THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:17

Đà Nẵng: Gần 79% hội viên mô hình CLB “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” cai nghiện thành công

Lễ ra mắt Câu lạc bộ "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy" ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) - một trong hai phường đầu tiên ở Đà Nẵng được lựa chọn để thực hiện thí điểm mô hình này. 

Thống kê của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (TNXH) TP. Đà Nẵng, năm 2018, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đã tiếp nhận 539 học viên cai nghiện, trong đó tự nguyện 122 người, nâng tổng số học viên cai nghiện tập trung trong cả năm lên 972 người. Qua quá trình tổ chức cai nghiện, có 512 học viên hoàn thành thời gian cai nghiện về hòa nhập cộng đồng, 16 học viên bị di lý, khởi tố, 2 học viên được đình chỉ chấp hành thời gian cai nghiện để chữa bệnh và một học viên được chuyển vào cơ sở giáo dục. Hiện nay, Cơ sở xã hội Bầu Bàng đang quản lý 482 học viên (41 người không có nơi cư trú ổn định), trong đó, cai nghiện tự nguyện 81 người, nữ 4 người, cai nghiện lần đầu 214 người, tái nghiện 268 người...

Trước tình hình người sử dụng trái phép chất ma túy và người có nguy cơ sử dụng, nghiện ma túy ngày càng gia tăng, nhất là đối với đối tượng thanh thiếu niên ở một số xã, phường trọng điểm. Trong khi đó, số đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy chỉ bị xử lý hành chính, phạt tiền, cảnh cáo khi phát hiện vi phạm chứ chưa có giải pháp ngăn chặn tái phạm hiệu quả.

Trước tình hình đó, thành phố Đà Nẵng có chủ trương thí điểm tổ chức cảm hóa, giáo dục và giao cho các Hội, đoàn thể trên địa bàn thực hiện có chọn lọc đối với một số thanh thiếu niên dương tính với ma túy, có hoàn cảnh khó khăn, nguy cơ cao nghiện ma túy. Song song với giải pháp tổ chức cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên dương tính với ma túy thông qua các đoàn thể, năm 2016, Chi cục Phòng, chống TNXH TP. Đà Nẵng đã tham mưu Sở LĐ-TB&XH thành phố xây dựng thí điểm mô hình Câu lạc bộ “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” nhằm huy động các số thanh thiếu niên trong diện vào sinh hoạt câu lạc bộ, tạo sân chơi lành mạnh, hướng nghiệp và tạo việc làm, ngăn chặn các em tiếp tục sử dụng ma túy.

Theo đó, ban đầu mô hình được xây dựng tại hai phường là Thọ Quang thuộc (quận Sơn Trà) và phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu). Ngân sách thực hiện thí điểm do trung ương hỗ trợ thông qua chương trình mục tiêu và một phần huy động tại địa phương.

Đến năm 2017 mô hình Câu lạc bộ “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” được duy trì tại hai phường thí điểm, đồng thời triển khai mở rộng thêm tại 4 phường, gồm: phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn), phường Hòa An (quận Cẩm Lệ), phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) và Bình Hiên (quận Hải Châu). Thông qua mô hình này, nhiều thanh thiếu niên “trót dại” với ma túy đã cai được nghiện, có nghề và có công ăn việc làm ổn định.

“Qua hơn hai năm triển khai, mô hình Câu lạc bộ “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy”  tại 6 Câu lạc bộ đã thu hút hơn 220 hội viên tham gia. Các em đã được giúp đỡ bằng nhiều hình thức, như: 22 em đã được hỗ trợ học nghề, học văn hóa; 49 em được hỗ trợ khó khăn đột xuất; 164 em được giới thiệu việc làm; động viên trở lại lớp học: 10 em và hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho 4 em.” – Chị Nguyễn Thủy Ngà, Chi cục Phòng, chống TNXH TP. Đà Nẵng cho biết.

Đặc biệt, qua sinh hoạt, các Câu lạc bộ còn tổ chức đánh giá xếp loại định kỳ với kết quả hiện nay có176 em tiến bộ (đạt tỷ lệ 78,6%); 48 em chưa tiến bộ do các em thiếu hợp tác, tiếp tục sử dụng lại ma túy hoặc đi nơi khác...

Theo đó, để có được kết quả này, Chi cục Phòng chống TNXH TP. Đà Nẵng cho biết, hằng năm đơn vị phải ban hành hàng loạt các kế hoạch nhằm triển khai mô hình đồng bộ từ trên xuống cơ sở, như Kế hoạch triển khai mô hình “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” tại các phường trên địa bàn thành phố; Kế hoạch tổ chức tập huấn cho Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ các phường; Kế hoạch tổ chức tham quan thực tế tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng và Trường Giáo dưỡng số 3; Kế hoạch tổ chức tập huấn kỹ năng sống và tập huấn công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và kỹ năng hướng nghiệp cho hội viên Câu lạc bộ. Sau đó, tổ chức tọa đàm với đối tượng và thân nhân gia đình đối tượng; Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc triển khai xây dựng mô hình “Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy”, đồng thời ban hành các công văn hướng dẫn các phường triển khai mô hình.

Bên cạnh đó, Đảng ủy, UBND các phường được chọn xây dựng mô hình Câu lạc bộ cũng chỉ đạo thành lập Câu lạc bộ, ban hành Quy chế tổ chức hoạt động câu lạc bộ; chỉ đạo các hội đoàn thể cử các đoàn viên, hội viên tích cực tham gia Ban chủ nhiệm, thành viên câu lạc bộ; đôn đốc, giám sát việc triển khai mô hình Câu lạc bộ và tổ chức các hoạt động sinh hoạt trên địa bàn phường.

UBND các phường có Quyết định thành lập Câu lạc bộ, ban hành Quy chế tổ chức hoạt động. Định kỳ hàng tháng, các Ban chủ nhiệm tổ chức sinh hoạt Câu lạc bộ, tổ chức gặp mặt, tọa đàm, đối thoại trực tiếp với hội viên và thân nhân gia đình đối tượng. Công an các địa phương tổ chức các đợt rà soát trong cộng đồng dân cư để tư vấn, vận động những người có nguy cơ cao sử dụng trái phép chất ma túy tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ; thực hiện kiểm danh, kiểm diện, thử test đối với các trường hợp nghi vấn sử dụng ma túy…

Nhờ đó, mô hình Câu lạc bộ "Can thiệp sớm, dự phòng nghiện ma túy” trên địa bàn TP. Đà Nẵng dù mới được triển khai thực hiện nhưng bước đầu đã cho thấy tính hiệu quả rõ rệt. 78,6 % số hội viên tham gia mô hình chưa bị phát hiện sử dụng lại ma túy. Các địa phương đã lồng ghép chương trình, huy động sự hỗ trợ của các tổ chức và tham gia của các doanh nghiệp để hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, vận dụng linh hoạt các nguồn vốn vay để hỗ trợ vay vốn, sinh kế cho các em. Việc quản lý, hỗ trợ, giúp đỡ và tiến hành thử test đối với hội viên tham gia mô hình được triển khai duy trì thường xuyên.

BÙI MINH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh