THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 05:56

Đà Nẵng kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2023

Lễ kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2023.

Lễ kỷ niệm Ngày Công tác xã hội Việt Nam năm 2023.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, hơn hai mươi năm trước, thành phố đã có những kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động trợ giúp các đối tượng xã hội từ công tác ban hành xây dựng hệ thống các chính sách, quy hoạch cơ sở bảo trợ xã hội, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là hoạt động huy động xã hội hóa, tranh thủ vận động các dự án nước ngoài hỗ trợ các đối tượng yếu thế, khó khăn, thể hiện qua các chương trình giảm nghèo, bảo vệ chăm sóc trẻ em, trợ giúp người khuyết tật, người cao tuổi...

Qua 10 năm triển khai thực hiện Đề án 32 của Chính phủ về phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020 và 2 năm (2021-2022) thực hiện Kế hoạch triển khai Chương trình phát triển công tác xã hội, thành phố đã ban hành nhiều văn bản chủ trương làm cơ sở thúc đẩy chất lượng hoạt động nghề công tác xã hội; hình thành được mạng lưới cán bộ xã hội của các sở, ngành, hội đoàn thể, địa phương với trên 5.000 cán bộ làm công tác xã hội, hơn 1.800 cộng tác viên dân số - y tế- trẻ em, đặc biệt, thành lập đội ngũ cộng tác viên công tác xã hội tại các xã, phường thực hiện chức năng trợ giúp các đối tượng người cao tuổi, người tâm thần, người khuyết tật, người nhiễm HIV, người nghèo, trẻ em, nạn nhân bị buôn bán, nạn nhân bạo lực…

Thành phố quan tâm tập trung đào tạo tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác xã hội, định kỳ hằng năm, tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho hơn 5.000 lượt cán bộ hội đoàn thể, địa phương, nhân viên y tế, giáo viên, cộng tác viên công tác xã hội về các kiến thức, kỹ năng nghề công tác xã hội; chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo, bảo trợ xã hội, qua đó giúp nâng cao năng lực thực hành nghề công tác xã hội, kết nối hỗ trợ đối tượng.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cũng cho biết, hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội được thành phố quan tâm đầu tư, phát triển cả về số lượng và chất lượng, trong đó Trung tâm Công tác xã hội thành phố là đơn vị trung tâm đầu mối trong kết nối, cung cấp các dịch vụ công tác xã hội trên địa bàn cho các đối tượng yếu thế; thiết lập, vận hành tổng đài tư vấn miễn phí 18001046, đa dạng hóa dịch vụ cung cấp cho đối tượng, được Cục Trẻ em chọn đặt Tổng đài 111 khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.

Nhiều mô hình cung cấp dịch vụ cho các nhóm đối tượng yếu thế được triển khai thực hiện như mô hình 3 trong 1, Câu lạc bộ Sống độc lập, Mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí, “Xã phường làm tốt công tác xã hội với trẻ em”... của Trung tâm Công tác xã hội; mô hình điều dưỡng luân phiên cho người tâm thần của Trung tâm điều dưỡng người tâm thần; mô hình 3 trong 1 thực hiện thủ tục liên thông cấp giấy khai sinh cho trẻ em, mô hình trợ giúp pháp lý di động cho người khuyết tật của Sở Tư pháp... đã phát hiện, kết nối các dịch vụ điều trị tâm lý, hỗ trợ phục hồi chức năng, trợ giúp xã hội, ổn định cuộc sống cho gần 3.000 đối tượng là trẻ em, phụ nữ có vấn đề về tâm lý, người khuyết tật, bộ đội xuất ngũ bị bệnh tâm thần…

Hệ thống chính sách trợ giúp xã hội của thành phố luôn được quan tâm mở rộng, hoàn thiện theo hướng tăng độ bao phủ đối tượng, mức trợ cấp ngày một nâng cao, các giải pháp hỗ trợ ngày càng hướng đến tính toàn diện, bền vững, kết hợp nguồn lực vận động, xã hội hóa với ngân sách Nhà nước để tăng tính sẻ chia nguồn lực trợ giúp đến đối tượng.

Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19, thành phố đã ban hành nhiều chính sách đặc thù trên nhiều phương diện: hỗ trợ chi phí y tế, tiền ăn, chi phí điều trị, lương thực, thực phẩm thiết yếu, hỗ trợ mất việc làm do dịch bệnh,... với kinh phí hơn 400 tỷ đồng. Đồng thời, vận động, kết nối nhiều nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ đối tượng xã hội, người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh nhanh chóng vượt qua khó khăn, hồi phục, ổn định cuộc sống. Đây chính là những nỗ lực, thành tựu của thành phố trong thúc đẩy nghề công tác xã hội.

Kế hoạch phát triển công tác xã hội TP Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025 sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các cấp phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thành phố, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, góp phần thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội trên địa bàn thành phố. Trong đó, đảm bảo 100% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, trẻ em là nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng, trẻ em bị ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh và các đối tượng bảo trợ xã hội khác được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa.

Được biết, trên thế giới, nghề công tác xã hội có lịch sử phát triển từ lâu đời và đã được xem như một nghề chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia từ nhiều thế kỷ qua. Ngày nay, nghề công tác xã hội tồn tại như một nghề chính thống tại hơn 90 quốc gia.

Ở Việt Nam, các hoạt động trợ giúp xã hội tuy đã có từ rất lâu nhưng chủ yếu mang tính từ thiện, nhân đạo. Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ quyết định chọn ngày 25/3 hàng năm là ngày Công tác xã hội Việt Nam với mục đích tôn vinh giá trị, ý nghĩa nhân văn của nghề, ghi nhận vai trò và đóng góp của những người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.

Đồng thời, kêu gọi phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách”, tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn, góp phần bảo đảm thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân.  

BÙI MINH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh