THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:25

20% thanh niên sẵn sàng vi phạm pháp luật vì gia đình, bạn bè

 

Khảo sát Liêm chính trong thanh niên Việt Nam 2014 được thực hiện từ tháng 12/2013 đến tháng 12/2014, trong khuôn khổ Chương trình Việt Nam giai đoạn 2013-1015 của TI. TT chủ trì việc thực hiện khảo sát, phối hợp cùng CECODES và Live&Learn, với sự hỗ trợ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thanh niên dễ thỏa hiệp và hoài nghi hơn

Cụ thể, 41% thanh niên Việt Nam sẵn sàng nói dối để bảo vệ thu nhập gia đình và 20% thậm chí sẵn sàng vi phạm pháp luật để giúp đỡ gia đình hay bạn bè. Kết quả khảo sát cho thấy, tuy tôn trọng các giá trị liêm chính, thanh niên có xu hướng dễ dàng thỏa hiệp hơn, nhất là để đảm bảo lợi ích gia đình và bạn bè. 

Quang cảnh buổi công bố diễn ra tại Hà Nội

Khi đứng trước các quyết định liên quan đến liêm chính, thanh niên Việt Nam thể hiện xu hướng dễ thỏa hiệp. So với kết quả của cuộc khảo sát đầu tiên thực hiện năm 2011, thanh niên hiện nay có xu hướng coi trọng thu nhập của gia đình và giàu có hơn liêm chính (35% năm 2014 so với 31% năm 2011) và sẵn sàng nói dối để bảo vệ thu nhập gia đình hoặc tình cảm với bạn bè (41% năm 2014 so với 35% năm 2011).  

Đồng thời, thanh niên cũng có cái nhìn bi quan hơn về tính liêm chính của các cơ quan cung cấp dịch vụ công. Năm 2014, tỉ lệ thanh niên đánh giá ‘rất tốt’ về mức độ liêm chính của các cơ quan này đều giảm. 

Trong đó, đánh giá ‘rất tốt’ dành cho cảnh sát giao thông và y tế công đều giảm gần một nửa so với năm 2011, từ 12% xuống còn 6% (cảnh sát giao thông) và từ 11% xuống 6% (y tế công). Đặc biệt, nhóm thanh niên có trình độ học vấn cao (trên bậc trung học phổ thông) thể hiện sự bi quan rõ hơn với mức độ đánh giá khắt khe nhất về vấn đề này (chỉ có tối đa 7% đánh giá ‘rất tốt’ trong khi có tới 19% đánh giá ‘rất kém’).

“Khoảng thời gian gần 3 năm giữa hai cuộc khảo sát (năm 2011 và 2014) giúp nhóm nghiên cứu xác định rõ hơn các xu hướng về liêm chính trong thanh niên. Kết quả so sánh các dữ liệu quan trọng nhất cho thấy: Thanh niên đang hoài nghi tính liêm chính của môi trường xung quanh nhiều hơn. Họ cũng không cảm nhận được bất kỳ ảnh hưởng tích cực nào từ các chương trình giáo dục liêm chính và phòng, chống tham nhũng chính thức. Thực tế này phần nào lý giải một trong những phát hiện quan trọng nhất của YIS 2014: Khi đứng trước lựa chọn giữa liêm chính và tình cảm với gia đình hay bạn bè, thanh niên cho rằng vi phạm liêm chính trong các trường hợp này là ‘chấp nhận được”, ông Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc CECODES, đồng tác giả của YIS 2014 chia sẻ. 


41% thanh niên Việt Nam sẵn sàng nói dối để bảo vệ thu nhập gia đình và 20% thậm chí sẵn sàng vi phạm pháp luật để giúp đỡ gia đình hay bạn bè

Thanh niên sẵn sàng tham gia phòng, chống tham nhũng

Tuy vẫn gặp khó khăn khi phải đưa ra các quyết định liên quan đến liêm chính, 87% thanh niên Việt Nam được hỏi trong năm 2014 sẵn sàng tham gia vào các sáng kiến phòng, chống tham nhũng. 

Đặc biệt, nhóm thanh niên có trình độ học vấn thấp (chỉ tới bậc tiểu học) đang thể hiện quan điểm tích cực hơn với 84% tin rằng thanh niên đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, tăng mạnh so với 67% năm 2011.

Internet và mạng xã hội đang ngày càng ảnh hưởng đến quan điểm của thanh niên về liêm chính: trong nhóm thanh niên có trình độ học vấn cao, 92% (năm 2014) cho rằng Internet góp phần hình thành nên quan điểm của họ về liêm chính. Đối với nhóm thanh niên có trình độ học vấn thấp, số người đồng tình với quan điểm này cũng tăng mạnh: từ 2% (2011) lên 16% (2014) đối với Internet và từ 3% lên 24% đối với mạng xã hội.

 

Quang cảnh buổi công bố diễn ra tại Hà Nội

Bà Đào Nga, Giám đốc TT chia sẻ, trong các hoạt động của TT với thanh niên, chúng tôi luôn đi từ bất ngờ, thích thú đến khâm phục khả năng dẫn dắt của các bạn. Vì vậy, một trong các khuyến nghị quan trọng nhất của YIS 2014 hướng tới chính các bạn trẻ - những con người tràn đầy sáng tạo - hãy chủ động tham gia và đề xuất các sáng kiến về liêm chính. "Bằng cách tham gia vào các sáng kiến này, các bạn sẽ tìm ra những con đường mới để giải quyết những vấn đề thách thức tính liêm chính của bản thân. Đồng thời, các bạn sẽ có thêm cảm hứng và động lực để tiếp tục lan tỏa nhiệt huyết cho mọi người cùng thực hành liêm chính.”- Bà Nga khẳng định. 

 

Minh bạch Quốc tế (TI) là một tổ chức xã hội dân sự toàn cầu đi đầu trong phong trào đấu tranh chống tham nhũng. Hướng tới Minh bạch (TT) là cơ quan đầu mối quốc gia của tổ chức Minh bạch Quốc tế tại  Việt Nam, hoạt động với mục tiêu góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Thông qua phỏng vấn 1,110 thanh niên trong độ tuổi 15 - 30 và một nhóm đối tượng kiểm chứng gồm 432 người trên 30 tuổi, được lựa chọn ngẫu nhiên tại 11 tỉnh, thành phố của Việt Nam, khảo sát nghiên cứu các giá trị và thái độ của thanh niên Việt Nam đối với liêm chính cũng như những trải nghiệm và hành vị của họ liên quan đến tham nhũng.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh