CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:31

Cuối năm, nhiều dịch vụ thiếu lao động, tăng giá

 

Đỏ mắt tìm người giúp việc

Người giúp việc thông báo sẽ về quê trước Tết ông Công ông Táo nên chị Chử Thị Dung (KĐT Mỹ Đình) rốt ráo đăng tin tìm người giúp việc thay thế trong mấy ngày Tết. Qua mấy trung tâm môi giới, chị Dung được một người đồng ý giúp việc cho gia đình chị xuyên Tết với mức giá là 600 nghìn đồng/ngày, riêng 3 ngày Tết chủ nhà phải có tiền thưởng. Chị Dung cho biết: “Cứ đến gần Tết, nghĩ đến việc nhà là lại lo, hai vợ chồng đi làm đến 29 mới được nghỉ, công việc trong nhà, và hai đứa nhỏ không thể thiếu người giúp việc. Nhưng đến dịp này bác giúp việc lại về quê, muốn giữ cũng không được vì bác đi làm cả năm Tết muốn được quây quần bên gia đình. Mấy lần mở lời nhờ bác ở lại giúp dịp Tết nhưng không được nên đành phải tìm người hỗ trợ trong mấy ngày Tết”.

 

Nhu cầu thuê người dọn nhà dịp Tết tăng cao.

 

Cùng hoàn cảnh như chị Dung, gia đình anh Hoàng Đình Quang (KĐT Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) cũng sốt sắng tìm người giúp việc ngày Tết. Dịp này, vợ anh đang có bầu nên mọi công việc trong gia đình đều do anh đảm nhiệm. “Chị giúp việc sắp về quê nên đăng tin, nhờ mọi người chỉ giúp người nhận việc. Tôi trả lương 10 ngày Tết từ ngày từ ngày 25 tháng Chạp đến mồng 6 Tết là 8 triệu đồng, chưa kể tiền thưởng mà vẫn chưa tìm được người nào phù hợp”, anh Quang nói.

Không chỉ “đỏ mắt” tìm giúp việc dịp Tết mà nhiều gia đình khá vất vả tìm thuê bảo vệ nhà trong những ngày này. Vợ chồng chị Giang đang sống tại một căn biệt thự ở khu đô thị mới. Dịp Tết năm nay, gia đình chị dự định vào Phú Quốc du lịch, người giúp việc cũng về quê ăn Tết nên không ai trông coi nhà cửa. Do đó, chị phải sớm tìm đến dịch vụ bảo vệ chuyên nghiệp. “Vừa đi chơi, vừa đi chúc Tết xa nhà gần 1 tuần mà không ai trông nhà cũng lo lắm. Năm trước không ít nhà ở khu này mất trộm ngày Tết, nên mình tìm bảo vệ cho yên tâm, đi chơi cũng được thoải mái”, chị Giang cho biết.

Theo đại diện một số Cty cung cấp dịch vụ bảo vệ tại Hà Nội, nhu cầu thuê bảo vệ dịp Tết tăng gấp 4-5 lần so với bình thường. Ông Lê Văn Tuấn, Phó giám đốc nghiệp vụ Cty bảo vệ Việt Á cho biết, năm nay để đáp ứng nhu cầu thuê bảo vệ Tết 2018, Cty đã chuẩn bị số lượng nhân viên tương đối nhiều. Lương của bảo vệ trong dịp Tết cũng tăng đến 3-4 lần, trung bình khoảng 1 triệu đồng/ngày, tính ra trong 10 ngày Tết, lương trung bình 10 triệu đồng/người. Tuy nhiên, yêu cầu của khách hàng bây giờ cũng cao hơn trước, nhiều gia đình Tết đi vắng dài ngày nên ngoài việc đảm bảo an ninh và tài sản, họ còn mong muốn bảo vệ chăm sóc cây cảnh, thú cưng, vật nuôi. Đặc biệt, năm nay để thuận tiện cho công việc, Cty đã ứng dụng công nghệ hiện đại hơn, kết nối camera tại nhà khách hàng và camera tại văn phòng, và các tín hiệu cảnh báo khác, vừa để giám sát công việc của bảo vệ, vừa để tăng độ an toàn cho khách hàng.

 

Cuối năm nhu cầu thuê bảo vệ dịp Tết tăng cao.

 

Cuối năm, thời tiết khắc nghiệt nên khiến không ít người gia đổ bệnh phải nằm viện. Trong khi, cuối năm con cháu khá bận rộn nên nhờ đến dịch vụ “trông người ốm” để chăm sóc bệnh nhân. Nếu như ngày thường, giá chăm sóc người bệnh là 300 nghìn đồng/ ngày thì những ngày cận Tết mức giá này tăng lên 500 nghìn đồng/ ngày. Trong 10 ngày Tết, mức giá này tăng lên 1 triệu đồng/ngày nhưng không phải lúc nào cũng có sẵn người nhận chăm sóc người bệnh.

Cận Tết, khan hiếm lao động dọn nhà, sửa nhà

Cận Tết, cũng là lúc công việc bận rộn nên việc chăm lo gia đình của nhiều người hạn chế hơn. Vì thế, nhu cầu thuê người dọn dẹp nhà cửa những ngày này tăng cao. Chị Đào Minh Thủy (Cổ Nhuế, Hà Nội) thuê người dọn nhà tuần 2 buổi nhưng cả tuần nay gọi điện nhưng chị dọn nhà vẫn chưa thu xếp được lịch để đến nhà chị dọn bởi cuối năm nhu cầu người thuê dọn nhà tăng cao đột biến. Cuối năm, giá nhân công cũng tăng gấp rưỡi đến gấp đôi so với ngày thường. Chị Thủy cho biết, thường căn nhà 4 tầng thuê người lau dọn hết khoảng 200.000 đồng, nhưng thời điểm hiện nay mức giá đã lên 400.000 đồng.

Cuối năm cũng là thời điểm nhiều gia đình muốn sửa chữa, tân trang lại nhà để đón Tết. Chưa kể, đây cũng là thời điểm nhiều dự án bàn giao nhà nên nhu cầu sửa chữa, vận chuyển đồ đạc tăng cao. Vì thế, lao động tự do những ngày này làm không hết việc và giá nhân công cũng tăng lên. Nhiều người lao động tự do cho biết, công việc thì vô vàn thứ để làm nhưng chủ yếu vẫn là lau dọn nhà cửa, chuyển cây cối, phá dỡ công trình. Anh Nguyễn Việt Hà, vừa nhận nhà từ chủ đầu tư. Gia đình mong muốn kịp đón Tết trong nhà mới nhưng nhà vừa nhận xong cần phải sửa chữa, cuối năm không thuê đâu ra thợ. “Tôi dự kiến sửa nhà xong mới dọn đồ về ở để khi đã ổn định chỗ ở không bị xáo trộn đồ đặc để sửa nhà nhưng nay không tìm đâu ra thợ. Đến thuê người chuyển đồ còn khó, giá tăng cao”, anh Hà cho biết.

 Chăm sóc thú cưng - dịch vụ hot dịp Tết

Vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, trông giữ thú cưng trở thành một dịch vụ  mang lại nguồn thu nhập cao. Với giá dịch vụ dao động từ 200.000 - 500.000 đồng/ngày, thậm chí có những gia đình sẵn sàng chi 1 triệu đồng/ngày miễn tìm được người yêu và biết cách chăm sóc thú cưng.

 

Nhiều gia đình có nhu cầu gửi thú cưng trong mấy ngày Tết.

 

Tết năm nay, gia đình chị Nhung (Tây Hồ, Hà Nội) quyết định đi du lịch nước ngoài thay vì ăn Tết trong nước. Điều lo lắng nhất của chị Nhung là chưa gửi đâu được hai con miu. “Không phải ai cũng yêu và biết chăm sóc mèo, đặc biệt người thân ở chung cư, không gian chật chội nên rất ngại mang mèo đến gửi. Chưa kể, một số gia đình kỵ mèo nhất là ngày Tết với quan miện “mèo đến thì khó, chó đến thì giàu” nên phải tìm dịch vụ trông giữ mèo trong mấy ngày Tết”, chị Nhung chia sẻ.

Đến một số địa chỉ nhận trông và chăm sóc mèo ngày Tết chị Nhung mới hay, giá dịch vụ trong mấy ngày Tết khá chát. Giá trông chó, mèo mấy ngày Tết tăng gấp 2 -3 lần so với ngày thường nhưng nhiều nơi đã kín chỗ. Nhiều nơi nhận trông chó mèo với nhiều yêu cầu khắt khe: Phải có sổ sức khoẻ, kết quả sát hạch kiểm tra về các bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng...

Tùy theo trọng lượng của mỗi thú cưng mà có mức giá lưu trú chi tiết khác nhau. Đối với thú cưng dưới 2kg có giá 200.000 đồng/ngày; từ 5 - 10kg có giá 250.000 - 500.000 đồng/ngày; những thú cưng lớn hơn có giá cả triệu đồng/ngày. Thú cưng sẽ được hưởng đầy đủ các tiện nghi: Được giám sát chặt chẽ bởi hệ thống camera an ninh, sử dụng các dịch vụ ăn uống dinh dưỡng khoa học, chế độ vui chơi - thể thao và chế độ tắm - làm đẹp. Dù vậy, các cơ sở cũng luôn trong tình trạng “cháy phòng” mỗi khi Tết đến do nhu cầu của khách hàng tăng cao.

Dịch vụ chăm sóc sóc thu cưng mấy ngày Tết cho thu nhập cao nhưng không “dễ ăn”. Có không ít chủ cơ sở dở “khóc, dở cười” khi phải rút hầu bao để đền cho khách hàng nhưng cũng không nhận được sự cảm thông cảm vì những sự cố ngoài ý muốn.

Vốn yêu động vật, gia đình chị Nguyễn Thu Hiền (Long Biên, Hà Nội) thường nhận trông chó, mèo hộ bạn bè mỗi khi Tết đến. Thấy thị trường nở rộ, chị Hiền nhận chăm sóc chó, mèo dịp Tết với giá 200.000 đồng/ngày. Năm ngoái, chị Hiền nhận trông một chó xù Nhật loại quý dịp Tết. Chú chó ấy trước khi được chủ đưa đến thì vẫn khỏe mạnh, nhưng sau do lạ chủ và thay đổi môi trường nên lăn ra ốm. Mùng 2 Tết, chị Hiền bế đi khắp các bệnh viện để khám, chữa trị. May mắn là chú chó quý hiếm đó qua khỏi trận ốm nhưng tổng chi phí thuốc thang không đủ bù khoản tiền chủ thuê trông mấy ngày Tết.

 

Đảm bảo cung cầu hàng hóa dịp Tết Nguyên đán

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, nguồn cung hàng hóa chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 khá dồi dào, đa dạng với mức giá hợp lý.  Được biết, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại tại Hà Nội dự kiến dự trữ và đưa ra thị trường giá trị hàng hóa khoảng gần 13.000 tỷ đồng. Đối với các chợ là kênh phân phối truyền thống và chủ yếu cung ứng các nhóm hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của nhân dân Thủ đô, dự kiến lượng hàng hóa phục vụ Tết ước đạt khoảng 1.000 tỷ đồng. Tại TP. Hồ Chí Minh cũng chuẩn bị số lượng hàng tăng từ 20-30%, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Để đảm bảo cung cầu hàng hóa, giao thông vận tải thông suốt trong dịp lễ, Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, trong đó đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương ngoài việc đảm bảo cung cầu, cần kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ có nhu cầu tăng cao. Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành (Công thương, Tài chính, NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, GTVT, VH-TT&DL, TT&TT) và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai hiệu quả công tác phối hợp bảo đảm cung cầu hàng hóa, giao thông vận tải thông suốt trong dịp Tết. Bên cạnh đó, chú trọng kiểm soát giá các hàng hóa dịch vụ có nhu cầu tăng cao như dịch vụ vận tải, du lịch tại điểm vui chơi, thăm quan, lễ hội; đẩy mạnh tuyên truyền và hướng dẫn người dân đến các địa điểm bán hàng sạch, hàng bình ổn giá, phản ánh trung thực về cung cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền chương trình “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình điều hành giá các mặt hàng phụ trách tại các địa phương, đề xuất biện pháp điều hành giá phù hợp, tổng hợp báo cáo về Bộ Tài chính tổng hợp chung để xây dựng báo cáo phục vụ cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá theo quy định.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh