THỨ BA, NGÀY 17 THÁNG 09 NĂM 2024 02:30

Truyền nhân đời thứ 18 ở làng gốm Bát Tràng

Nghệ nhân Trần Độ và bình gốm tráng men nâu vừa ra lò.

Chứng nhân của làng gốm

Ở Bát Tràng bây giờ, không khó để tìm gia đình nào đó đã dăm ba đời làm gốm. Cũng không quá khó để tìm những nghệ nhân giỏi thạo việc vuốt gốm, pha men. Nhưng để tìm được gia tộc nào đó “ăn đời ở kiếp” với gốm là hiếm. Có lâu chăng nữa thì cũng chỉ vài ba, hiếm nữa là dăm đời rồi ngắt quãng đứt đoạn từ đận những năm đói kém hoặc theo những biến thiên của lịch sử.

Nhưng rồi “gạn đục khơi trong”, như người thợ gốm lọc khoáng vật sét trắng sẽ thấy một bất ngờ có thật về gia đình đã 18 đời liên tục coi nghề làm gốm là không thể thay thế. Chuyện này có nhân chứng lẫn vật chứng đủ đầy. Nhân chứng cũng là truyền nhân đời thứ 18 ấy chính là nghệ nhân Trần Độ. Còn vật chứng thì ngoài những gia phả dòng họ Trần vùng Bát Tràng, còn có những đồ gốm men ngọc cổ từ khi làng mới lập. Ông Độ bảo: “Trong gia đình tôi thì đứa trẻ mới vài ba tuổi đã biết làm gốm rồi. Tôi ngày xưa cũng thế, 10 tuổi đã làm được những sản phẩm thuộc dạng tinh xảo. Tôi là đời thứ 18 của dòng họ tham gia làm gốm chuyên nghiệp, tức coi việc làm gốm là nghề chính để kiếm sống”.

 

Gia đình ông Độ chế tác “Rùa thần” dịp Đại lễ Thăng Long - Hà Nội.

Kinh nghiệm của 17 đời kiếm cơm từ đất có lẽ đã tạo ra được tinh hoa khi đời thứ 18 là nghệ nhân Trần Độ, khi ông là tác giả của 80 món quà tặng quý giá. Đó là những sản phẩm phục cổ, giả cổ, trong đó có một chiếc bình rượu cổ triều Mạc mà Văn phòng Chính phủ đặt làm quà lưu niệm cho các nguyên thủ quốc gia tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM5 tổ chức tại Hà Nội tháng 10/2004. Một năm sau đó, ông là người duy nhất được chọn thực hiện lô hàng đặc biệt gồm 219 món đồ gốm, với gần 10 loại sản phẩm phục chế theo nguyên mẫu còn lưu giữ trong sách cổ và mẫu lưu tại Bảo tàng Nghệ thuật, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Những kiệt tác này sau đó đã theo chân Thủ tướng Phan Văn Khải sang Hoa Kỳ, Canada làm quà cho các chính khách nước sở tại.

Giờ thì những tuyệt phẩm tinh hoa gốm mà Trần Độ phục chế hoặc làm ra đã có mặt trên khắp thế giới. Nhưng ông Độ bảo rằng: “Mình không dám tự hào cho mình mà đó là hoa thơm trái ngọt từ “cây nghề” mà tổ tiên dân làng Bát Tràng đã vun đắp hàng trăm năm qua”.

Góc gốm cổ mới được phục chế.

 

Gốm thời vang bóng

Theo nghệ nhân Trần Độ và các cao niên làng Bát Tràng, tuy thời nay gốm làng được tiếng và trông bề ngoài cũng có vẻ thịnh vượng, nhưng chưa phải là huy hoàng nhất. Với lịch sử hơn 500 năm hình thành và phát triển, trải qua những biến thiên lịch sử, nhưng gốm Bát Tràng dường như không thể lụi tàn, dù có những lúc như sống thoi thóp. Các cao niên cho rằng, gốm Bát Tràng huy hoàng nhất là vào thế kỷ từ 15 đến 17. Lúc này, đồ gốm lên ngôi, từ dân thường đến triều đình đều chuộng gốm. Những tuyệt phẩm mà thời nay còn tìm lại được như chiếc đỉnh tráng men trang trí đắp nổi rồng và nghê do thợ làng chế tác năm 1736, thời Cảnh Hưng.

Thảng hoặc thời Cảnh Hưng, thợ làng còn làm được gốm hình hổ tráng men nâu cách điệu mà cho đến nay, vẫn được coi là một tuyệt tác ở cả 2 khía cạnh: Dáng và da. Nghệ nhân Trần Độ cho rằng: “Với gốm, thì bao giờ cũng thế, nhất dáng nhì da, tức dáng của sản phẩm và chất men của nó. Người Bát Tràng luôn chú ý về hai yếu tố này nên sản phẩm luôn được ưa chuộng”.

Chiếc đỉnh men xanh ngọc tinh xảo.

Trong hàng vạn sản phẩm gốm cổ mà người ta lưu giữ lại được, có không ít kiệt tác là do dòng họ Trần ở Bát Tràng làm ra. Chính những lưu luyến về một thời vang bóng của tổ tiên mình mà ông Độ đã đi sâu vào việc phục chế hoặc chế tác những sản phẩm xưa cũ. Nghệ nhân Trần Độ cho biết: “Qua những sản phẩm này, tôi thấy được cha ông mình đã kiếm cơm từ đất vất vả thế nào. Lại còn thấy rõ tính thẩm mỹ và sự sáng tạo tuyệt vời của người xưa. Bây giờ nói thật, để sáng tạo được như các cụ là không đơn giản”.

“Bí quyết không phải là ngoa”

Bàn về nghề cổ nói chung, nghề làm gốm nói riêng, nhiều người cứ nhắc tới bí quyết. Chẳng biết có bí quyết thật hay chỉ là nói quá để tôn vinh một nghề nghiệp nào đó, nhưng với nghệ nhân Trần Độ thì: “Bí quyết không phải là ngoa, nó là thứ có thật và được đúc rút từ nhiều đời”.

Ông Độ bảo, sau 18 đời làm gốm, gia đình ông mới nắm giữ được 70 bài men cổ, như men ngọc, men lam, men nâu, men rạn... Với các loại men này, nghệ nhân xưa đã làm ra những sản phẩm nổi tiếng cung đình. Ông Độ nhẩm tính, với 18 đời lầm lũi với đất thì mỗi đời cũng chỉ tích cóp cho mình được gần 4 loại men được gọi là bí quyết gia truyền mà thôi.

Để sáng tạo thêm, Trần Độ chọn cho mình một lối đi riêng, không hề đơn giản là tìm tòi phục chế những hình khối, màu men cổ. Đến nay, trong gia tài 70 bài men cổ, ông lại sáng tạo bóc tách ra những màu riêng biệt. Men ngọc chẳng hạn, ông có tới mười hai công thức khác nhau để tạo ra 12 biến tấu của loại men này.  Rồi men lam, men rau, men rạn, men đá, men chảy, men nâu, men đen. Trong số đó, men nâu trầm bóng là thứ chưa từng có ở Bát Tràng. Ông Độ đã dùng những bài men đó phục chế hàng trăm sản phẩm gốm cổ từ thời Lý - Trần - Lê mà hoa văn cổ xưa vẫn nổi trên màu men mới đầy thanh thoát.

Ông Độ khoe: “Hơn 50 hiện vật tôi phục chế đều đã cung tiến cho Ban Quản lý di tích Đền Hùng ở Phú Thọ, đền Đô  ở Bắc Ninh, đền Cổ Loa, khu di tích vua Lê, và Trung tâm Hoạt động Văn hoá - Khoa học Văn Miếu. Các hiện vật này là những tuyệt phẩm của “dáng và da” mà người Bát Tràng làm ra”. 

 

- Theo nghệ nhân Trần Độ: “Men không chỉ được tạo ra từ sự miệt mài, mà còn được chắt ra từ máu và nước mắt. Màu men được chắp nối từ những ý tưởng chập chờn lúc tỉnh, lúc mơ, như một thứ sắc màu của ảo ảnh. Đó là một thứ ngôn ngữ trần tục đấy mà thoát tục, rõ là sắc màu của đời thường mà cũng chập chờn như cõi hư vô”.

- Ông Đào Xuân Hùng, Chủ tịch UBND xã Bát Tràng cho biết: “Vì là một làng nghề cổ xưa và nổi tiếng bậc nhất nên Bát Tràng cũng mang nhiều gánh nặng. Ngoài những sản phẩm gốm để chứng minh sự khéo léo của người làng nghề thì vấn đề môi trường cũng đáng quan ngại. Vừa rồi, chúng tôi đã ứng dụng lò ga nung gốm để đảm bảo cho môi trường không bị ô nhiễm”.

THANH NGỌC-KIỀU TRANG/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh