CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:41

Đà Nẵng: Khó tìm lời giải thu hút người học nghề

Cần có chính sách ưu tiên, đãi ngộ cụ thể đối với người học nghề

Tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân trong tay, thế nhưng đã gần 3 năm nay, Nguyễn Thị Hằng, cựu sinh viên của một trường Đại học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng vẫn chưa thể xin được việc làm đúng với chuyên ngành học.

 Không đành lòng cầm tấm bằng đại học vào làm tại các khu công nghiệp như nhiều bạn bè cùng trang lứa lựa chọn, để trụ lại thành phố, cô sinh viên quê Quảng Nam Nguyễn Thị Hằng quyết định đi làm gia sư và đăng ký học tiếp lên cao học với mong muốn theo đuổi ước mơ giản dị “Mình chỉ mong sao có một công việc hành chính phù hợp với chuyên ngành học, mức lương đủ trang trải cuộc sống là ổn rồi, chứ bây giờ mà đi làm công nhân thì uổng công ba mẹ chắt chiu nuôi ăn học chừng ấy năm trời”, Hằng chia sẻ.

Thực trạng sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng ra trường không có việc làm, phải ứng tuyển vào làm việc tại các khu công nghiệp đã không còn là chuyện mới mẻ ở Đà Nẵng. 

 

 

Một buổi tư vấn, đăng ký học nghề do TT Giới thiệu việc làm Đà Nẵng tổ chức

Với một số lượng lớn lao động có trình độ Đại học, cao đẳng ra trường mỗi năm, trong khi số lượng các doanh nghiệp tại đây chưa nhiều, thực sự đang khiến cho nguồn cung thị trường lao động này trở nên vượt quá cầu. Trong khi đó, tại nhiều phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm (thuộc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng) tổ chức cho thấy, nhu cầu cần nguồn lao động có tay nghề, công nhân kỹ thuật, cơ khí… vẫn luôn là đối tượng được nhiều doanh nghiệp săn đón. Trong khi, việc thu hút học nghề tại địa phương này, theo nhiều người làm công tác đào tạo vẫn là bài toán khó tìm lời giải.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng cho rằng: “Công tác hướng nghiệp, phân luồng sau THCS, THPT vào học nghề mặc dù được thành phố cùng rất nhiều đơn vị, ban, ngành quan tâm, chủ trương cũng đã được đặt ra cụ thể, tuy nhiên phải thừa nhận, việc thu hút người học nghề còn nhiều bất cập, thậm chí rất khó thực hiện bởi chưa có một cơ chế ưu tiên, đãi ngộ hay khuyến khích nào mang tính đột phá”

Ông Dũng dẫn chứng, trong năm 2013, toàn TP. Đà Nẵng có 10.033 học sinh tốt nghiệp THCS (đạt 98,8%), thế nhưng chỉ có 592 em vào học tại các cơ sở đào tạo nghề, tức đạt 5,9%. Gần đây nhất là năm 2014, thành phố có 11.298 học sinh tốt nghiệp THCS (đạt 99,1%), tuy nhiên cũng chỉ có 5,4%, tương ứng 615 em lựa chọn học nghề. Một con số khá thấp so với mục tiêu đào tạo nghề đặt ra. 

Cùng chung quan điểm này, bà Lê Thị Nam Phương, Hội doanh nhân trẻ TP. Đà Nẵng cho rằng “Cần phải có cơ chế ưu tiên, đãi ngộ cụ thể đối với người học nghề, có như vậy mới thu hút được người học” bởi theo bà, hiếu học là chuyện tốt, tuy nhiên nếu nhà nhà bằng mọi giá phải cho con em mình vào đại học thì việc thừa thầy thiếu thợ sẽ là chuyện tất yếu và hệ quả là người lao động không có việc làm vẫn thất nghiệp, trong khi không ít doanh nghiệp lại đang phải đỏ mắt tìm nhân công.

Công tác tuyên truyền đóng vai trò quan trọng

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến việc thu hút học nghề tại địa phương gặp nhiều khó khăn là do chỉ tiêu đào tạo của các trường đại học quá nhiều, trong khi thời gian tuyển sinh cũng kéo dài hơn. Bên cạnh đó, nhận thức của học sinh- sinh viên trong việc đi học nghề và lựa chọn học nghề còn những hạn chế nhất định. Trong khi đó, công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ đào tạo nghề đến với người dân ở địa phương chưa nhiều. Công tác triển khai rà soát nắm danh sách lao động đặc thù có nhu cầu học nghề chưa sát với thực tế.   

Một bức tranh toàn cảnh với những mặt đạt được, những vấn đề còn vướng mắc trong công tác đào tạo nghề, thị trường lao động, cung- cầu lao động đã được các đại biểu tham dự góp ý, thảo luận, trong đó đa số các đại biểu cho rằng, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền.

Theo đó, các cơ sở dạy nghề nên thường xuyên tổ chức các hoạt động như tư vấn, tuyển sinh học nghề với nhiều hình thức khác nhau như cán bộ tư vấn, tuyển sinh đến trực tiếp các địa phương, tư vấn hướng nghiệp tại các trường THPT, tổ chức ngày hội tuyển sinh, học nghề  và kết nối việc làm…nhằm thu hút người lao động tham gia  học nghề và tìm kiếm việc làm.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2015, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố đã tuyển sinh mới 18.197 người, đạt 40,44% kế hoạch năm. Trong đó, trình độ cao đẳng nghề: 369 người, trung cấp nghề: 350 người; sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên: 17.478 người. 


Bùi Minh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh