể thao (VH-TT) còn khá thấp. Ngoài thời gian làm việc tại các DN, chỉ có 19,76% CN tham gia chơi thể thao; 14,4% tham gia hoạt động văn hóa-văn nghệ; 28,6% đi xem phim; 19% đi cà-phê; 15,7% đi mua sắm; 31,2% tham gia các hoạt động khác. Khảo sát của Liên đoàn Lao động thành phố cho thấy, đại đa số CN mong muốn được chơi bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng, hát cho nhau nghe, xem phim, nghe nhạc…Theo kế hoạch, UBND thành phố sẽ xây dựng mới từ 2-3 trung tâm VH-TT cho CN tại các KCN. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở VH-TT Nguyễn Hữu Chiến, CN thường có tâm lý không muốn vào lại KCN vào ban đêm để tham gia các hoạt động VH-TT. Do đó, thay vì xây dựng trung tâm trong KCN, thành phố nên đầu tư các thiết chế sẵn có ở những khu dân cư có đông CN sinh sống.Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, chất lượng dinh dưỡng bữa ăn CN kém, người lao động còn phải làm việc cả ngày, nên nếu tổ chức các hoạt động đòi hỏi tiêu hao năng lượng sẽ khó thu hút được CN tham gia.Kết thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng yêu cầu các bên liên quan cần sớm điều chỉnh, hoàn thiện và trình UBND thành phố thông qua kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 52-CT/TW của Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho CN lao động tại KCN, khu chế xuất”.Ông Đặng Việt Dũng cũng lưu lý, trước khi nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho CN, cần phải hiểu CN muốn gì, thích tham gia hoạt động giải trí nào để cải thiện, đáp ứng trước mắt. Chỉ khi nào tổ chức đúng, trúng nguyện vọng của CN thì mới có thể thu hút họ đến với phong trào.Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố hình thành đề án tổng thể, chi tiết về phát triển nhà ở cho CN ở từng KCN, trên cơ sở khảo sát nhu cầu cụ thể của từng nhóm CN khác nhau như: vợ chồng, có một con hay hai con, thu nhập… “Bấy lâu nay, nhà ở cho CN tại các KCN vẫn chưa đáp ứng được. CN vẫn phải ở nhà trọ, nhà thuê với điều kiện vệ sinh, hạ tầng cực kỳ thiếu thốn.Chúng ta phải thấy được sự bức thiết vô cùng của vấn đề này và có nhà ở cho CN cũng là thực hiện các chương trình “5 không, 3 có, 4 an” của thành phố”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng nói.