THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:35

Cựu trưởng phòng Vinashin mua 40 căn nhà bằng tiền chiếm đoạt

Ngày 14/7, Tổng cục An ninh cho hay nghi can trốn truy nã vừa bị bắt, Giang Kim Đạt (nguyên quyền trưởng phòng của Công ty TNHH một thành viên vận tải Viễn Dương thuộc Vinashin) đã cấu kết với người nước ngoài trong một số thương vụ mua tàu biển, chiếm đoạt tổng cộng khoảng 18,6 triệu USD.

Đạt dùng số tiền này mua khoảng 40 căn biệt thự, căn hộ cao cấp trên khắp cả nước song đều đứng tên người thân. Hiện, bố Đạt đã bị điều tra về hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.

Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Đây là vụ tham ô, tham nhũng lớn đặc biệt nghiêm trọng”. Giang Kim Đạt bỏ trốn suốt 5 năm từ khi vụ tiêu cực tại Vinashin bị phanh phui, và mới bị bắt hôm 7/7.

Một trong những thương vụ Đạt "nhúng" vào là vụ mua tàu Hoa Sen. Theo cáo buộc của cơ quan công an, đầu năm 2007, ông Phạm Thanh Bình (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin) được một công ty của Singapore môi giới, bán tàu Cartour (tàu cũ) của Italy. Ông Bình giao cho Trần Văn Liêm (Giám đốc Công ty Vận tải Viễn Dương Vinashin) thực hiện.

Ông Liêm giao Đạt thỏa thuận với công ty môi giới và chủ tàu về giá cả. Khi Viện Khoa học công nghệ tàu thủy chưa lập xong báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án cũng chưa được thẩm định và phê duyệt, tổng giám đốc Bình đã chỉ đạo ông Liêm ký hợp đồng mua tàu Cartour với giá hơn 1.200 tỷ đồng mà không chào hàng cạnh tranh theo quy định.

Ngày 15/10/2007, Công ty Viễn Dương nhận tàu Cartour về Việt Nam và đổi tên thành tàu Hoa Sen Do việc khảo sát cơ sở hạ tầng cầu cảng trong nước khi lập dự án không đầy đủ, tàu Hoa Sen khi đưa về đã gặp một số trở ngại. Bởi hệ thống cầu cảng ở Việt Nam chỉ phù hợp với tàu biển có cửa lên xuống ở mạn tàu trong khi Hoa Sen có cửa lên, xuống ở đuôi tàu.

Theo cơ quan điều tra, để giải quyết việc này, đầu năm 2008, ông Liêm ký tờ trình đề nghị phê duyệt điều chỉnh dự án, đầu tư xây dựng cầu cảng và đường dẫn để khách lên xuống. Ông Bình ký quyết định phê duyệt với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.

Tàu Hoa Sen hoạt động được 39 chuyến thì phải ngừng hoạt động vì kinh doanh không hiệu quả. Tháng 2/2008, tàu Hoa Sen bị thủng vỏ ở đáy phải sửa chữa. Công ty CP giám định, thẩm định Việt Nam xác định nguyên nhân thủng là khuyết tật ẩn tỳ bên trong tấm tôn từ khi đóng tàu mà người sử dụng không phát hiện được.

Giang Kim Đạt được xác định đã thực hiện việc kiểm tra chất lượng của tàu trước khi nhận bàn giao đã không đảm bảo tính khách quan. Đạt đã để chính công ty môi giới bán tàu chỉ định công ty giám định. Cơ quan điều tra còn chỉ ra thương vụ mua tàu Hoa Sen đã không đúng quy trình và thủ tục đầu tư, không lập báo cáo quyết toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt... Tổng số tiền nhà nước thiệt hại trong thương vụ này khoảng 470 tỷ đồng.

Với sai phạm trong thương vụ này và nhiều sai phạm khác, tháng 8/2008, ông Bình đã bị phạt 20 năm tù; ông  Liêm 19 năm tù. 6 người khác cũng bị kết án ít nhất là 10 năm tù gồm: Tô Nghiêm (nguyên Chủ tịch Công ty TNHH-MTV Công nghiệp tàu thủy Cái Lân), Nguyễn Văn Tuyên (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh), Trịnh Thị Hậu (nguyên phó Tổng giám đốc công ty tài chính Công nghiệp tàu thủy VFC), Hoàng Gia Hiệp (nguyên phó Tổng giám đốc VFC), Trần Quang Vũ (nguyên Tổng giám đốc Công ty công nghiệp tàu thủy Nam Triệu), Đỗ Đình Côn (nguyên Kế toán trưởng Công ty Hoàng Anh).

Tàu Hoa Sen là loại tàu ro-pax (tàu chở xe và hành khách) trọng tải 7.550 DWT, cao 7 tầng và có sức chứa 500 ôtô 4 chỗ, 70 xe tải, 160 xe container 40 feet cùng gần 640 hành khách, được đóng năm 2001.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh