Đà Nẵng hiệu quả từ chương trình đưa lao động nông nghiệp xuất ngoại
- Bài thuốc hay
- 10:04 - 26/12/2023
Giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân
Vừa trở về từ Hàn Quốc sau 3 đợt đi xuất khẩu lao động, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu (thôn Thạch Nham Tây, xã Hoà Nhơn, huyện Hoà Vang, Đà Nẵng) lại chuẩn bị đăng ký tham gia đi xuất khẩu lao động đợt 4.
Với nghề làm nông, trước đây gia đình chị Thu thuộc diện khó khăn ở địa phương. Năm 2019, biết được huyện Hoà Vang có chương trình đưa lao động nông nghiệp sang làm việc ngắn hạn tại Hàn Quốc, anh chị mạnh dạn đăng ký tham gia và được địa phương xét duyệt.
Khi sang Hàn Quốc làm việc, công việc hàng ngày của vợ chồng chị Thu chủ yếu là chăm sóc và thu hoạch dưa hấu, táo, ớt, cải thảo và một số loại cây nông nghiệp khác. Vốn đã quen với nghề làm nông, chị Thu cho biết, chỉ cần có sức khỏe và chịu khó thì thu nhập cũng khá.
“Trung bình mỗi tháng, vợ chồng tôi thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng/người. Từ khi đi xuất khẩu lao động, kinh tế gia đình tôi ổn định hơn rất nhiều. Ngoài có tiền trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học, gia đình cũng dành dụm được khoản kha khá. So với ở quê làm nông nghiệp thì số tiền này chúng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ tới có thể tích góp được”, chị Thu chia sẻ.
Từ năm 2017, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) và huyện Yeongyang, tỉnh Gyeongsangbuk (Hàn Quốc) ký kết chương trình hợp tác xúc tiến và triển khai chương trình hợp tác về trao đổi nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo chương trình này, lao động nông nghiệp của huyện Hoà Vang sẽ sang làm việc thời vụ tại huyện Yeongyang (Hàn Quốc).
Với thí điểm ban đầu chỉ đưa 29 lao động nông nghiệp xuất ngoại, đến nay huyện Hoà Vang đã đưa gần 1.200 lao động nông nghiệp sang làm việc thời vụ tại Hàn Quốc. Ông Đặng Thập, Phó Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hoà Vang cho biết, đa số lao động đi làm việc ở Hàn Quốc về đều có cuộc sống khấm khá hơn, nhiều hộ thoát nghèo và có vốn để làm ăn.
"Ban đầu người dân còn có tâm lý e ngại và dè dặt đăng ký vì chưa bao giờ đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu lao động nông nghiệp muốn đi xuất khẩu lao động theo chương trình này ở địa phương rất cao.
Chúng tôi không phải làm công tác tuyên truyền gì nhiều. Mỗi lao động đi xuất khẩu lao động về là một tuyên truyền viên hữu hiệu nhất. Người đi trước bảo người đi sau, đến nay số lao động nông nghiệp ở địa phương đăng ký đi xuất khẩu lao động ngắn hạn tại Hàn Quốc ngày càng tăng”, ông Thập cho biết.
Được biết, huyện Hoà Vang hiện tiếp nhận gần 1.000 hồ sơ đăng ký tham gia chương trình sang làm việc tại huyện Yeongyang (Hàn Quốc). Chỉ tính trong năm 2023, huyện cũng đã đưa 3 đợt với 540 lao động có hộ khẩu tại địa phương sang làm việc tại huyện Yeongyang. Trong đó, có 35 lao động sau khi kết thúc hợp đồng tiếp tục được phía Hàn Quốc gia hạn thêm.
"Phía huyện Yeongyang (Hàn Quốc) đánh giá cao sự hợp tác, kỹ năng làm việc của người lao động huyện Hoà Vang và đề nghị được tiếp tục chương trình hợp tác với số lượng lao động tham gia lớn hơn.
Trong tháng 11/2023, huyện Yeongyang cũng đã làm việc và đề xuất huyện tuyển dụng thêm lao động địa phương sang làm việc đợt 4 trong năm. Số lượng lao động cụ thể hiện đang được huyện Yeongyang lên danh sách…”, ông Thập cho hay.
Không chỉ được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp ở nước bạn, theo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hoà Vang, với thời gian xuất khẩu lao động thời vụ từ 3-5 tháng, trừ hết các chi phí, bình quân mỗi lao động thu nhập trên 100 triệu đồng/đợt làm việc 3 tháng và từ 150-200 triệu đồng/đợt làm việc 5 tháng. Tổng thu nhập người lao động mang về trên địa bàn huyện trên 117 tỷ đồng.
Đây là một trong những giải pháp đột phá trong giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo tại địa phương, đặc biệt là đối với lao động nông nghiệp.
Đồng hành cùng người lao động
Hằng năm, trên cơ sở thống nhất giữa lãnh đạo huyện Hoà Vang với huyện Yeongyang, UBND huyện Hoà Vang ban hành kế hoạch tuyển dụng lao động nông nghiệp theo chương trình, đồng thời tiến hành tổ chức tuyển chọn và hoàn thành các thủ tục để tổ chức đưa lao động sang làm việc có thời hạn tại huyện Yeongyang (Hàn Quốc).
Đồng hành hỗ trợ người lao động, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Hoà Vang cũng làm việc với huyện Yeongyang cung cấp đầy đủ thông tin về các chủ trang trại tiếp nhận, có hợp đồng của từng trang trại với từng người lao động khi tham gia làm việc.
Theo đó, người lao động khi tham gia chương trình đều được chính quyền, chủ trang trại tại huyện Yeongyang đảm bảo về chỗ ở, được chủ trang trại hỗ trợ một phần lương thực, thực phẩm trong suốt thời gian làm việc, được huyện Yeongyang hỗ trợ lương thực 50.000 won/tháng và đảm bảo các thiết bị kết nối internet để liên lạc về Việt Nam…
“Chúng tôi rất yên tâm khi đi xuất khẩu lao động theo chương trình hợp tác của huyện. Ngoài có việc làm, nâng cao thu nhập, đây cũng là cơ hội để chúng tôi được học hỏi, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp của Hàn Quốc để sau này về có thể áp dụng trong phát triển kinh tế tại quê hương”, anh Lê Văn Phúc (xã Hoà Nhơn, Hoà Vang) cho biết.
Theo ông Thập, hầu hết người lao động địa phương đều hoàn thành đúng thời hạn hợp đồng, chỉ có một số lao động kết thúc hợp đồng sớm vì lý do sức khoẻ, không có lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp. Phía huyện Yeongyang (Hàn Quốc) cũng đánh giá cao lao động của huyện Hoà Vang ở lĩnh vực này.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết, cùng với xuất khẩu lao động ngắn hạn, đến nay thành phố đã đưa gần 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tập trung ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia... Các ngành nghề của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài là sản xuất chế tạo, xây dựng, cơ khí, lắp ráp điện tử, nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thuỷ sản.
Hiện nay, các hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn thành phố tập trung chủ yếu ở 3 hình thức phổ biến là thông qua doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động; doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề và theo hợp đồng cá nhân tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia và Hàn Quốc của Chương trình EPS do Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ LĐ-TB&XH thực hiện.
Đánh giá cao hiệu quả chương trình đưa lao động nông nghiệp đi làm việc tại huyện Yeongyang (Hàn Quốc) của huyện Hoà Vang, góp phần an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, nhất là đối với lao động nông nghiệp nằm trong vùng dự án, diện tích đất sản xuất bị ảnh hưởng, ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng cho biết, trong thời tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động.
“Phấn đấu mỗi năm toàn thành phố có khoảng 700 đến 1.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài; 100% lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, ngoại ngữ và những kiến thức cần thiết… Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Nguyễn Đăng Hoàng nói.