CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:16

Nhà ở xã hội: Chính sách an sinh đang bị trục lợi ?

 

 

Người giàu gian lận để được mua nhà xã hội

Có lẽ chuyện nghịch lý, người giàu mượn danh thu nhập thấp để mua nhà ở xã hội, phải kể đến vụ “Bố tổng giám đốc được mua nhà ở xã hội”, mà báo chí đưa tin rầm rộ thời gian qua. Đó là trường hợp ông Lục Minh Kim, hộ khẩu thường trú tại số 12S, BT2-X2, Bắc Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, “lọt” vào danh sách các đối tượng đủ tiêu chuẩn được xét duyệt mua nhà ở xã hội đợt 2, tại dự án nhà ở xã hội Rice City. Ông Kim là 1 trong 5 người (trên tổng số hơn 500 người) đạt số điểm số cao nhất (từ 96-100 điểm). Điều đáng nói, ông Lục Minh Kim là bố đẻ của bà Lục Thị Mai Trang – TGĐ và ông Lục Minh Hoàn – Phó TGĐ của BIC Việt Nam. Ông Kim hiện đang sống trong biệt thự của con ông tại khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội.

Tuy nhiên, vấn đề không chỉ có trường hợp ông Kim là người thân của ông Hoàn có tên trong danh sách này. Trong danh sách được xét duyệt mua nhà đợt 2 tại dự án Rice City đăng tải trên website Sở Xây dựng Hà Nội còn có 2 người nhà của vị Phó TGĐ BIC Việt Nam cũng “lọt” vào danh sách gồm vợ và mẹ vợ của Phó TGĐ BIC Việt Nam là bà Nguyễn Thị Vinh và bà Hoàng Thị Thanh Vân.

Đây chính là một trong hàng loạt các vụ hành vi trục lợi từ nhà ở xã hội được phát hiện gần đây. Các hành vi này cùng kịch bản, sắp xếp để người thân được suất mua nhà xã hội, mua đi bán lại sau khi đã hoàn thành nhằm hưởng giá chênh.

Chỉ cần gõ lệnh tìm kiếm về nhu cầu mua, bán, cho thuê căn hộ tại các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội là ra ngay hàng loạt thông tin. Theo thông tin có những sàn giao dịch bất động sản nhận phân phối, nhận tiền cọc mua bán, thậm chí cả tiền chênh tại một số dự án nhà ở xã hội. Cũng có không ít trường hợp cá nhận mua được sau đó rao bán lại cho người khác kiếm tiền chênh lệch lên đến hàng trăm triệu. Theo Sở Xây dựng, thời gian qua từ phản ánh của các phương tiện thông tin đại chúng, qua kiểm tra đã phát hiện và thực hiện thu hồi 10 căn hộ sai phạm. Trong đó thu hồi 2 căn hộ chuyển nhượng trái phép và 8 trường hợp hộ gia đình đăng ký mua nhà 2 lần ở các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn.

Mua nhà ở xã hội chui – coi chừng tiền mất tật mang

Vào vai một người đang có nhu cầu mua nhà ở xã hội, phóng viên đã gặp một người tự xưng là chủ căn hộ đang cần bán. Vì đã có nhà ở, nên gia đình không có nhu cầu sử dụng. Nếu chấp nhận mua, người mua sẽ được giữ hồ sơ gốc của căn hộ, phiếu thu đã nộp tiền cho chủ đầu tư. Ngoài ra, sẽ có hợp đồng mua bán giữa người mua và người bán có văn phòng luật sư làm chứng, tháng 11/2016 sẽ có sổ đỏ. Được biết, căn hộ 56 m2 được rao bán với giá 1 tỷ đồng. Trong khi đó, giá gốc mua theo diện nhà ở xã hội từ chủ đầu tư chỉ hơn 800 triệu đồng, nghĩa là nếu giao dịch thành công, người bán sẽ đút túi được số tiền chênh là 200 triệu đồng.

Trước thực trạng có nhiều sàn giao dịch bất động sản rao thuê, thuê mua nhà ở xã hội trái với quy định. Thậm chí còn yêu cầu khách hàng đặt cọc trước số tiền hàng chục triệu đồng để giữ chỗ. Luật sư Bùi Quang Hưng – thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, điều này sẽ rất nguy hiểm cho khách hàng, vì có thể mất trắng một khoản tiền lớn mà không được gì.

Theo ông Hưng: “Bộ Xây dựng quy định nhà ở xã hội không được rao bán tại các sàn giao dịch. Người nào muốn mua phải chuẩn bị hồ sơ gửi đến chủ đầu tư xét duyệt. Sau đó, chủ đầu tư lại phải trình lên ban ngành quản lý thành phố quyết định cuối cùng xem hồ sơ nào được mua. Chính vì vậy, việc các sàn giao dịch bất động sản rao bán nhà ở xã hội là việc làm bất hợp pháp”

Cũng chính hành vi “bán chui” nhà ở xã hội của các sàn giao dịch bất động sản, sẽ khiến cho khách hàng dẫn tới những hệ quả pháp lý nghiêm trọng. “Việc đặt tiền giữ chỗ mua nhà ở xã hội cho bên thứ 3 có thể dẫn tới 2 vấn đề sau. Thứ nhất, nếu giao dịch mua nhà được thực hiện, thì có thể khách hàng cũng không được nhận sổ đỏ vì chính quyền không cho phép việc mua nhà ở xã hội thông qua bên thứ 3. Thứ hai, nếu giao dịch không thực hiện được thì khách hàng khó có thể dòi lại số tiền đặt cọc giữ chỗ lên tới hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Vì chẳng cơ quan chính quyền nào chứng nhận cho việc đặt cọc này là hợp pháp” – Luật sư Bùi Quang Hưng phân tích.

Theo số liệu từ Kiểm toán Nhà nước (KTNN), tại TP Hồ Chí Minh, 16,7% căn hộ được kiểm tra đang sử dụng không đúng đối tượng, mục đích. Tại Đà Nẵng, 35,5% số căn hộ được KTNN chọn mẫu xác minh hiện đang sử dụng không đúng mục đích, đối tượng. Ngoài ra, theo KTNN bên cạnh các hạn chế từ phía địa phương thì các quy định của Chính phủ về nhà ở xã hội còn một số bất cập như, quy định về đối tượng, điều kiện, tiêu chí mua nhà ở xã hội còn có điểm chưa rõ ràng, cụ thể dẫn đến tiềm ẩn rủi ro xác định không đúng đối tượng, cơ chế xác định giá bán nhà ở xã hội chưa có quy định đảm bảo phù hợp giữa thu nhập, khả năng thanh toán của đối tượng được mua với giá bán nhà ở xã hội.

Chính sách về nhà ở xã hội là đúng đắn, góp phần giải quyết nhu cầu bức thiết về nhà ở của người thu nhập thấp ở đô thị. Việc lợi dụng chính sách tốt đẹp của Nhà nước để trục lợi bằng bất cứ hình thức nào đều cần phải ngăn chặn và xử lý để đảm giá trị kinh tế nhân văn của chính sách. 

 

Lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội khuyến cáo người dân nên nghiên cứu kỹ các thủ tục khi mua, thuê mua và thuê nhà ở xã hội trên địa bàn Thủ đô, tránh bị kẻ xấu lợi dụng. Hộ gia đình, các nhân có nhu cầu mua, thuê mua và thuê nhà ở xã hội, chỉ nộp hồ sơ tại chủ đầu tư theo các chỉ dẫn được đăng tải công khai trên trang thông tin của Sở xây dựng Hà Nội (soxaydung.hanoi.gov.vn) và tại trang web chính thức của các chủ đầu tư dự án có nhà ở xã hội, không qua các sàn trung gian.

Người muốn thuê, mua nhà ở xã hội trước hết phải nằm trong nhóm đối tượng sau đây: Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; học sinh, sinh viên các học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề; học sinh trường dân tộc nội trú công lập được sử dụng nhà ở trong thời gian học tập; Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; các đối tượng đã trả lại nhà ở công vụ; hộ gia đình, cá nhân thuộc diện bị thu hồi đất và phải giải tỏa, phá dỡ nhà ở theo quy định của pháp luật mà chưa được nhà nước bồi thường bằng nhà ở, đất ở.

Châu Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh