CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:53

Báo động tình trạng người nước ngoài giấu mặt mua nhà đất ven biển Đà Nẵng

 

Tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội nghị mở rộng lần thứ 24 nhằm đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2015 và triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm trong 3 tháng cuối năm. Tại đây, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng đã báo cáo về một tình hình mà ông cho là “rất nguy hiểm”.

Ông Nguyễn Điểu phát biểu tại hội nghị Thành ủy Đà Nẵng (mở rộng)

Theo ông Nguyễn Điểu, hiện có tình hình đáng lưu ý trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và việc mua bán, chuyển dịch đất đai nổi cộm lên ở các quận ven biển Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà. “Có một điều rất đặc biệt, có thể nói liên quan đến vấn đề an ninh, chính trị. Đó là hoạt động chuyển dịch đất đai cho người nước ngoài. Chúng tôi đã nhiều lần báo cáo và không chấp nhận những hồ sơ chuyển dịch mang yếu tố nước ngoài!” – ông Nguyễn Điểu nói.

Ông cho biết thêm: “Chúng tôi đã gửi qua Sở KH&ĐT để xem xét cẩn trọng nguồn gốc các doanh nghiệp Việt Nam, mặc dù tên tuổi là người Việt Nam nhưng sau lưng là những tên tuổi mang màu sắc nước ngoài. Những chuyển dịch này thông qua rất nhiều cấp, thực hiện thỏa thuận với nhà đầu tư, các chủ nhà đất của dân, các chủ khách sạn, nhà hàng ở ven biển… Thỏa thuận với nhau rồi, chỉ còn làm thủ tục là xong thôi. Cái này tiềm ẩn nguy cơ rất là cao!”.

“Anh Điểu phát hiện ra cái này là đúng rồi. Chính là chỗ quận Ngũ Hành Sơn. Đất bán cho người Việt Nam nhưng sau lưng đó là người nước ngoài. Cực kỳ nguy hiểm. Các anh phải hết sức lưu ý, cùng với Công an TP làm sao cho đúng luật mà hạn chế được tình trạng này!” – Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Trần Thọ nói.

Trao đổi với PV bên lề hội nghị, ông Nguyễn Điểu tiếp tục lo âu: “Tình hình rất nguy hiểm, rất phức tạp. Nó cố lấy hết bờ biển của mình đó!”. Trong khi đó, ông Đào Tấn Bằng, Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn cho hay, hiện tình trạng mua bán đất “nguy hiểm” như nêu trên đang diễn ra chủ yếu trên đoạn đường Võ Nguyên Giáp ngang qua khu vực sân bay Nước Mặn.

“Thực ra bây giờ quản lý là quản lý thế nào? Luật pháp của mình đâu cho người nước ngoài đứng tên, nên họ sử dụng người Việt Nam đứng tên. Kiểm soát việc này thế nào thì chỉ có Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất. Năm ngoái Thành ủy cũng đã chỉ đạo nhưng chính quyền địa phương không vô được vì đâu có dính dáng gì tới. Biết chắc là tiền của người nước ngoài nhưng đứng tên người Việt. Tất cả thủ tục người Việt làm hết, thì quản lý làm sao!” – ông Đào Tấn Bằng nói.

Ông Đào Tấn Bằng cũng cho biết thêm, do hoạt động mua bán giấu mặt này mà đất ven biển Đà Nẵng đang tăng giá, thị trường bất động sản ở đây trở nên “sôi động”. Ngược lại, ông Nguyễn Điểu than: “Ngăn chặn thì vẫn ngăn chặn nhưng không được. Khổ rứa! Vẫn biết là có yếu tố nước ngoài nhưng lại đứng tên người Việt. Sau lưng đó là tiền nước ngoài, bán mấy mua mấy, mua hết!”.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Bá Sơn, Chánh Thanh tra Đà Nẵng, nguyên trước đó mấy tháng là Giám đốc Sở Tư pháp TP  cho biết: “Chuyện người nước ngoài giấu mặt mua đất ven biển Đà Nẵng, mình nói thì nói về mặt an ninh thôi chứ còn về mặt thủ tục thì họ không đứng tên mà do mấy ông Việt Nam nhà mình tiếp tay cho nó. Ổng đứng tên trong tài sản đó!”.

Nhiều ngôi nhà có dấu hiệu do người Việt Nam đứng tên nhưng chủ thực sự là người nước ngoài giấu mặt xuất hiện sát tường rào sân bay Nước Mặn (Đà Nẵng).

Theo ông Nguyễn Bá Sơn, thực ra chuyện này không phải đến bây giờ mới nảy sinh mà đã xuất hiện từ cách đây 2 – 3 năm. Khi đó, với tư cách Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng, ông đã báo cáo với lãnh đạo TP. Đồng thời yêu cầu các Phòng Công chứng hạn chế tình trạng này bằng cách “tra vấn” gia cảnh người đứng tên mua như thế thì tiền đâu mà mua miếng đất hàng mấy tỉ bạc.

Tuy nhiên cách làm này cũng chỉ được thời gian đầu, sau đó những người nước ngoài “tư vấn” cho những người Việt mà họ nhờ đứng tên mua bất động sản phản đối các công chứng viên không có quyền truy vấn tiền ở đâu ra mà họ mua nhà, đất. Do vậy, việc người nước ngoài giấu mặt mua đất ven biển Đà Nẵng vẫn tiếp tục diễn ra.

“Cũng có đợt anh em biên phòng, rồi bên công an, an ninh phối hợp xuống nắm tình hình, nhưng họ làm nghiệp vụ của họ, còn mình thì chỉ thông báo tình hình như thế. Thông qua nghiệp vụ công chứng, anh em phát hiện thì báo cáo lại, đưa cả bản thống kê bao nhiêu lô đất đã mua bán dọc bên biển. Các lực lượng chức năng đến tận nơi luôn, nhưng…” – ông Trần Bá Sơn bỏ lửng.

Sau đó ông nói tiếp: “Quan trọng là mấy người dân của mình kia. Vì cái lợi ích kinh tế trước mắt mà người ta bỏ qua, không thật sự quan tâm đến vấn đề chủ quyền đất nước. Cái này thì chỉ còn cách là phải vận đông người dân mình. Nhưng đó toàn là người nghèo nên một số người chả cần để ý, miễn là có tiền. Cái này cũng mâu thuẫn về lợi ích. Người nước ngoài nhằm vào chỗ này để giấu mặt mua đất ven biển!”.

Khi được hỏi về bản thống kê mà các công chứng viên đã đưa cho cơ quan chức năng, ông Nguyễn Bá Sơn cho biết, theo thống kê từ cách đây 3 năm thì đã có tới 13 lô đất do người nước ngoài mua bán theo kiểu giấu mặt như vậy. Mua nguyên cả một dãy nằm sát tường rào sân bay Nước Mặn. Đến nay thì số lượng lô đất được mua bán theo kiểu này chắc chắn còn nhiều hơn!

Trả lời câu hỏi của PV: “Để người Việt Nam đứng tên mua nhà, đất làm sao sau này người nước ngoài lấy lại được nếu người được nhờ đứng tên không chịu giao?”. Ông Nguyễn Bá Sơn chỉ rõ: “Tôi đưa tiền cho anh mua đất. Mua xong thì anh xây. Xây xong thì tôi với anh thành lập doanh nghiệp, anh góp vốn bằng chính nhà, đất đó. Sau đó thì anh chuyển dần phần vốn đó qua cho tôi. Thế là toàn bộ nhà, đất đó trở thành của tôi một cách rất hợp pháp!”.

Rồi ông Nguyễn Bá Sơn nói trong tâm trạng tâm trạng đầy âu lo: “Vấn đề vẫn là phải làm sao hạn chế cho được tình trạng này, đừng để cho họ xông vào chiếm lĩnh những vị trí quan trọng mang tính chiến lược. Nếu họ “quất” cho một dãy ở ngay tường rào sân bay Nước Mặn thì sẽ nguy hiểm đến cỡ nào. Toàn bộ mặt biển này sẽ gặp nguy hiểm, rất là nguy hiểm!”.


CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh