Đà Nẵng giao cho các hội, đoàn thể cảm hóa, giáo dục, người nghiện ma túy
- Pháp luật
- 12:27 - 10/10/2018
Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh thiếu niên là cách mà các hội, đoàn thể đang cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ các em từ bỏ ma túy
Chi Cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng cho biết, theo kế hoạch của UBND thành phố giao, ngoài việc tiếp tục theo dõi, giúp đỡ nhằm ngăn chặn tái phạm đối với các em đã cảm hóa, giáo dục tiến bộ năm 2016- 2017 (đợt I và đợt II), đợt III thành phố giao 119 thanh thiếu niên cho các hội, đoàn thể nhận cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ. Cụ thể: Hội Cựu chiến binh thành phố nhận cảm hóa, giáo dục 40 em; Hội Liên hiệp Phụ nữ 40 em và Thành đoàn 39 em.
Nhận phân công, ngay từ đầu năm 2018, các hội, đoàn thể trên địa bàn thành phố được phân công đã triển khai công tác khảo sát đối với 100% các em trong diện cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ về hoàn cảnh gia đình, nhu cầu, nguyện vọng, từ đó lên kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ.
Cùng với việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình của từng em, để công tác cảm hóa, giáo dục được triển khai hiệu quả, Sở LĐ-TB&XH TP. Đà Nẵng đã phối hợp với Công an thành phố tổ chức tập huấn bồi dưỡng kỹ năng tiếp cận cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên dương tính với ma túy cho gần 200 cán bộ, hội viên được phân công giúp đỡ 119 thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy. Đồng thời cung cấp tài liệu và tuyên truyền về tình hình tội phạm ma túy, tác hại của ma túy và phòng, chống ma túy.
Theo đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố - đơn vị nhận cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ 40 em cho biết: ngoài việc theo dõi, giúp đỡ 42 thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy tiến bộ năm 2016- 2017, đơn vị đã triển khai kế hoạch cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ 40 em (đợt III) ngay từ những ngày đầu được phân công bằng việc giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tiếp cận, gặp mặt gia đình các em trong diện để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, khảo sát nhu cầu để lập kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ cụ thể. Đến nay, qua đánh giá bước đầu, đã có 15 em tiến bộ, 19 em chưa tiến bộ đang tiếp tục được cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ. Hội cũng đã cử 40 hội viên tham gia tập huấn kỹ năng tổ chức cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ do Sở LĐ-TB&XH thành phố tổ chức. Được biết, trước đó, 42 thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy tiến bộ năm 2016- 2017 do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố nhận giúp đỡ đến nay đã có 41 em tiến bộ, trong đó 31 em có việc làm ổn định.
Tiếp nối thành công từ mô hình 4+1 (1 cán bộ Thành Đoàn + 1 cán bộ quận, huyện đoàn + 1 cán bộ đoàn xã/ phường + 1 cán bộ Đoàn hoặc đoàn viên là công an tại địa phương theo dõi 1 em được cảm hóa, giáo dục), Thành đoàn Đà Nẵng – đơn vị nhận cảm hóa, giúp đỡ 39 em đợt III cho biết: các đoàn viên được phân công nhiệm vụ cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ đã đến tận nhà các em để động viên, thăm hỏi, tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của từng em và có biện pháp kèm cặp, giúp đỡ phù hợp. Không chỉ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các em, đơn vị này cho biết, còn chủ động làm việc với Trung tâm giới thiệu việc làm, các cơ sở dạy nghề, sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhằm hỗ trợ dạy nghề, giới thiệu việc làm cho các em; chủ động phối hợp với Công an thành phố tiến hành thử test đối với các em có biểu hiện chây ỳ, không hợp tác, khó tiếp cận để có biện pháp quản lý, kèm cặp và giúp đỡ hiệu quả.
Theo đó, trong số 39 em Thành đoàn nhận cảm hóa, có 16 em đã có việc làm, đang học nghề; học văn hóa 2 em và hiện nay đang có 6 em có nhu cầu cần hỗ trợ, một số em khác đang xác định nhu cầu cần hỗ trợ bởi hầu hết các em đã bỏ học sớm, lao động phổ thông, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn và thiếu sự quan tâm từ gia đình.
Hội Cựu chiến binh thành phố - đơn vị nhận cảm hóa, giáo dục 40 em cũng có 14/40 em có nguyện vọng đề nghị được hỗ trợ học nghề, hỗ trợ BHYT, phương tiện đi lại và tạo sinh kế. Một số em đã có việc làm ổn định sau khi được hỗ trợ.
“Thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, những người có hành vi sử dụng ma túy bị phát hiện lần đầu nếu chưa được xác định nghiện ma túy thì chỉ bị phạt hành chính rồi giao cho gia đình quản lý. Đây là đối tượng có nguy cơ cao trở thành người nghiện ma túy nhưng chỉ giao cho gia đình quản lý thì rất khó thành công. Chưa kể, hiện nay, hầu hết gia đình các đối tượng đều bất lực, không quản lý và dạy bảo được. Nếu để các đối tượng này sống tự do, buông thả, lôi kéo bạn bè dùng ma túy sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác phức tạp hơn. Vì vậy, với việc giao cho các hội, đoàn thể cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy đã giúp nhiều em đoạn tuyệt với “nàng tiên nâu”, trở thành người có ích cho gia đình, cộng đồng” – ông Lê Minh Hùng – Chi Cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP. Đà Nẵng nói.
Được biết, từ năm 2015, TP. Đà Nẵng có chủ trương triển khai thí điểm cảm hóa giáo dục 100 thanh thiếu niên lần đầu sử dụng trái phép chất ma túy. Bằng việc phân công, giao cho từng hội, đoàn thể, địa phương nhận kèm cặp giúp đỡ. Sau một năm triển khai, với những việc làm hết sức cụ thể như: trực tiếp đến tận gia đình tìm hiểu nguyên nhân, xác định nhu cầu giải pháp hỗ trợ; vận động gia đình và các em hợp tác; hỗ trợ tạo việc làm, đào tạo nghề, gặp gỡ, động viên, thường xuyên giúp đỡ các em trong những lúc khó khăn… đa số các em sau đó đã tiến bộ, có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.
Tiếp nối thành công từ chương trình này, hàng năm TP. Đà Nẵng đều giao cho các hội, đoàn thể nhận cảm hóa, giáo dục giúp đỡ những người sử dụng trái phép chất ma túy lần đầu. Trong đó, riêng năm 2017, toàn thành phố có 225 thanh thiếu niên được giao cho các hội, đoàn thể thực hiện cảm hóa giáo dục, hơn 70% trong số các em đã không sử dụng lại ma túy. Năm 2018, thành phố tiếp tục chọn 119 em sử dụng trái phép ma túy có hoàn cảnh khó khăn, bỏ học, gia đình bất lực trong việc quản lý giáo dục để giao cho các hội, đoàn thể nhận cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ.