THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:56

Đà Nẵng: Giải quyết việc làm cho gần 220.000 lao động

 

Lao động tìm việc làm tại Chợ việc làm Đà Nẵng

Ông Võ Văn Tiến, Trưởng phòng Việc làm- An toàn Lao động (Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng) cho biết, trước tình hình kinh tế có nhiều biến động, đã có không ít doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng gặp khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2011-2017, thành phố đã nỗ lực với nhiều giải pháp khác nhau, giải quyết việc làm cho 219.682 lao động có công ăn việc làm ổn định. Bình quân mỗi năm có khoảng 31.300 lao động trên địa bàn được giải quyết việc làm.

Trong đó, khu vực nhà nước (chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước trung ương và địa phương) đã giải quyết việc làm cho gần 5.500 lao động. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giải quyết gần 55.000 lao động . Các chương trình, dự án kinh tế hộ giải quyết việc làm cho khoảng 47.000 lao động. Tuy nhiên, theo Sở LĐ-TB&XH TP. Đà  Nẵng, khu vực tạo ra việc làm nhiều nhất trên địa bàn thành phố thời gian qua vẫn là khu vực ngoài nhà nước với gần 111.000 lao động được giải quyết việc làm, trong đó chủ yếu ở các lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Đây cũng là khu vực được các nhà tuyển dụng trên địa bàn TP. Đà Nẵng đánh giá là khu vực giải quyết việc làm năng động nhất và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Về hoạt động xuất khẩu lao động, ông Võ Văn Tiến, Trưởng phòng Việc làm- An toàn Lao động cho biết, địa phương đã đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đối với 1.739 người, chủ yếu là các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia và Hàn Quốc với các ngành nghề chủ yếu tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp.

Ngoài ra, nói đến công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn TP. Đà Nẵng, không thể không kể đến hiệu quả của việc đưa vào hoạt động sàn giao dịch làm. Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng, từ năm 2011 đến nay, thành phố đã tổ chức 215 phiên giao dịch việc làm với hơn 14.460 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia tuyển dụng tại chợ với tổng số người lao động đăng ký tìm việc tại các phiên chợ là 306.180 người. Kết quả, đã giải quyết việc làm cho 52.444 lao động có công ăn việc làm ổn định. Trong đó, riêng năm 2017, tính đến đầu tháng 12/2017, TP. Đà Nẵng đã tổ chức 35 phiên giao dịch việc làm với 3.400 lượt đơn vị, doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng hơn 78.000 lượt chỗ làm việc. Tổng số lao động được giải quyết việc làm là gần 7.300 lao động.  

Theo ông Võ Văn Tiến, Trung tâm giới thiệu việc làm với việc tổ chức định kỳ các phiên chợ, sàn giao dịch việc làm thời gian qua cho thấy, hiệu quả của nó trong việc kết nối cung- cầu lao động trên địa bàn thành phố, tỷ lệ lao động tìm được việc làm thông qua kênh này cũng ngày càng chiếm tỷ lệ cao. Ông Tiến cũng nhìn nhận, vẫn còn tồn tại tình trạng, lao động đến Chợ việc làm tìm việc thì nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn không tuyển dụng được lao động do nhu cầu công việc của doanh nghiệp không đúng với trình độ và lĩnh vực đào tạo của người lao động.

Cũng theo ông Tiến, hiện thị trường lao động Đà Nẵng đang tồn tại thực trạng “ thừa thầy, thiếu thợ”, cơ cấu trình độ lao động hiện nay trên địa bàn thành phố cho thấy tỷ lệ: Cao đẳng, đại học - Trung cấp- Công nhân kỹ thuật là 1-0,3-0,3. Chính vì vậy, thời gian qua đã xảy ra hiện tượng, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có nhu cầu tuyển dụng nguồn lao động là công nhân kỹ thuật, tuy nhiên vẫn phải ra về tay không sau nhiều phiên giao dịch việc làm. Và để giải quyết tình thế này, đã có không ít doanh nghiệp phải chấp nhận phương án tuyển dụng lao động phổ thông, chưa có nghề để về doanh nghiệp đào tạo, đáp ứng yêu cầu công việc.

Mới đây, Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng đã khảo sát về tình hình quản lý, sử dụng và nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp giai đoạn 2017-2020. Qua khảo sát 994 doanh nghiệp có 89.600 lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp này về thực trạng trình độ chuyên môn của lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp cho thấy: Có đến 58,41% lao động đang làm việc tại doanh nghiệp không có tay nghề, đang học việc và là công nhân không có bằng hoặc chứng chỉ; Lao động có bằng, chứng chỉ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng chỉ chiếm 22,26% và lao động trình độ đại học trở lên chiếm 19,33%. 

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh