THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:04

Nghệ An: Du lịch cộng đồng xóa đói giảm nghèo

Trải nghiệm du lịch chính là trải nghiệm của những người đứng ra tổ chức hay tham gia vào thực hiện các mô hình du lịch cộng đồng. Họ được đưa đi tập huấn, đi tham quan các mô hình phát triển, rồi được bày cho cách lập kế hoạch, xây dựng các tour du lịch, hoạch toán kinh tế, hoàn thiện kỹ năng làm du lịch, tìm kiếm đối tác để hợp tác làm ăn, phân chia lợi nhuận, hoạch toán tái đầu tư vào các hoạt động khác… Đây chính là một quá trình trải nghiệm kinh tế thị trường và nó làm thay đổi tư duy của người dân bản địa một cách sâu sắc mà nhiều khi chính họ cũng không nhận thức được bởi nó thay đổi tự nhiên trong quá trình tiếp xúc trực tiếp với các công việc liên quan đến phát triển du lịch. Trải nghiệm du lịch hay trải nghiệm thị trường đã làm cho người dân bản địa tích lũy dược nhiều hơn các năng lực phát triển kinh tế, là nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển của họ.

Một khảo sát về hoạt động du lịch cộng đồng ở bản Nưa (xã Yên Khê, huyện Con Cuông) phần nào cho thấy những thay đổi đó. Trong bản có 4 hộ đã tham gia phát triển du lịch cộng đồng gồm: Vi Thị Mơ, Lô Thị Hoa, Vi Văn Hanh, Lô Đình Nhượng. Bên cạnh đó là những người tham gia vào một số dịch vụ khi có du khách như biểu diễn văn nghệ, phục vụ ẩm thực…. Nếu so sánh các hộ làm du lịch cộng đồng với những hộ  bên cạnh thì thấy rõ họ có nhiều sự thay đổi trong tư duy để phát triển kinh tế.

Nghệ An: Xóa đói giảm nghèo trong du lịch cộng đồng  - Ảnh 1.

Bữa cơm mang đầy bản sắc của đồng bào Thái tại miền tây Nghệ An

Trước hết, đó là sự thay đổi tư duy về mục đích kinh tế. Nếu như trước đây, người dân ở bản Nưa chủ yếu tập trung vào việc sản xuất những mặt hàng cấp thiết phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Thì với những trải nghiệm thị trường, người dân đã biết tính toán chi tiết hơn về các mục đích kinh tế của mình. Với 5 gia đình đang tổ chức du lịch cộng đồng có sự tư duy về mục đích kinh tế rất rõ ràng. Họ biết lên kế hoạch đầu tư kinh tế để tìm kiếm lợi nhuận, biết đem tiền ra đầu tư để thu về một khoản tiền nhiều hơn. Về cơ bản, họ vẫn tiếp tục sản xuất nông nghiệp nhưng không coi đây là hoạt động quan trọng nhất trong gia đình nữa. Họ đã nhìn thấy được mối tương tác giữa các hoạt động kinh tế khác nhau và biết mở rộng, đa dạng sinh kế của gia đình. Họ đứng ra tổ chức phát triển du lịch cộng đồng qua việc hợp tác với các câu lạc bộ, chi hội phụ nữ để cung cấp các dịch vụ như ăn uống, văn hóa, văn nghệ, thậm chí tổ chức thêm các dịch vụ du lịch trải nghiệm cho du khách  (khách có nhu cầu) như đi cấy lúa,  bắt cá ngoài đồng, ngồi xe bò đi thăm làng bản. 

Mặt khác, họ cũng vươn  liên kết, hợp tác với các công ty du lịch như: Phúc group, Vinh group, Đất Việt, Sắc Việt, Hoàng Sơn…  để tiếp đón các đoàn khách. Mục đích của họ là tìm ra được một khoản lợi nhuận, dù là nhỏ sau khi phải thanh toán rất nhiều khoản khác, nhưng cũng rất hữu ích cho cuộc sống của họ. Một gia đình chỉ tập trung vào trồng trọt nếu thiên tai lũ lụt xảy ra, mùa màng mất trắng thì rơi vào cảnh đói kém. Hay một gia đình tập trung vào phát triển chăn nuôi mà bị dịch bệnh tràn qua thì cuộc sống bấp bênh. Nhưng nếu đa dạng hóa các sinh kế thì năng lực để chống chịu với những biến động này lớn hơn nhiều khi họ có nhiều nguồn thu nhập bổ trợ.

Nghệ An: Xóa đói giảm nghèo trong du lịch cộng đồng  - Ảnh 2.

Phát triển du lịch cộng đồng đang là hướng thoát nghèo của đồng bào nhiều xã ở huyện Con Cuông

Thứ hai là sự thay đổi trong tư duy về nguồn lực phát triển. Người làm du lịch cộng đồng đã nhận biết và tiếp cận các nguồn lực phát triển mới. Đó là những nguồn lực mới như quan hệ xã hội, mạng lưới xã hội, tri thức dân gian, thông tin thị trường, vị trí địa lý, kỹ năng nghề nghiệp, tri thức văn hóa, bằng cấp, vị thế xã hội… Những yếu tố này đều trở thành các nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển hiện nay. Các hộ tham gia du lịch cộng đồng biết cách xây dựng mạng lưới xã hội thông qua nhiều kênh khác nhau. Trước hết là các mối quan hệ với chính quyền địa phương.

Ngày từ khi có dự án phát triển du lịch cộng đồng và được đưa đi tham quan một số mô hình, những người này đã biết tạo ra cho mình các mối quan hệ cần thiết như với những người hướng dẫn, với những người tổ chức du lịch cộng đồng, thậm chí với một số người ở những nơi mà họ đi tham quan để trao đổi. Sau đó, khi có những đoàn khách tham quan đầu tiên, họ đã biết giữ gìn các mối quan hệ với du khách. Đặc biệt, họ biết tạo ra và mở rộng mối quan hệ với các công ty du lịch, các hướng dẫn viên du lịch và xem đây là mối quan hệ quan trọng, là nguồn cung cấp khách cho họ. Không chỉ biết tạo các mối quan hệ xã hội bên ngoài, những người làm du lịch cộng đồng cũng tỏ ra nhanh nhẹn và biết cách tập hợp những người khác trong bản cùng tham gia vào hoạt động này hơn. Họ tập trung và tập huấn cùng mọi người về việc nấu ăn, tổ chức tiếp đón khách, tổ chức các hoạt động để phục vụ du khách. Khi phân chia thành các nhóm/câu lạc bộ như câu lạc bộ dân ca, nhóm ẩm thực, nhóm trải nghiệm… thì những người làm du lịch cộng đồng chính là cầu nối giữa các nhóm này. Họ chính là người tiếp nhận thông tin về du khách và thông báo, tổ chức các hoạt động liên quan cũng như thỏa thuận về giá cả và phân chia lợi ích với nhau. Như vậy, thông qua du lịch cộng đồng, những người tham gia đã nhận thức được rõ quan hệ xã hội và năng lực tổ chức là một nguồn lực để phát triển kinh tế. Họ cũng hiểu rằng bản sắc văn hóa tộc người là nguồn vốn quan trọng và có thể vận dụng vào quá trình phát triển. Ngoài ra, còn họ còn nắm bắt được nhiều nguồn lực khác như ngoại ngữ, năng khiếu văn nghệ, tri thức về văn hóa truyền thống…

Nghệ An: Xóa đói giảm nghèo trong du lịch cộng đồng  - Ảnh 3.

Khách du lịch được trải nghiệm và thụ hưởng văn hóa bản địa và các hoạt động ngoài trời đầy hấp dẫn

Thứ ba, những người hoạt động tổ chức du lịch cộng đồng có sự thay đổi trong việc hoạch định kinh tế gia đình một cách hiệu quả hơn. Những người dân tham gia vào du lịch cộng đồng đều có sự thay đổi về việc hoạch định phát triển kinh tế của gia đình mình. Giống như chị Vi Thị Hoa, một người tiên phong làm du lịch ở bản Nưa nói: "Mình bỏ tiền ra để đầu tư thì mình phải biết tính toán sao cho hiệu quả nhất". Trước hết là việc đầu tư tài chính. Muốn phát triển du lịch cộng đồng thì cần có một nguồn tài chính và một chiến lược đầu tư, sử dụng tài chính nhất định. Huy động một số vốn không nhỏ từ việc bán trâu bò, lợn, hay vay mượn anh em, thậm chí vay ngân hàng là một điều không dễ dàng đối với người dân miền núi. Vậy nên khi đã theo đuổi thì đòi hỏi họ phải rất cẩn thận trong kế hoạch đầu tư. Những người làm du lịch đều có sự táo bạo trong việc làm ăn kinh tế. Và họ cũng rất tính toán trong việc đầu tư cho lĩnh vực mới này. Nhưng họ không dốc hết mọi nguồn lực cho hoạt động này mà vẫn giữ các hoạt động sản xuất khác để đề phòng khi những hoạt động này không đem lại lợi ích như mong muốn thì cuộc sống gia đình cũng không đi vào hiểm trở. 

Ở bản Nưa, các gia đình phát triển du lịch cộng đồng đều đa dạng hóa trong hoạt động sinh kế. Hầu hết vẫn tiếp tục canh tác nông nghiệp và chăn nuôi. Có người làm thêm nhiều nghề khác: chị Hoa đầu tư nhà hàng, quán ăn, bán hàng lưu niệm ở thác Kèm, thu mua buôn bán nông sản; anh Nhượng thì đóng gạch và buôn bán vật liệu xây dựng; chị Mơ tham gia sản xuất các mặt hàng thủ công để bán; anh Hanh thì có lúc còn đi làm thêm ngoài thị trấn… Rõ ràng tầm nhìn về hoạch định kinh tế của người dân đã được mở rộng hơn trong quá trình tham gia phát triển du lịch cộng đồng.

Nghệ An: Xóa đói giảm nghèo trong du lịch cộng đồng  - Ảnh 4.

Du lịch cộng đồng cũng được phát triển mạnh ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An)

Và cuối cùng, những trải nghiệm ngược qua quá trình phát triển du lịch cộng đồng cũng làm cho người dân thay đổi các giá trị văn hóa của mình. Với các cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền núi trước đây, hầu hết đều mang hệ thống giá trị hướng nội. Các cộng đồng sáng tạo và sản xuất đều hướng đến phục vụ bản thân, phục vụ gia đình và phục vụ cộng đồng của mình. Nhưng khi phát triển du lịch cộng đồng thì hệ thống giá trị cũng có sự thay đổi. Bản sắc văn hóa tộc người là nền tảng, là nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng. Nhưng rồi du lịch cộng đồng lại tác động ngược và làm thay đổi bản sắc văn hóa cộng đồng.

 Để phát triển du lịch, người dân đã thay đổi, thậm chí hiện đại hóa các yếu tố văn hóa để phục vụ du khách. Ở bản Nưa, người dân sửa sang lại nhà cửa, làm thêm mái tôn, nâng cột nhà lên để sử dụng tầng 1 như một không gian tiếp khách và ăn uống. Mua sắm các trang thiết bị hiện đại như tủ lạnh, nồi cơm điện, tắm nóng lạnh, làm vệ sinh tự hoại... Nhiều món ăn phải thay đổi sao cho phù hợp với khẩu vị của du khách hơn. Nhiều dịch vụ mới xuất hiện như các quán cà phê, các quán nhậu, các shop quần áo, thời trang và đồ lưu niệm. Không chỉ vậy, những bộ trang phục nhiều khi cũng được cách tân, các điệu hát điệu múa cũng được cải biên sao cho hợp lý và sôi nổi hơn, lộng lẫy hơn. Như vậy, những người làm du lịch cộng đồng đang hướng đến phục vụ du khách: như anh Vi Văn Hanh nhấn mạnh: "Vấn đề khó nhất là thu hút khách du lịch đến đây và giữ khách ở lại. Nếu chưa giải quyết được vấn đề này thì chưa phát triển kinh tế nhiều được".

 Điều đó chứng tỏ, du lịch đã làm thay đổi hệ thống giá trị của những người làm du lịch cộng đồng từ hướng nội sang hướng ngoại, hướng đến phục vụ khách hàng.

HOÀNG TÙNG - QUỲNH NHƯ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh