CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:17

Cuối năm đi chợ gốm Bát Tràng

 

Nhộn nhịp chợ gốm…

Chợ gốm Bát Tràng được mở họp trong khu vực sân kho của xã Bát Tràng từ nhiều năm nay. Những ngày đầu tuần, lượng khách đến với khu chợ chỉ ở mức vừa phải, trong đó khách du lịch là người nước ngoài luôn đông hơn khách ta. Chợ thực sự chỉ đông hơn vào những ngày cuối tuần, khi đó du khách đến Bát Tràng lại đa phần là các sinh viên, học sinh và cả giới công chức. Họ đến với Bát Tràng để được thỏa mãn cùng lúc nhiều nhu cầu: Tham quan, mua sắm, dã ngoại, bởi làng nghề này ở sát kề nội đô, là một trong những điểm đến ấn tượng trong tour đi ra ngoại thành của các Cty du lịch và người dân.

Chợ Bát Tràng nhộn nhịp dịp cuối năm (Ảnh minh họa)

Những ngày cuối năm, lượng người đổ về làng nghề nói chung và khu chợ gốm nói riêng đều cùng đông nghẹt. Con đường đê từ Cầu Long Biên, Chương Dương, cũng như các ngả dẫn tới Bát Tràng cứ gọi là nườm nượp xe cộ. Tuyến xe buýt số 47 từ  Long Biên đi Bát Tràng luôn trong tình trạng quá tải. Hòa theo dòng người đổ về Bát Tràng, chúng tôi tới khu chợ gốm lúc hơn 8 giờ sáng, nhưng lối đi xen giữa các gian hàng trong sân khu chợ đã chen chân người. Khách đông nên chủ các gian hàng cũng vui ra mặt. Chị Hà, chủ một gian hàng ngay sát cổng ra vào cười nói với khách hàng quen: “Bọn chị cứ thích cả năm đủ 12 tháng khách đông như thế này mới sướng, chứ như 6,7 tháng khác trong năm, buôn bán ế ẩm đến mức con ruồi bay qua chẳng muốn đuổi…”.

Đúng như lời chị Hà, nếu những tháng khác trong năm khách đến chợ gốm chủ yếu để chơi và ngắm là chính, thì dịp này nhu cầu mua hàng hóa tăng vọt. Các thương lái đã đành, khách du lịch đến Bát Tràng dịp này đều mua cho mình cơ man là gốm, nào bát, cốc, độc bình, chậu hoa, âu, đĩa… Cô Nguyễn Thị Lan, chủ gian hàng gốm Hữu Lan cho hay, những ngày này do khách tới đông quá nên cửa hàng phải thuê thêm nhân viên mới đủ người phục vụ. Khách đông tới mức không kịp có thời giờ để ăn trưa, ai ngơi tay lúc nào thì tranh thủ ăn lúc đó, mà cũng đâu có thời gian ăn cơm, chỉ ăn bánh mỳ, xôi mua sẵn cho tiện…

Chẳng riêng gì nhà ai, mà hầu hết các gian hàng đều phải thuê thêm từ vài, ba cho tới dăm nhân viên đứng bán hàng, hoặc chuyên chở hàng từ lò ra cửa hiệu. Không khí nhộn nhịp, đông đúc ở chợ gốm Bát Tràng những ngày cuối năm diễn ra suốt từ sáng sớm cho tới tận nhá nhem tối. Khách tới tham quan mua hàng không chỉ đến từ trung tâm nội đô, mà còn tới từ nhiều tỉnh thành khác như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh…, bởi từ lâu gốm của làng nghề này đã có thương hiệu được nhiều người ưa chuộng. Chẳng vậy mà có nhiều người từ các tỉnh xa, nhân về Hà Nội có công việc cũng tranh thủ sang Bát Tràng để thăm mua cho kỳ được mấy sản phẩm gốm sứ mang về dùng. Ông Trần Tuấn Anh, 59 tuổi, ở Tuyên Quang, nhân chuyến xuống Thủ đô chơi với con trai, cũng được con chở xe máy sang đây để mua đồ về cho Vợ. “Bà nhà tôi rất thích gốm của làng nghề này. Bà ấy dặn tôi phải sang tận nơi mua thì mới là sản phẩm thật của Bát Tràng...”, ông Tuấn Anh chia sẻ. Ngoài số lượng lớn khách mua nhỏ lẻ theo dạng tiêu dùng, thì khu chợ gốm cũng đón khá nhiều các thương lái từ nhiều vùng miền tới mua gốm với số lượng lớn mang đi tiêu thụ. Các xe ô tô, xe kéo đứng chờ chất hàng ở phía trước khu vực chợ lúc nào cũng mấy chục chiếc...

Doanh thu tăng nhờ lượng khách đông

Tiếp xúc với các tiểu thương buôn bán ở chợ gốm Bát Tràng, chúng tôi nhận thấy ai cũng hồ hởi, vui ra mặt vì các sản phẩm gốm đều bán rất chạy. Bà Lê Thị Năm, chủ cơ sở Tài Lộc chia sẻ: “Hàng gốm bắt đầu bán chạy từ đầu tháng 11 âm lịch, mỗi ngày thu ít cũng hơn chục triệu đồng, dịp cuối tuần thì doanh thu tăng vọt do khách quá đông”.

Cũng tâm trạng vui vẻ như bà Năm, chị Thủy ở gian hàng gốm kế bên, khoe: “Nhà chị đây có lượng khách quen nhất định, cộng với nhiều mối hàng bán buôn từ Hưng Yên nên mỗi ngày doanh thu phải tới vài, ba chục triệu đồng”. Theo lời chị Thủy, trong tháng 11 nhà chị có 5 người mà bán hàng không ngơi tay, dịp gần Tết phải thuê thêm 2 nhân công là nam giới khỏe mạnh với mức lương 6 triệu đồng/người/tháng, cơm nuôi, chỉ chuyên chở gốm từ lò ra chợ. Lướt qua gian gốm nhà chị Thủy, tôi thấy hầu hết các sản phẩm đều có mẫu mã đẹp, nước men sáng, lượng khách xem hàng khá đông. Vừa tiếp chuyện với tôi, tay chị vẫn thoăn thoắt gói hàng cho khách. Đứng ở gian hàng của chị chừng 15 phút, tôi quan sát thấy chị bán được khá nhiều sản phẩm, khoảng chục bát ăn cơm, dăm cái đĩa to, vài chiếc tô đựng canh, mấy lọ cắm hoa, chiếc bình sứ cảnh, cả niêu đất dùng để kho cá...

Qua tham khảo ở chợ gốm, chúng tôi thấy các loại sản phẩm gốm bán chạy, đắt hàng vào dịp cuối năm thường là bát, đĩa, tô, âu, liễn... và nhiều loại sản phẩm phục vụ cho sinh hoạt tiêu dùng trong các gia đình. Ngoài ra, mấy sản phẩm gốm “cặp đôi” với hoa, cây cảnh để trưng Tết như: Độc bình, chậu trồng cây cũng bán rất chạy. Những loại độc bình đại thì bán chậm, nhưng các cỡ độc bình nhỏ, loại trung cao cỡ từ 50 - 70cm, có giá từ 2-3 triệu đồng bán khá nhiều, bởi không ít gia đình có nhà rộng họ muốn mua độc bình đặt ở hai sảnh cửa ra vào để cắm đào, mai, hay các loại hoa thân dài. Các mẫu lọ hoa nhỏ dùng để bàn nước, bàn thờ có giá dăm, bảy chục ngàn cho đến vài trăm ngàn cũng là mặt hàng hút khách mua. Phía góc chợ, một nhóm sinh viên đang loay hoay chọn đồ.

Khách chọn mua sản phẩm gốm Bát Tràng

Một bạn nữ cho biết, nhân ngày nghỉ cuối năm, cô cùng các bạn rủ nhau sang Bát Tràng để mua ít bát, đĩa về làm quà cho gia đình, đây cũng là mặt hàng có giá cả phù hợp với túi tiền của các sinh viên. Giá bát con ăn cơm tại quầy là 18.000 đồng/chiếc, loại có men đẹp, mỏng, có vẻ còn đẹp hơn hàng Giang Tây (Trung Quốc), nên các bạn trẻ ai nấy đều chọn cho mình mỗi người một, vài chục chiếc. Chị chủ quầy bảo: “Bát ăn cơm của cửa hàng em rất đẹp, chất lượng nên khách mua đông lắm. Từ sáng đến giờ em bán được cả mấy trăm chiếc rồi đấy. Có cả khách tây mua mang về”.Chúng tôi rời khu chợ gốm khi chiều đã xế bóng, nhưng lượng khách vào, ra xem và mua sắm hàng vẫn khá đông. Hòa chung với niềm vui, sự phấn khởi của các chủ lò, chủ hàng nơi đây, lòng chúng tôi ai nấy cũng lâng lâng, bởi khi mà khách đông, hàng tiêu thụ nhiều thì cũng đồng nghĩa với người tiêu dùng đã đặt niềm tin vào sản phẩm và thương hiệu gốm Bát Tràng. Đó là dấu hiệu tốt đẹp cho sự phồn thịnh của làng nghề. 

Làng nghề ngày càng khang trang nhờ thương hiệu gốm Bát Tràng

Nguyễn Hưng- Trịnh Hiệp/ Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
7 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh