CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 06:04

Đà Nẵng: Hiệu quả tuyên truyền trong công tác phòng, chống ma túy

 - Ảnh 1

Các hoạt động của CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống ma túy ở Đà Nẵng.

 

Đa dạng những cách làm

Tổ chức các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho người sau cai nghiện ma túy, thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu và người hết thời gian quản lý sau cai nghiện, hay hội thi tuyên truyền phòng, chống ma túy với chủ đề “Thanh thiếu niên Hải Châu nói không với chất cấm”,… là những hoạt động được  UBND quận Hải Châu (Đà Nẵng) thực hiện hết sức hiệu quả thời gian qua, huy động được sự tham gia hưởng ứng của hàng trăm đoàn viên thanh niên.

Không chỉ sáng tạo trong những cách làm để tuyên truyền về tác hại của ma túy, giúp người sau cai hòa nhập cộng đồng, tại quận Hải Châu, các Câu lạc bộ sau cai nghiện tại 13 phường đều được triển khai sinh hoạt với những hoạt động hết sức sôi nổi, như: giao lưu bóng đá, hái hoa dân chủ... nhằm tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và cuộc sống của từng đối tượng để theo dõi, hỗ trợ, giúp đỡ.  

Bên cạnh đó, UBND các phường còn phối hợp với Công an phường mở các lớp giáo dục pháp luật cho người là thanh thiếu niên vi phạm pháp luật và người có nguy cơ cao về tệ nạn ma túy. Thông các lớp học này, các đối tượng sẽ được làm bản cam kết chấp hành tốt các qui định của pháp luật và không vi phạm các hành vi gây mất an ninh trật tự…

Còn tại quận Thanh Khê, hơn 10.000 lượt người đã được tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy và các quy định về cai nghiện ma tuý, quản lý sau cai qua hơn 50 buổi tuyên truyền. Các đoàn phường cũng lồng ghép vào nội dung sinh hoạt hè để tuyên truyền phòng ngừa tác hại của ma túy cho các học sinh bậc THPT, THCS; mở các lớp giáo dục đạo đức, pháp luật cho các đối tượng hình sự, ma túy.

Quận Sơn Trà lồng ghép nhiều nội dung phòng, chống tệ nạn ma túy, phòng chống HIV/AIDS với các mô hình “Tổ dân phố không có tội phạm và tệ nạn xã hội”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được nhân dân tham gia, hưởng ứng tích cực. Đặc biệt, với việc vận động các gia đình, tộc họ, cơ quan, đơn vị, khu dân cư đăng ký “không có tội phạm và tệ nạn ma túy”, hay duy trì chuyên đề về phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng chống ma túy, mại dâm với tần suất 2 buổi/tuần vào các ngày thứ ba và thứ năm trên phương tiện truyền thanh như tại quận Sơn Trà,… đã và đang góp phần đẩy lùi tệ nạn ma túy trên các địa bàn.

“Không nên thử ma túy dù chỉ một lần, nên tuyên truyền là cách tốt nhất để nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là đối với giới trẻ, đối tượng thường hay muốn thể hiện bản thân, ham muốn tìm cảm giác lạ, nên rất dễ bị lôi kéo, rủ rê vào tệ nạn ma túy. Vì vậy, với việc đa dạng những cách làm trong tuyên truyền sẽ góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của người dân về tác hại của ma túy, cũng như những hệ lụy mà nó gây ra.” – ông Lương Vĩnh Thái - Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng cho biết.

Mới đây, nằm trong các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về Phòng, chống ma túy, bên cạnh việc phối hợp với UBND xã, phường lắp đặt các tấm pano tuyên truyền về phòng, chống ma túy; phối hợp với các quận, huyện triển khai các buổi tuyên truyền, gặp mặt, nói chuyện với chủ đề tác hại của ma túy, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng đã tổ chức tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ cáp treo Bà Nà. Đây là đơn vị có số lượng cán bộ, công nhân viên đông, với tỷ lệ người lao động trẻ chiếm số lượng lớn.

Theo đó, với chủ đề “Tác hại của ma túy và thuốc lá đối với cá nhân và xã hội”, tại buổi tuyên truyền, các cán bộ, công nhân viên thuộc Công ty Cổ phần Dịch vụ cáp treo Bà Nà đã được nghe tìm hiểu về các loại ma túy, tác hại và những hệ lụy mà ma túy có thể gây ra đối với người sử dụng. Đặc biệt, thông qua những câu chuyện người thật việc thật, đến từ các nhân vật - những người đã từng một thời chật vật để “đoạn tuyệt” với nàng tiên nâu, phần nào đánh thức những suy nghĩ, nhận thức về tác hại không lường mà ma túy gây ra.

Là con đường ngắn nhất dẫn đến tội phạm, không chỉ hủy hoại sức khỏe, tinh thần, thể chất và cuộc sống của người sử dụng, hàng loạt những vụ phạm tội, giết người man rợ đều có nguyên nhân từ việc sử dụng ma túy, mà không ít trường hợp, nạn nhân lại chính là người thân của người sử dụng chúng.  

Theo Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng, những năm gần đây, tình hình sử dụng ma túy có nhiều diễn biến phức tạp, bên cạnh các loại như heroin, ma túy đá,… gần đây xuất hiện thêm nhiều loại chất gây nghiện mới, lan tỏa nhanh chóng trong giới trẻ như: thuốc lắc, lá khát, bóng cười, nấm ảo giác, cỏ Mỹ, tem giấy… là hồi chuông cảnh báo, nếu không được tuyên truyền, nhận thức đúng.

Đảm bảo quy trình cai nghiện và hỗ trợ người sau cai để tránh tái nghiện

 Tính đến ngày 15/5/2019, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 520 người đang cai nghiện tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, trong đó có 68 người cai nghiện tự nguyện, 27 người ngoại tỉnh; 752 người đang quản lý sau cai tại nơi cư trú và 33 người cai nghiện tại gia đình - cộng đồng.

 Trong 6 tháng đầu năm 2019, Cơ sở đã đưa vào cắt cơn cai nghiện ma túy cho 382 người nghiện (65 cai nghiện tự nguyện), trong đó 223 người mới nghiện và 159 người tái nghiện; giải quyết cho về cộng đồng 342 người (trong đó về đúng thời hạn là 287 người, chấp hành hình phạt tù 12 người, đình chỉ chữa bệnh 02 người, trốn viện 01 người, công an nhận lại: 40 người). Tính đến ngày 15/5/2019 Cơ sở đang quản lý, cai nghiện, giáo dục, dạy nghề cho 520 học viên, trong đó đang ở Cơ sở xã hội Bầu Bàng là 448 học viên (có 27 người ngoài thành phố) và 72 không có nơi cư trú ổn định đang chờ Quyết định của Tòa án.

 Tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, mọi công tác tổ chức cai nghiện được thực hiện đồng bộ và chặt chẽ từ công tác tiếp nhận, phân loại, quản lý, tư vấn, giáo dục phục hồi hành vi nhân cách, tổ chức lao động trị liệu, bảo đảm an ninh trật tự và phòng, chống thẩm lậu các chất kích thích. Tại đây, học viên được tham gia học văn hóa, học nghề và lao động trị liệu; xem ti vi, đọc sách báo, gọi điện thoại cho gia đình hàng ngày, định kỳ hằng tuần được thăm gặp gia đình; tổ chức các buổi giao lưu văn nghệ, thể thao với các địa phương, đơn vị…

Đặc biệt, hàng năm Cơ sở xã hội Bầu Bàng còn phối hợp với Trường Cao đẳng nghề số 5 Bộ Quốc phòng, Trường Đại học Xây dựng Miền Trung, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Đà Nẵng mở đào tạo các lớp nghề điện dân dụng, sửa chữa xe máy, kỹ thuật xây dựng cho các học viên tại cơ sở; tổ chức lớp dạy văn hóa, xóa mù chữ, cũng như các lớp chuyên đề giáo dục sức khỏe, pháp luật, đội hình đội ngũ, kỹ năng phòng tránh tái nghiện cho hàng trăm học viên.

Ngoài ra, đơn vị cũng tổ chức các buổi tư vấn cho hàng nghìn học viên, cũng như  thân nhân gia đình học viên; tổ chức gặp mặt thân nhân gia đình học viên, tạo điều kiện để gia đình thăm nơi ăn ở, nắm bắt tình hình sức khỏe, quá trình cai nghiện, rèn luyện của con em mình, từ đó động viên, giúp đỡ học viên ổn định tư tưởng, an tâm cai nghiện. Thông qua những hoạt động thiết thực này, nhiều học viên đã có kết quả phấn đấu rèn luyện tốt và không tái nghiện trở lại khi về cộng đồng.

Bên cạnh cai nghiện tập trung, công tác cai nghiện tại gia đình - cộng đồng, quản lý và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện cũng được TP. Đà Nẵng triển khai hiệu quả. Theo đó, tất cả học viên sau khi hoàn thành thời gian cai nghiện tập trung đều được các địa phương phối hợp với gia đình đón về cộng đồng, được chính quyền, đoàn thể cùng gia đình chăm lo giúp đỡ cả về tinh thần lẫn vật chất.

Theo Chi cục PCTNXH TP Đà Nẵng, đến ngày 15/5/2019, toàn thành phố có 752 người đang được quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú thì có việc làm 465 người, chiếm tỷ lệ 62%. Trong 752 người đang quản lý sau cai có 716 người đủ điều kiện phân loại (479 người tiến bộ, chiếm 67%, 187 người chưa tiến bộ chiếm 26% và 50 người có nguy cơ tái nghiện, chiếm 7%) và 36 người mới về chưa đủ điều kiện phân loại được UBND các xã, phường lập đầy đủ hồ sơ, phân công cán bộ đoàn thể theo dõi, giúp đỡ, giáo dục. Hàng tháng, đều tổ chức kiểm danh, kiểm diện, thực hiện xét nghiệm ma túy đột xuất đối với người có nguy cơ tái nghiện.  

Tuyên truyền để phòng ngừa, hỗ trợ sau cai nghiện để hòa nhập và tránh nguy cơ tái nghiện, bằng những cách làm, tệ nạn ma túy trên địa bàn TP. Đà Nẵng đang từng bước được đẩy lùi, góp phần vào mục tiêu an sinh xã hội, xây dựng thành phố  “4 an”.

BM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh