THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:34

Đà Nẵng hướng dẫn quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh

Ngành Y tế Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn thành phố.

Ngành Y tế Đà Nẵng lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn thành phố.

Theo đó, để tiếp tục triển khai các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, Sở Y tế TP Đà Nẵng đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai áp dụng quy trình xử lý khi phát hiện người nhiễm COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Cụ thể:

Bước 1: Cơ sở sản xuất, kinh doanh thông báo, báo cáo tình hình, mô tả sơ bộ thông tin người nhiễm COVID-19 và các trường hợp liên quan ngay cho UBND, Trung tâm Y tế quận, huyện mà cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng chân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (bằng điện thoại).

Tổ Y tế, Tổ COVID-19 doanh nghiệp, người có trách nhiệm tại cơ sở sản xuất, kinh doanh tạm thời cách ly F0 ở buồng cách ly hoặc khu vực cách ly của đơn vị. Đồng thời, tạm dừng hoạt động đối với toàn thể cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là phân xưởng, bộ phận, vị trí làm việc có liên quan đến F0; thực hiện nghiêm nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó” để điều tra, truy vết, khoanh vùng. Yêu cầu người lao động nghiêm túc khai báo y tế, thực hiện nghiêm 5K, phân xưởng nào ở yên phân xưởng đó; không để xảy ra hoang mang, lo lắng với người lao động.

Bước 2: Trung tâm Y tế quận, huyện mà cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng chân, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tổ chức đoàn làm việc đến ngay cơ sở sản xuất, kinh doanh để triển khai các biện pháp kiểm soát dịch.

Bước 3: Cơ sở sản xuất, kinh doanh phối hợp thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Truy xuất mọi thông tin, tài liệu: Thiết bị chấm công, camera, danh sách người lao động... để phân loại F1, F2, F liên quan. Đánh giá mối liên quan dịch tễ của các phân xưởng/dây chuyền sản xuất/tổ sản xuất/khu vực sản xuất/vị trí làm việc khác với khu vực có F0.

Bước 4: Tổ chức xét nghiệm bằng phương pháp test nhanh (gộp 2 – 3 người) đối với toàn bộ F1, F liên quan tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đánh giá, lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR đối với trường hợp F2 nếu cần thiết. Nếu kết quả dương tính thì tiếp tục xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn. Nếu kết quả âm tính thì tiếp tục xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp theo nguyên tắc gộp mẫu các trường hợp cùng phân xưởng/tổ sản xuất/cùng vị trí làm việc, cùng phòng trọ, nơi lưu trú...

Đối với toàn bộ người lao động còn lại: Nếu doanh nghiệp có nhu cầu và có điều kiện, tự hợp đồng thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên, nếu kết quả xét nghiệm dương tính thì xét nghiệm RT-PCR mẫu đơn.

Bước 5: Xử lý đối với trường hợp F1 (các trường hợp tiếp xúc gần với nguồn lây F0) thực hiện theo Điểm a Mục 1 Công văn số 7778/UBND-SYT ngày 19/11/2021 của UBND TP Đà Nẵng.

Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động có nhu cầu vừa lao động, vừa cách ly các trường hợp F1, đảm bảo các điều kiện: Phải có cơ sở vật chất đảm bảo giãn cách, hạn chế tiếp xúc, phân bổ thời gian làm việc, ăn, nghỉ, vệ sinh theo ca, kíp, bộ phận để hạn chế tiếp xúc, tuyệt đối giữ khoảng cách an toàn và hạn chế tiếp xúc khi làm việc.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh có ≥80% người lao động tiêm chủng đầy đủ vaccine phòng COVID-19: Tất cả F1 được tiếp tục lao động, xét nghiệm lại vào ngày 4, 7 và tiếp tục mỗi 7 ngày cho đến khi không còn phát hiện F0; khai báo sức khỏe mỗi ngày và xét nghiệm ngay khi có triệu chứng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho người ở cùng, nhất là người có nguy cơ cao (người trên 65 tuổi, người trên 50 tuổi có bệnh nền, người béo phì có BMI >25, phụ nữ mang thai và sau sinh 2 tuần); hạn chế tối đa giao tiếp với bên ngoài cho đến khi kết thúc thời gian theo dõi.

Trường hợp cơ sở sản xuất có <80% người lao động tiêm chủng đầy đủ: Đối với F1 chưa được tiêm vaccine đầy đủ thực hiện cách ly 14 ngày tại nhà (nếu đủ điều kiện) hoặc tại cơ sở cách ly; xét nghiệm lại vào ngày thứ 7, 14. Đối với F1 đã tiêm vaccine đầy đủ thì xử lý như trường hợp F1 của cơ sở sản xuất có >80% người lao động đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.

Đối với F2 (các trường hợp tiếp xúc gần với F1): Cách ly tạm thời chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR của F1: Nếu kết quả âm tính thì F2 kết thúc cách ly. Trường hợp nếu kết quả dương tính: F2 chuyển thành F1 và xử lý như đối với F1.

Đối với F liên quan (người có tiếp xúc trong vòng 2m với F0 trong khoảng thời gian từ 4 đến 5 ngày trước khi khởi phát của F0; người có đến khu vực, địa điểm liên quan đến F0 tại thời điểm có F0 nhưng không rõ có tiếp xúc hay không hoặc không tiếp xúc vòng 2 mét với F0): Phải ký cam kết thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ Y tế, hạn chế tiếp xúc, hạn chế nói chuyện, tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc với F0 hoặc đến địa điểm liên quan đến F0. Khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh COVID-19 thì lập tức liên hệ ngay với cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm tại Trạm y tế hoặc Trung tâm y tế và áp dụng các biện pháp can thiệp y tế phù hợp. Thực hiện xét nghiệm vào ngày 1, 4, 7 kể từ ngày tiếp xúc với F0 hoặc đến địa điểm liên quan đến F0. Chi phí xét nghiệm đối với F liên quan để tầm soát, giám sát dịch sẽ do doanh nghiệp chủ động chi trả.

Bước 6: Lập danh sách người lao động là F1, F2, các trường hợp khác không có mặt tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, thông báo Trung tâm Y tế quận, huyện nơi người lao động đang lưu trú để xử trí theo quy định. Đồng thời, cơ quan y tế quận, huyện nơi người lao động đang lưu trú phối hợp với chính quyền địa phương thông báo cho các đối tượng này ở yên tại nhà/nơi lưu trú, khai báo y tế và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan y tế.

Bước 7: Thực hiện khử khuẩn khu vực F0 từng làm việc, sinh hoạt, từng đến theo Công văn 1560/BYT-MT ngày 25/3/2020 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn tạm thời khử trùng và xử lý môi trường khu vực có bệnh nhân COVID-19 tại cộng đồng. 

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng, trong ngày 24/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 60 ca mắc COVID-19 mới, gồm: 10 ca cách ly tập trung, 23 ca cách ly tại nhà, 1 ca trong khu phong tỏa, 1 ca về từ ngoại tỉnh và 25 ca chưa cách ly.

Trong ngày, lực lượng chức năng cũng đã tổ chức lấy mẫu xét nghiệm 24.928 lượt người, trong đó xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR 23.143 lượt người và test nhanh 1.785 lượt người.

Đến nay, TP Đà Nẵng đã tiêm 1.556.310 mũi vaccine phòng COVID-19 cho người dân, trong đó có 939.212 người tiêm mũi 1 và 617.098 người tiêm mũi 2.

BÙI MINH

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh