Đà Nẵng: Kiểm soát các yếu tố nguy hiểm để hạn chế tai nạn lao động
- Bài thuốc hay
- 19:26 - 09/05/2018
Đà Nẵng kiểm soát các yếu tố nguy hiểm để hạn chế tai nạn lao động tại nơi làm việc
Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2017 cả nước xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn lao động, làm hơn 9.170 người bị nạn, trong đó có 928 người chết, 1.915 người bị thương nặng, gây thiệt hại hơn 1.545 tỷ đồng và làm mất hơn 135.900 ngày công lao động. Tại TP. Đà Nẵng, trong năm 2017 cũng đã xảy ra 79 vụ tai nạn lao động, làm chết 16 người, 14 người bị thương nặng, giảm 15% số vụ tai nạn so với năm 2016. Từ đầu năm 2018 đến nay, tại thành phố cũng đã xảy ra 2 vụ tai nạn lao động, làm 2 người chết.
Làm sao để chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc nhằm hạn chế tối đa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2018 được TP. Đà Nẵng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc chấp hành Luật An toàn, vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp; khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố triển khai tổ chức các chương trình cụ thể bằng những hoạt động như hội thi văn hóa, văn nghệ, tổ chức hội thảo, tọa đàm, nâng cao nhận thức, kỹ năng an toàn vệ sinh lao động cho công nhân và người lao động tham gia.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng phát biểu tại Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2018
Tại Lễ phát động Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Đà Nẵng năm 2018, hơn 50 doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ, đại diện cho hàng nghìn doanh nghiệp và hơn 1.000 công nhân viên chức, người lao động trên địa bàn TP. Đà Nẵng đã hưởng ứng tích cực.
Ông Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho rằng, thực hiện tốt công tác an toàn, vệ sinh lao động chính là đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho thành phố. Vì vậy, cùng với việc tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của người lao động, sự chấp hành các quy định của người sử dụng lao động sẽ giúp việc chủ động kiểm soát an toàn lao động tại nơi làm việc được hiệu quả. Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng cho biết, thành phố sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp cần tăng cường công tác tự kiểm tra, giám sát an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở.
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng nhấn mạnh, công tác tuyên truyền có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng những hoạt động cụ thể tại nơi làm việc, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho biết, địa phương sẽ tập trung vào những lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao như các công trình xây dựng, các mỏ khai thác đá, cơ khí... để tăng cường công tác huấn luyện, hướng dẫn về công tác an toàn, vệ sinh lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, giúp người lao động và người sử dụng lao động tại đây xác định được yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, từ đó chủ động có biện pháp phòng ngừa và kiểm soát, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có thể xảy ra.
Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động TP. Đà Nẵng năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 1-31/5/2018. Nhiều hoạt động tuyên truyền thông qua các Hội thi văn hóa, văn nghệ, tọa đàm, đối thoại chính sách, hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng và phát động phong trào thi đua thực hiện tốt các chính sách quy định về an toàn vệ sinh lao động; tổ chức Hội thi “An toàn vệ sinh viên giỏi” cũng sẽ được tổ chức với sự tham gia của đông đảo người lao động và các doanh nghiệp. Đặc biệt, từ ngày 11-13/5, tại Trung tâm Văn hóa thể thao quận Cẩm Lệ sẽ diễn ra Phiên chợ công nhân với các hoạt động hỗ trợ tư vấn trực tiếp cho công nhân và người lao động, các hoạt động giao lưu với công nhân và người lao động, tặng quà cho gia đình có công nhân bị tai nạn lao động nặng hoặc tử vong do tai nạn lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…