CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:02

Đà Nẵng: Giáo viên Trường THPT Trần Phú đóng BHXH bằng tiền phúc lợi

 

Thông tin từ Ban giám hiệu Trường THPT Trần Phú, nhà trường hiện có 94 trường hợp cán bộ, giáo viên bị đóng thiếu BHXH và đã được trường tự giải quyết. Hiện còn 60 trường hợp đang được nhà trường tìm biện pháp xử lý một cách phù hợp nhất.

Ông Phan Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú đang kiểm tra lại danh sách giáo viên bị đóng thiếu bảo hiểm xã hội.

Ông Phan Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, “Thực tế tình trạng này đã xảy ra từ nhiều năm nay, tôi chỉ mới biết khi làm hiệu trưởng vào đầu năm nay”. Theo đó, đã có 154 giáo viên bị đóng thiếu BHXH, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người tham gia.

Ông Hùng cũng khẳng định: “Rõ ràng đây là vấn đề về vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của người lao động”. Nhà trường đã tiến hành đưa sổ BHXH cho cán bộ, giáo viên để phản hồi thông tin trên sổ và sẽ kiến nghị điều chỉnh. Kế toán phải điều chỉnh, báo cáo trước Hội đồng giáo viên và trình cấp trên trước ngày 20-11. “Với 94 trường hợp bị đóng thiếu đã được giải quyết, còn 60 trường hợp chưa được giải quyết. Tôi đã đề nghị kế toán báo cáo các nội dung: thông tin danh sách người đã giải quyết và chưa được giải quyết, số người bị đóng chưa đúng bậc… để đưa vấn đề ra tại Hội nghị cán bộ, viên chức.” _ ông Phan Hùng cho biết.

Được biết, trước thực trạng về tình hình đóng BHXH của nhà trường, được sự thống nhất của tập thể giáo viên, lãnh đạo nhà trường đã quyết định phải sử dụng biện pháp tình thế bằng cách lấy tiền phúc lợi cuối năm và tiền tiết kiệm chi của trường để đóng số tiền BHXH còn thiếu cho 60 trường hợp nói trên. Tuy nhiên, nếu tính số tiền lãi do nợ đóng cộng với số tiền phải đóng BHXH cho các giáo viên bị đóng thiếu, đây sẽ là số tiền không hề nhỏ. Và chắc chắn với khoản đóng bù BHXH bằng tiền phúc lợi, thì kinh phí để trang trải cho việc hỗ trợ vào các dịp lễ, Tết của trường THPT Trần Phú trong thời gian tới sẽ bị cắt giảm, thậm chí không có.

Ông Văn Phú Long, Trưởng phòng Thu, BHXH thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị không biết sự sai lệch này bởi quyết định tăng lương là do Sở Giáo dục và Đào tạo và nhà trường nắm giữ. BHXH thành phố chỉ biết khoản tiền trường đóng BHXH hằng năm. Bởi vậy, nhiều năm nay, Trường THPT Trần Phú vẫn đóng BHXH cho người lao động theo mức cũ (chưa có sự điều chỉnh khi lương tăng).

Ông Long cũng cho biết, thiệt thòi lớn sẽ thuộc về người lao động nếu sự việc không được phát hiện và khắc phục kịp thời. Bởi khi về hưu, mức lương hưu của người lao động được hưởng thấp hơn nhiều lần so với mức tính đúng. Ngoài ra, nếu người lao động nghỉ việc thì mức trợ cấp thất nghiệp cũng sẽ rất thấp, vì mức trợ cấp thất nghiệp được tính bằng bình quân 6 tháng thực làm cuối cùng trước khi nghỉ.

Trong khi đó, thực tế kể cả người lao động hay giáo viên lâu nay đều không nắm được mình có được đóng đúng, đóng đủ BHXH hay không bởi không ai được giữ sổ BHXH của mình.

“Giải quyết để bảo đảm quyền lợi cho giáo viên là điều quan trọng cần phải làm ngay. Nhà trường cũng đã báo cáo với Sở về vấn đề này, chúng tôi sẽ kiểm điểm các tổ chức, cá nhân liên quan để làm rõ trách nhiệm thuộc về ai và sẽ xử lý nghiêm”, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Đà Nẵng cho biết.

BÙI MINH/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh