Biến tướng đa cấp và dấu hiệu nhận diện
- Huyệt vị
- 16:21 - 06/03/2016
Sau gần 20 năm đa cấp xuất hiện tại Việt Nam, phương thức hoạt động cũng ngày càng biến tướng và tinh vi hơn.
Từ thu phí tham gia đến miễn phí
Khi mô hình đa cấp mới xuất hiện, các doanh nghiệp (DN) thu phí đăng ký tham gia mạng lưới. Dần về sau, người dân cảnh giác với việc thu phí này. Ngay cả cơ quan quản lý cũng đặt ra quy định cấm thu phí tham gia mạng lưới ngay từ những quy định đầu tiên về đa cấp. Thế nhưng khi cấm thu phí này, các DN đa cấp chuyển sang thu các loại phí khác như phí đào tạo bán hàng, phí quản lý, phí mua hồ sơ tài liệu về kỹ năng bán hàng...
ThS luật Hà Ngọc Sơn phân tích: “Sẽ hợp lý nếu DN kinh doanh đa cấp chỉ yêu cầu người muốn tham gia mua bộ sản phẩm đầu tiên (start kit), tài liệu hoặc công cụ phục vụ việc bán lẻ sản phẩm với giá vốn (hoặc thấp hơn giá vốn - cơ quan quản lý hoàn toàn có đủ thẩm quyền tiếp cận, thu thập, tổng hợp các thông tin này). Ngược lại, nếu DN bán những thứ đó với giá cao hơn giá vốn hoặc yêu cầu họ phải trả chi phí đào tạo, chi phí quản lý hay bất kỳ khoản tiền nào khác đều có thể xem là DN đang tìm cách trục lợi từ việc tuyển người và như thế DN đang kinh doanh đa cấp bất chính”.
Biến tướng hơn, các DN không thu phí đào tạo, không thu tiền hồ sơ để trục lợi... mà chỉ tính tiền bán sản phẩm. Để nhanh chóng thu lợi nhiều, chia hoa hồng hấp dẫn, DN bán sản phẩm với giá cao ngất. Với giá bán cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường, DN kinh doanh đa cấp bất chính không thể bán các mặt hàng tiêu dùng thông thường đã có mặt trên thị trường vì rất dễ bị so sánh giá cả, chất lượng. Các DN này thường bán các sản phẩm mà người dùng không kiểm tra được giá trị cũng như hiệu quả sử dụng, ví dụ thực phẩm chức năng, các máy móc hồng ngoại, các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe...
Từ hữu hình đến vô hình
Càng về sau, khi bán sản phẩm không còn thu hút được người tham gia nữa vì nhiều người dân đã nhận rõ các sản phẩm bán theo đa cấp không xứng với giá trị thực, quá cao so với các mặt hàng tương tự trên thị trường, không thể chiêu dụ người mua, tham gia đa cấp. Các DN chuyển sang chiêu dụ người tham gia góp tiền vào hệ thống theo kiểu đầu tư tài chính để hưởng hoa hồng và hưởng thêm hoa hồng từ việc chiêu dụ người khác tham gia.
Với kiểu đa cấp phải mua hàng hóa thì nhiều người còn đắn đo với khoản tiền ban đầu bỏ ra mua những món hàng quá đắt đỏ, nếu không xây dựng được mạng lưới cấp dưới thì coi như mất tiền mua hàng. Chính vì vậy, kiểu đầu tư tài chính đa cấp có đất “tung hoành” khi chiêu dụ người tham gia rằng bỏ tiền đầu tư sẽ có lợi nhuận, muốn rút khỏi hệ thống thì rút. Kiểu tham gia này khiến nhiều người chắc mẩm mình chỉ có lời chứ không mất đồng nào.
Những mô hình đầu tư tài chính theo kiểu đa cấp thường sẽ “chặt” các loại phí như phí quy đổi tiền đồng, tiền đô, phí quản lý tài khoản (mã số) đầu tư giùm người tham gia. Ví dụ, DN giới thiệu rằng hệ thống đầu tư toàn cầu và chỉ chấp nhận cho người tham gia góp vốn đầu tư bằng tiền USD. Tuy nhiên, người tham gia lại thường chỉ có VNĐ nên khi nộp tiền đồng vào hệ thống sẽ phải nộp số tiền cao hơn, thường đến 25.000-27.000 đồng mới được ghi nhận vào tài khoản là đầu tư 1 USD.
Các mô hình tài chính này cũng sẽ thu phí khi nhà đầu tư muốn rút tiền ra. Đặc biệt là chỉ được rút tiền đồng với tỉ giá thấp hơn tiền USD, cụ thể là chỉ nhận về 19.000-20.000 đồng cho 1 USD.
Nhiều người dân chỉ nhìn thấy mức sinh lợi hấp dẫn mà không nhìn thấy các khoản chênh lệch nộp vào-rút ra và phí quản lý đã khiến khoản tiền “đầu tư” mình nộp vào đã lỗ ngay tức khắc. Với các khoản phí “chặt đầu chặt đuôi” khiến người tham gia không muốn rút vốn lại sớm mà phải đợi đến khi tiền lãi tích tụ cao hơn mức phí mới có thể rút. Khoảng thời gian này đủ để DN chiêu dụ, mở rộng mạng lưới, ôm một khối lớn tiền đầu tư rồi quét nhanh, rút gọn. Đến khi nhiều người tham gia muốn rút khoản đầu tư ra thì DN cũng biến mất.
Về vùng sâu, vùng xa
Hơn 10 năm trước, bán hàng đa cấp đình đám tại TP.HCM. Đến nay sau vô vàn thông tin về bán hàng đa cấp bất chính thì nhiều người đã cảnh giác với đa cấp, thậm chí nghe nói đến “đa cấp” là ngán không thèm bàn, mặc kệ là bất chính hay chân chính.
Tuy nhiên ở các tỉnh, thành khác, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, người dân ít tiếp cận thông tin. Các DN đa cấp sau một thời gian dài hoạt động ở TP lớn đã “đánh” đến các vùng sâu, vùng xa này.
Vụ vỡ lở của Công ty Liên Kết Việt khiến dư luận bức xúc, nhất là khi Cục Quản lý cạnh tranh đưa ra thông tin đã từng xử phạt công ty này 570 triệu đồng, kiểm tra từ tháng 7-2015 nhưng đến tháng 11-2015 mới thông tin cho cơ quan công an để điều tra. Thông tin kiểm tra, phát hiện vi phạm và xử phạt này cũng không được công khai để cảnh báo cho người dân. Nếu Cục cảnh báo kịp thời, đưa thông tin cảnh báo về các địa phương, tuyên truyền tốt cho người dân biết, có lẽ số người thiệt hại, số tiền thiệt hại đã không nhiều đến thế.
Không thể trông chờ
Một cán bộ quản lý về thương mại cho biết thực tế thời gian qua có một số công ty kinh doanh kiểu đa cấp cũng đã bị xử phạt hành chính nhưng hầu hết các công ty kinh doanh loại hình này đều khá ranh ma, khi ra quyết định xử phạt thì công ty nói không có tiền để nộp phạt, mà rõ ràng hồ sơ, chứng từ, hóa đơn của họ cho thấy họ lỗ, không có tiền nên cơ quan quản lý cũng không làm gì được họ. Sau khi bị kiểm tra, các công ty này lập tức đóng cửa, lập công ty khác, nhờ người khác đứng tên để kinh doanh tiếp!
Hơn nữa, vấn đề quan trọng là xu hướng càng ngày Nhà nước càng giảm hình sự hóa các quan hệ kinh doanh, dân sự, trừ những vụ việc có tính lừa đảo tinh vi, thiệt hại lớn. Do đó người dân cần ý thức hơn về các giao dịch, kinh doanh của chính mình.
Diễn biến pháp lý - Từ những năm 1997-1998, bán hàng đa cấp thâm nhập vào Việt Nam, gây sóng gió suốt thời gian dài. Do không có hành lang pháp lý nên cũng không có cơ quan nào xử lý các hoạt động đa cấp. Hai luồng quan điểm chính trong giai đoạn này là nên quy định cấm tiệt mô hình bán hàng đa cấp và quy định cho phép nhưng có điều kiện ràng buộc. - Đến năm 2005, bán hàng đa cấp được chính thức thừa nhận và điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh và Nghị định 110/2005/NĐ-CP về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp. Tuy nhiên, các DN đa cấp bất chính vẫn tìm nhiều cách khác để tồn tại và vươn “vòi” sang các lĩnh vực khác như tài chính, tiền ảo... và “đánh” về vùng sâu, vùng xa, nơi người dân chưa có nhiều thông tin, chưa có nhiều cảnh giác với mô hình này. - Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42 thay thế Nghị định 110, sửa đổi bổ sung một số quy định để quản lý tốt hơn. Nghị định 42 cũng như Nghị định 110, đều chỉ cho phép kinh doanh đa cấp đối với hàng hóa chứ không áp dụng cho dịch vụ. Vì vậy, kinh doanh tài chính, huy động vốn dưới mô hình đa cấp là vi phạm pháp luật. |