THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:06

Cựu binh kể chuyện đánh trận cuối cùng

 

22 ngày đêm giằng co với địch

Sáng 7/4/1975, Đại đội 2, Tiểu đoàn 24, Sư đoàn 5 Phòng không- Không quân được giao nhiệm vụ vận dụng các hình thức chiến thuật, phục kích, tập kích, gìm chân 3 sư đoàn 7,9,21 của địch, chặn đường không cho chúng hành quân lên Sài Gòn chi viện lực lượng.

Sau khi nhận nhiệm vụ, đêm cùng ngày, Đại đội trưởng Dương Đức Duy chỉ huy bộ đội vượt sông Vàm Cỏ bằng thuyền của dân, hành quân khẩn trương chiếm lĩnh trận địa. Sông Vàm Cỏ không rộng lắm, nhưng các chiến sĩ trong Đại đội phải vượt hơn 6 giờ đồng hồ mới sang bờ bên kia, vừa bơi vừa giữ bí mật và tránh bom đạn địch. Vào vị trí bí mật, Đại đội trưởng Duy nhanh chóng giao nhiệm vụ cho các trung đội và triển khai đào hầm hào công sự, sẵn sàng chiến đấu ngay trên cánh đồng lúa đã gặt của dân.

Ông Dương Đức Duy  thời trẻ.

Đúng như dự đoán, sớm ngày 8/4, một đoàn xe tăng và bộ binh địch gầm rú như xé nát bầu trời ùn ùn tiến từ đầu cầu Tân An đến Cầu Voi, vừa đi chúng vừa bắn pháo dẹp đường. Kẻ địch không hề biết ở địa hình trống trải, dưới đống rạ khô 2 bên đường quốc lộ 4 là những ụ súng cao xạ, những tiểu đội B40, 41, trung đội DKZ của ta sẵn sàng nổ súng. Chờ cho chúng “lọt lõng”, Đại đội trưởng Duy hô: “Nổ súng ! Tất cả nổ súng tiêu diệt địch”. Ngay tức thì, hàng chục ụ súng máy cao xạ 12,7 ly, đại liên, cối 82B10, cối 60, ĐKZ, súng chống tăng B41 bắn xối xả vào 3 xe tăng và toàn bộ đội hình địch. Bị bất ngờ, chúng rút chạy ngược lại về cầu Tân An rồi gọi máy bay đánh phá vào đội hình chiến đấu của ta. Trước tình hình ấy, Đại đội trưởng Duy đã chỉ huy các tiểu đội súng cao xạ tiêu diệt máy bay trong tầm bắn hiệu quả, phát huy tác dụng bắn thẳng, các khẩu đội 82B10, B40, B41 tiêu diệt xe tăng, xe bộc thép địch. Quân ta bắn ráo riết, chúng lại rút chạy về Tân An và chờ thời cơ tấn công đợt mới, ta lại phục kích, tập kích bất ngờ không cho chúng tiến lên. Cứ như thế, Đại đội 2 của Duy phối hợp với Trung đoàn bộ binh 5 chiến đầu giằng co với địch suốt 22 ngày đêm ngoan cường.

10 giờ ngày 30/4/1975, bỗng hàng loạt máy bay địch lượn trên đầu nhưng không bắn phá vào trận địa. Dương Đức Duy mở chiếc radio nhỏ thì nghe tiếng Tổng thống Dương Văn Minh kêu gọi: “Hỡi sĩ quan binh lính Việt Nam cộng hoà. Tôi Dương Văn Minh Tổng thống Việt Nam cộng hoà, kêu gọi tất cả binh lính sĩ quan cộng hoà ở đâu cố gắng giữ ở đó, tránh đụng độ với bộ đội giải phóng, để Chính phủ Việt nam cộng hoà liên hệ với Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đi đến hoà bình, tránh đổ máu”. Và chưa đầy 3 phút sau, tất cả binh lính Mỹ nguỵ xung quanh đó đứng ào dậy như rừng người, hô lớn: “Các anh bộ đội giải phóng ơi, chúng tôi đầu hàng rồi, đừng bắn chúng tôi nữa”. Đại đội trưởng Duy dùng súng AK bắn một loạt chỉ thiên và hô: “Hỡi sĩ quan binh lính Việt Nam cộng hoà !. Theo chính sách của Chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam, các anh đã đầu hàng rồi, hãy bỏ vũ khí tại chỗ và về xum họp với gia đình”. Nghe thế, tất cả lính nguỵ cởi bỏ áo dài, dầy, mũ, vũ khí tại chỗ và hô to: “Hoan hô, hoan hô”. Sau đó, đội quân thất trận tràn ra quốc lộ 4, tranh nhau leo lên xe tải và hành quân về Sài Gòn. Dương Đức Duy chỉ huy đại đội di chuyển về Long An, tiếp tục nhận nhiệm vụ mới. 

Ông Dương Đức Duy bên con gái bị nhiễm chất độc da cam.

 Trọn nghĩa vẹn tình

Trong niềm vui ngày giải phóng, đường quốc lộ 4 Tân An-Cầu Voi, thị trấn Long An rực rỡ cờ hoa. Nhân dân hai bên đường ra chào đón các anh bộ đội giải phóng chiến thắng về làng. Xen lẫn tiếng nói cười của hàng vạn bà con, bước chân rầm rập của bộ đội, là những câu hô vang “bộ đội giải phóng, bộ đội giải phóng, hoan hô, hoan hô”.

“Đi giữa hàng quân trong lòng nhân dân ngày đại thắng, chúng tôi rạng rỡ niềm vui và cùng reo hò trước sự đón chào nồng nhiệt của bà con Long An. Tuy nhiên, trận chiến đấu ấy có đồng đội vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Đại đội tôi có chiến sĩ Nguyễn Văn Hiến bị mảnh bom vào đầu. Trước khi ra đi, anh gọi tôi đến và nói rằng: “Em biết một vài tiếng nữa sẽ chết, nếu sau này anh còn sống trở về quê, hãy nói với cha mẹ em là em chết ngày hôm nay”, ông Duy nghẹn ngào khi nói về đồng đội và lật từng trang nhật ký cho tôi xem. Trong ấy ghi đầy đủ từng trận chiến đấu và tên đồng đội của ông đã hy sinh.

Lần theo địa chỉ, ông Duy về Hưng Yên để báo tin cho cha mẹ Hiến- người đồng đội của ông đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Giữa mùi hương trầm ngan ngát, bao ký ức chiến tranh ùa về, hình bóng Hiến trước lúc hi sinh như hiển hiện trước mặt ông. Mắt ông Duy cay cay. Ông khóc cho đồng đội, khóc về niềm vinh quang của cuộc đời quân ngũ và khóc cho cả niềm đau của những người đang nằm dưới mộ.

Đến hôm nay, ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam đã lùi xa 40 năm, đồng đội của ông Duy người còn, người mất, người mất  mát một phần cơ thể. Bản thân ông Duy cũng là thương binh hạng 3 và nhiễm trực tiếp chất độc da cam.  Ông bảo: “Trong trận chiến đấy cuối cùng ấy có nhiều đồng đội thân yêu của tôi nằm xuống. Nguyện vọng của tôi những ngày cuối của cuộc đời là tìm về những đồng đội cũ, với những anh em đã cùng chúng tôi chiến đấu anh dũng trên một chiến hào, góp phần giải phóng miền Nam”. 

Trần Mạnh Tuấn

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
3 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh