Đà Nẵng: Cảnh báo mùa cao điểm bệnh tay chân miệng
- Y học 360
- 18:13 - 19/09/2019
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng, hiện đang là mùa cao điểm của bệnh tay chân miệng. Mỗi năm ở Đà Nẵng có 2 đỉnh điểm của bệnh tay chân miệng. Đỉnh điểm thứ nhất diễn ra từ tháng 3 đến 5 và đỉnh điểm thứ hai diễn ra từ tháng 9 đến 10, do vậy số ca mắc tăng cao. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận gần 1.300 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 200 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, mỗi ngày tiếp nhận từ 70 đến 80 ca điều trị và nhập viện do bệnh tay chân miệng. Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh - Phó khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho biết: Bệnh nhân mắc tay chân miệng chủ yếu là đối tượng trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó nhiều nhất là dưới 3 tuổi, sức đề kháng yếu. Bệnh có thể dễ dàng lây truyền qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các bọng nước, phân, nước bọt hay dịch tiết mũi họng và có khả năng tự khỏi sau 5 - 7 ngày. Tuy nhiên, nếu không được điều trị đúng cách, bệnh tay chân miệng có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Trong khi đó, hiện bệnh này chưa có vắc xin phòng bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Hải Thịnh - Phó khoa Y học nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng khuyến cáo:
Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng như: Sốt, mệt mỏi, đau họng, kém ăn hay xuất hiện các nốt ban đỏ hoặc bọng nước trên da, lòng bàn tay, bàn chân hay vết loét trong niêm mạc miệng…, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.
Cũng theo bác sĩ Thịnh, đang là mùa cao điểm của dịch bệnh nên số lượng bệnh thu dung và điều trị tại khoa có xu hướng tăng cao. Tuy nhiên, số giường bệnh trong khoa vẫn đảm bảo mỗi cháu 1 giường. Bệnh viện cũng tăng cường đội ngũ y bác sĩ sẵn sàng túc trực điều trị cho bệnh nhân và hiện không có trường hợp nào biến chứng nặng.
Chị Nguyễn Thị Thu Mơ (quê tỉnh Quảng Nam) đang có con bị bệnh tay chân miệng điều trị tại Khoa Y học nhiệt đới - Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng cho biết, sau gần 1 tuần điều trị, con gái hơn 1 tuổi đã đỡ nhiều và sắp được các bác sĩ cho xuất viện.
"Ở nhà cháu bị sốt, nổi hột ban, cho uống thuốc 2 ngày nhưng không đỡ, đưa cháu ra bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng khám thì các bác sĩ yêu cầu nhập viện", chị Mơ nói.
Theo Sở Y tế TP Đà Nẵng, trước nguy cơ dịch bệnh tay châm miệng lây lan nhanh, Sở Y tế thành phố đã chủ động phối hợp với các đơn vị y tế trực thuộc và các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng, chống nhằm hạn chế tình trạng bệnh lây lan trong cộng đồng. Đơn vị cũng chỉ đạo các địa phương tuyên truyền đến tận khu dân cư, trường học, nhất là các trường mầm non, các nhóm trẻ gia đình nhằm hạn chế thấp nhất các trường hợp mắc bệnh và khống chế không để dịch bùng phát trên diện rộng.
Ông Nguyễn Tam Lãm, Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng cho biết: Để chuẩn bị và đáp ứng cho công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng, Trung tâm đã thành lập các đội cơ động phòng chống dịch, chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là hóa chất để chủ động cấp cho các đơn vị, bệnh viện có thu dung điều trị bệnh tay chân miệng để xử lý, sát khuẩn môi trường… Hiện, Trung tâm đã có văn bản gửi các trung tâm quận, huyện phối hợp làm việc với phòng giáo dục đào tạo, phụ huynh, các trường về phòng chống bệnh tay chân miệng.
Khối mẫu giáo, mầm non cần đặc biệt lưu ý phòng chống bệnh tay chân miệng. Thực hiện vệ sinh sạch sẽ, ăn chín, uống sôi, nhất là khi chế biến thức ăn cho trẻ… đảm bảo nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt, khi trẻ mắc bệnh cần thông báo với trạm y tế nơi cư trú để được hướng dẫn cách phòng bệnh cho gia đình và cộng đồng.
Ông Nguyễn Tam Lãm - Trưởng Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Đà Nẵng khuyến cáo
Bệnh tay chân miệng chủ yếu lây qua đường tiêu hóa, hiện bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị. Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Đà Nẵng đang tập trung chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh, đồng thời giám sát phát hiện xử lý kịp thời những ca đơn lẻ cũng như các ổ dịch ở nơi đông người như các trường mầm non, mẫu giáo nhằm không cho dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng.