Cứu sống "ngoạn mục" cô gái bị tai nạn lột toàn bộ da đầu trơ sọ
- Dược liệu
- 00:41 - 06/03/2016
Những người đã từng chứng kiến tai nạn kinh hoàng ngày hôm ấy vẫn chưa hết bàng hoàng. Không ai có thể tin nổi Nguyễn Thị Thảo (SN 1992, ở huyện Ý Yên, Nam Định) lại có thể sống sót diệu kỳ, thậm chí lại sống một cách lành lặn như hiện tại. Thảo là một trong số hơn chục trường hợp hy hữu bị tai nạn, toàn bộ da đầu lột trắng trơ xương sọ, đã được cứu sống một cách “ngoạn mục” ở Việt Nam.
Chị Đào Thị Thơm (SN 1972), mẹ của Thảo vẫn còn chưa hết sợ hãi, khi nhắc lại tai nạn kinh hoàng xảy đến với con gái mình cách đây gần 2 năm.
Gia đình chị Thơm làm nghề khoan giếng. Đó là 13h ngày 19/2/2014, Thảo cùng gia đình đi khoan giếng cho khách hàng, đến 15h thì tai nạn khủng khiếp ập đến. Theo hợp đồng với khách hàng, gia đình chị phải khoan giếng sâu 100 mét, nhưng khi khoan được 70 mét thì mũi khoan chạm vào tầng đá, Thảo và 2 người khác đứng lên cái trục giàn khoan ở giữa để tạo sức nặng.
Chị Thơm bàng hoàng nhớ lại: “Đang làm thì nghe thấy cháu kêu á một cái, ngoảnh ra thì đầu cháu còn mỗi cái sọ không, máu phun như mưa. Mọi người nhìn thấy toàn bộ mảng da đầu từ mi mắt đến sau gáy của cháu bị giật tung và cuốn vào trục khoan. Lúc đó ai cũng cuống lên, có người vớ được con dao rựa cùn, chặt nắm tóc của cháu, rồi vớ được mảnh áo trùm lên đầu cho các mạch máu khỏi bắn máu ra rồi tức tốc gọi taxi chở đi. Mọi người đã kịp nhặt mảng da đầu của cháu cho vào bao tải mang theo”.
“Xe đi đến đầu cầu mới Ninh Bình thì cháu mới kêu đau, bởi từ lúc bị tai nạn là cháu lịm đi, không biết gì nữa. Chúng tôi đưa cháu vào Bệnh viện Quân y 5 ở Ninh Bình, người thân và anh em đều đi theo. Ai cũng nghĩ cháu sẽ không qua khỏi nữa. Mọi người khóc, không biết làm gì. Tôi lao vào, sấn đến chỗ bác sĩ đang sơ cứu cho cháu, lúc này, đầu cháu băng kín, chỉ còn mỗi lỗ mũi, mồm. Sơ cứu xong, các bác sĩ đã chuyển cháu lên BV Việt - Đức” - kể đến đây, chị Thơm lau mồ hôi dù trời đang khá lạnh.
Các BS khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt trong một ca phẫu thuật vi phẫu. |
Khoảng 21h đêm hôm đó, Thảo được đưa vào khoa Cấp cứu của Bệnh viện Việt - Đức. Ngay khi nhận được tin về ca tai nạn hy hữu của Thảo, các bác sĩ khoa Tạo hình Hàm mặt - BV Việt - Đức đã khẩn trương xuống thăm khám và đưa ra phác đồ điều trị. Sau khi thăm khám, loại trừ các chấn thương khác, các bác sĩ đã phẫu thuật nối lại da đầu bị lột hoàn toàn cho em. Sau mổ, Thảo được chuyển về phòng hậu phẫu rồi được đưa về khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt theo dõi và điều trị. Điều trị tại đây 20 ngày, Thảo đã được xuất viện trở về gia đình trong sự ngỡ ngàng và vui mừng khôn xiết của gia đình. Không ai có thể tưởng tượng ra được, bộ da đầu dính đầy dầu nhớt và đất cát bị cuốn vào trục khoan đã được ghép nối trở lại cơ thể của Thảo một cách kỳ lạ đến thế.
Vụ tai nạn kinh hoàng này nhắc chúng ta nhớ đến trường hợp tai nạn của bé Huỳnh Thị Như Ý (Cần Thơ) vào cuối tháng 3/2013. Khi đó, Như Ý được bà nội và cô ruột giao trông quán mía. Nhiều khách đến hỏi mua, Như Ý bảo họ chờ người lớn về ép mía nhưng đợi mãi không được nên nhiều người bỏ đi. Đến khi có một người khách giục, Như Ý liều bật máy thử ép. Nào ngờ, trong lúc bất cẩn, mái tóc dài của cô bé 13 tuổi bị cuốn vào máy ép mía và kéo theo toàn bộ phần da đầu.
Theo tiết lộ của BS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt - BV Việt - Đức thì tai nạn bị lột toàn bộ da đầu như trường hợp của Thảo, đến nay trên thế giới cũng chỉ có 60 trường hợp được phẫu thuật ghép lại thành công. Và ở Việt Nam, con số này là trên 10 ca.
Kỹ thuật ghép nối “hoàn hảo”
Gặp lại các bác sĩ đã cứu sống con gái mình, chị Thơm đã không nén nổi xúc động. Chị thì thầm với chúng tôi: “Ca mổ kéo dài tới 14 tiếng. Chúng tôi cứ phập phồng chờ đợi. Khi bác sĩ thông báo đã phẫu thuật thành công, cả gia đình tôi vui mừng không biết nói thế nào nữa. Cảm giác lúc đó như đang trong mơ đấy cô ạ”.
Lần này, chị Thơm đưa con gái đến viện Hà Nội để kiểm tra lại sức khoẻ cho cháu Thảo, đồng thời xử lý nốt những vết sẹo lồi “di chứng” do sự chủ quan của gia đình chị khi chăm sóc cháu. Chị Thơm bảo: “Tôi không biết nói thế nào ngoài hai chữ “cảm ơn” với các bác sĩ. Con tôi đã hồi sinh, đã trở về từ cõi chết. Còn lạ lùng hơn nữa, tôi không biết các bác sĩ làm thế nào mà bây giờ tóc cháu mọc lại dài và đen như thường. Cắt mấy lần rồi. Ở quê tôi, không ai tin là cháu lại được như thế”.
Nói về ca phẫu thuật nối ghép da đầu bị lột hoàn toàn này, BS Nguyễn Hồng Hà chia sẻ: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị lột toàn bộ mảng da đầu. Với ca này, chúng tôi áp dụng kỹ thuật vi phẫu. Vi phẫu thuật là kỹ thuật phẫu thuật rất khó, đòi hỏi nhiều kỹ năng của các bác sĩ và phải có sự phối hợp nhiều chuyên khoa như cấp cứu, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh... Để thực hiện các ca phẫu thuật vi phẫu, các bác sĩ phải dùng kính hiển vi phẫu thuật phóng đại để nối các mạch máu nhỏ từ 0,5 - 1mm, đảm bảo máu lưu thông trở lại và không bị tắc.
Toàn bộ ê-kíp phẫu thuật cho cháu Thảo đã làm việc không ngừng nghỉ trong 14 tiếng ròng rã. Các bác sĩ đã phải thực hiện các bước phẫu thuật như cạo tóc, làm sạch, lần tìm từng mạch máu sau đó khâu nối da đầu vào xương sọ, nối các mạch máu rất nhỏ, chỉ khoảng 1mm để cấp máu nuôi da đầu, để cho mảng da bị đứt lìa có thể sống trở lại.
BS Hà vừa khám lại cho bệnh nhân hy hữu của mình, vừa vui vẻ “khoe”: “Không chỉ nối lại da đầu bị giật khỏi hộp sọ đâu nhé, các bác sĩ ở khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt chúng tớ còn sử dụng kỹ thuật vi phẫu này để nối ghép nhiều bộ phận của cơ thể bị đứt lìa như tay, chân, tai, môi, mũi... Đến cả “cái ấy” mà đứt lìa, bọn tớ cũng nối được”.
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Văn Giang, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt cho hay, trước đây cũng có những tai nạn bị lột da đầu hoàn toàn, thường gặp ở những phụ nữ có tóc dài bị cuốn vào máy, mô-tơ đang chạy. Khi không nối lại bằng kỹ thuật vi phẫu, các bác sĩ chỉ lạng mỏng da đầu rồi ghép lại dưới dạng ghép da mỏng. Tuy nhiên, làm như vậy tóc không mọc trở lại, thời gian điều trị kéo dài, chi phí tốn kém, để lại sẹo co kéo và ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý cũng như nghề nghiệp của bệnh nhân. Nếu không có kỹ thuật mới, có thể cháu Thảo sẽ mở trừng mắt không chớp được, vô cùng nguy hiểm vì nhiều biến chứng. Còn với kỹ thuật vi phẫu hiện nay, mảnh da đầu sẽ được nối ghép lại, da đầu sẽ được phục hồi cấu trúc đặc biệt của nó, tóc mọc trở lại. Thời gian nằm viện ngắn, sẹo để lại rất ít và tâm lý của bệnh nhân cũng không bị ảnh hưởng.
Cũng theo bác sĩ Giang, việc sơ cứu và bảo quản bộ phận bị đứt lìa giống như bệnh nhân Thảo là không đúng nên các bác sĩ khuyến cáo nếu có các bộ phận đứt rời như da đầu, môi, mũi, tai, dương vật… thì nhanh chóng băng bó bộ phận đứt rời bằng gạc. Đối với phần bị đứt lìa, cho vào túi nylon sạch, buộc chặt, sau đó cho vào trong một túi nylon khác đựng nước để bộ phận không tiếp xúc trực tiếp với nước. Việc cuối cùng là phải đặt túi đó trong thùng đựng nước đá lạnh đảm bảo nhiệt độ bảo quản bộ phận khoảng từ 4 - 10 độ C.
Nhìn gương mặt xinh xắn của Thảo, khó có thể phát hiện ra vết sẹo do nối ghép mảng da đầu bị đứt rời trước kia. Thảo vui lắm. Em liên tục kể chuyện, liên tục nhắc đến bác sĩ Hà, bác sĩ Giang với lòng ngưỡng mộ về tài năng của các anh. Nhìn em bây giờ, ít ai biết, em đã từng trải qua những khoảnh khắc kinh hoàng trong cuộc đời. Chỉ một phút lơ là, bất cẩn mà em phải mang những vết sẹo suốt đời. “Em rất may mắn khi gặp được các bác sĩ” - Thảo thỏ thẻ nói với chúng tôi. Mái tóc đen mượt của em xoã trên vai.
(Tên nhân vật trong bài được thay đổi)