Cựu thiếu úy công an tạt axit vợ sắp cưới hầu tòa sáng nay
- Pháp luật
- 13:27 - 19/07/2019
Nguyễn Trương Nam Hải và Lê Thị Lan Vy lúc còn yêu nhau. Ảnh: FBNV.
Hôm nay (19/7), TAND quận Thanh Khê, Đà Nẵng đưa Nguyễn Trương Nam Hải (24 tuổi, cựu thiếu úy cảnh sát PCCC Công an Đà Nẵng) ra xét xử sơ thẩm tội Cố ý gây thương tích.
Phiên tòa công khai, dự kiến diễn ra trong buổi sáng. Hải bị cáo buộc tạt axit vào vợ sắp cưới là chị Lê Thị Lan Vy (24 tuổi, cùng ngụ quận Thanh Khê).
Theo cáo trạng, sau khi ký vào giấy hôn thú và tổ chức lễ ăn hỏi, Hải thường nóng giận vô cớ, ghen tuông, nhiều lần đánh đập cô gái 24 tuổi.
Sợ hãi trước sự thay đổi của chồng sắp cưới, Vy muốn hủy hôn nhưng Hải không đồng ý. Hai người thường xảy ra tranh cãi. Hải hứa sẽ thay đổi nhưng Vy quyết tâm dừng lại.
Bực tức vì chuyện này, Hải đến một cửa hàng mua axit rồi hẹn qua nhà Vy nói chuyện.
Sáng 1/1, Hải đến nhà vợ sắp cưới. Khi Vy vừa đến cầu thang, Hải lấy chai axit tạt lên người cô gái.
Nạn nhân được mọi người đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng bỏng tay, chân và nửa khuôn mặt. Kết quả giám định thể hiện tỷ lệ thương tích là 46%.
Hải bị bắt ngay hôm đó. Cơ quan điều tra sau đó đã khởi tố, bắt tạm giam thanh niên này về tội Cố ý gây thương tích.
Trao đổi với PV, nhiều luật sư ở Đà Nẵng cho rằng hành vi của cựu thiếu úy cảnh sát rất man rợ, có sự chuẩn bị trước. Theo luật sư Trần Hùng (Đoàn Luật sư Đà Nẵng), Hải đã hành động cố ý khi chuẩn bị sẵn axit.
"Với việc gây thương tích 46% cho nạn nhân, hành vi của Hải là nghiêm trọng", luật sư Hùng phân tích.
Viện dẫn Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017), luật sư này cho biết mức khung hình phạt dành cho bị cáo từ 5-10 năm tù.
Vết thương của Vy cách đây hơn tháng. Ảnh: CTV.
Ngoài ra, Hải còn phải chịu phần trách nhiệm dân sự đối với nạn nhân. Cụ thể, trong vụ án này thì cô gái có thể yêu cầu được bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm theo Điều 590 Bộ luật Dân sự.
Mức bồi thường bao gồm: Tiền cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe; Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút; Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc trong thời gian nạn nhân điều trị.
Người bị hại còn được bồi thường tiền tổn thất tinh thần với mức không quá 50 lần mức lương cơ sở.