THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:09

Cuộc thảm sát tại Pháo đài Đồng Đăng: Ký ức người trở về

Những người trở về từ cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc

Đã 40 năm trôi qua, thời gian đủ để làm thay đổi cả đời người, khiến cho người ta có thể lãng quên đi mọi thứ, nhưng đối với cựu binh Nguyễn Duy Thực, cái ký ức đau thương ẩn sau đằng đẵng trong cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc ấy cứ đeo bám ông day dắt mãi không thôi.

Nằm lọt thỏm trong một con ngõ thuộc tổ 8, phường Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội, nơi nổi tiếng với làng nghề nuôi rắn Lệ Mật, so với thời gian khó mấy chục năm hồi còn trong quân ngũ, cuộc sống giờ đây của gia đình ông Thực đã khá hơn nhiều, chỉ có con người là ngày càng già đi vì tuổi tác, vì thời gian.

Cựu binh Nguyễn Duy Thực

Thế nhưng, mỗi khi nhắc đến cuộc chiến đấu vỏn vẹn 5 ngày tại pháo đài Đồng Đăng là mỗi lần ký ức đó lại ùa về. Ông Thực nhớ lại, năm 1978 tròn 18 tuổi,  vừa mới học xong cấp 2, cũng như bao đứa bạn cùng trang lứa, ông rời thủ đô lên đường nhập ngũ để bảo vệ tổ quốc.

Thời gian đầu gia nhập quân ngũ, tân binh Nguyễn Duy Thực được huấn luyện gần 3 tháng tại Lục Ngạn, Bắc Giang. Cuối năm 1978, Trung Quốc đã rục rịch gây chiến, đơn vị của ông được lệnh tập trung ở Lạng Sơn thuộc đơn vị C19 vận tải, trực thuộc Trung đoàn E141. Không lâu sau đó thì đơn vị ông chuyển về thị trấn Đồng Đăng thuộc Đại đội 42, Trung đoàn 4, Sư đoàn 3, được giao đóng quân tại pháo đài Đồng Đăng. Thời gian này cũng là lúc phía Trung Quốc có nhiều động thái chính trị, quân sự rõ ràng, khi một mặt tăng cường quan hệ với Mỹ, vốn là kẻ thù không đội trời chung, một mặt tăng cường hàng loạt các hoạt động khiêu khích, âm thầm chuẩn bị tấn công nước láng giềng anh em Việt Nam.

Ông Thực nhớ lại, thời gian mấy ngày đầu, lúc mới hành quân lên biên giới, anh em trong đơn vị chia nhau đào công sự, trấn giữ các điểm cao. Tuy nhiên, lán trại mới được dựng lên đắp bằng bùn đất trát còn chưa khô, được có mấy ngày thì Trung Quốc đã huy động hàng chục vạn quân tấn công xâm lược nước ta.

Bộ đội ta chiến đấu tại lạng Sơn (ảnh tư liệu)

Rạng sáng ngày 17/2/1979, đúng 4h30 phút, quân Trung Quốc nã đạn pháo vào Lạng Sơn, sau đó cho quân ồ ạt tràn qua biên giới. Lúc đó mọi người báo nhau “Trung Quốc” đánh rồi. Không ai bảo ai, tất cả chạy vào kho quân khí, mỗi người cầm 1 khẩu súng chạy lên các chốt phòng thủ. Do đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước với quân số rất đông nên chỉ trong thời gian ngắn, quân Trung Quốc rầm rộ tiến vào Đồng Đăng. Chỉ mấy tiếng sau, hàng chục nghìn lính Trung Quốc của các quân đoàn 43, 55 chia làm nhiều mũi đánh vào các huyện Đình Lập, Lộc Bình, Văn Lãng và thị trấn Đồng Đăng với sự yểm trợ của nhiều xe tăng, hỏa lực pháo binh...

Với chiến thuật biển người, đánh úp bất ngờ, quân Trung Quốc đã chiếm được nhiều chốt phòng thủ của ta và nhanh chóng tiến về Thị trấn Đồng Đăng, chúng đốt sạch, giết sạch những gì trông thấy trên đường tấn công. Do bị động, lực lượng mỏng, đơn vị ông cùng Đại đội 5 công an vũ trang Lạng Sơn được lệnh rút lên pháo đài, sẵn sàng chiến đấu. Hàng trăm người dân ở thị trấn cũng lên pháo đài Đồng Đăng trú ẩn. Đến tối, chỉ pháo đài Đồng Đăng vẫn còn kiên cường chiến đấu, còn toàn bộ thị trấn đã bị chiếm.

 

Tội ác kinh hoàng

Nằm cách biên giới gần hai cây số, pháo đài Đồng Đăng có ba tầng, được xây dựng từ thời Pháp nên rất kiên cố. Quân Trung Quốc sử dụng rất nhiều xe tăng và các loại phương tiện khác tấn công, theo sau là hàng vạn  bộ binh đi theo sau đã nhanh chóng áp đảo hai đơn vị chưa đến 300 người chỉ có súng AK, CKC, đại liên, B40... chống trả quyết liệt. “Các loại vũ khí chúng tôi sử dụng, bắn đến đỏ cả nòng mà cũng không thể chặn được chiến thuật biển người của quân Trung Quốc” - ông Thực kể.

Ông Nguyễn Duy Thực cùng đồng đội thắp hương tưởng nhớ các đồng đội và người dân đã hy sinh tại Pháo đài Đồng Đăng

Trong ngày đầu chiến đấu, quân ta loại khỏi vòng chiến đấu một xe tăng địch. Tuy nhiên, với lực lượng ít ỏi, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Quân Trung Quốc bao vây bắn pháo kích, dọn đường cho xe tăng áp sát, siết chặt vòng vây pháo đài, ném lựu đạn, bắn xối xả vào bên trong.

Giằng co suốt năm ngày, đến 4h ngày 21/2, Trung Quốc nã pháo dữ dội khiến nhiều chiến sĩ hy sinh. Bị lính Trung Quốc bao vây và tấn công dồn dập, liên tục kêu gọi đầu hàng, nhưng đáp lại chỉ là những tiếng súng của các chiến sĩ bắn ra. Dụ hàng không được, cũng không dám lại gần, chúng tức tối ném lựu đạn và bộc phá đánh sập cả lối ra vào pháo đài.

Kêu gọi đầu hàng không thành, địch cài thuốc nổ vào cửa làm sập nhiều ụ pháo, thả lựu đạn cay qua các lỗ thông hơi, đổ xăng và dùng súng phun lửa phun vào ngách hầm của pháo đài. Hàng trăm dân thường và chiến sĩ thiệt mạng, chỉ sáu người sống sót.

ÔnghThức gặp lại những người dân địa phương đã bao bọc, chở che ông và các đồng đội trong những ngày còn chiến đấu trong niềm vui khôn xiết

Tầng 1 pháo đài bị phá hủy, sáu người sống sót chạy xuống tầng 2, rồi tầng 3, đào đường hầm thoát ra. Tối ngày thứ 5 hôm đó, lính Trung Quốc khoan thủng tầng 3 của pháo đài, ném lựu đạn, bơm hơi độc qua lỗ khoan rồi dùng bộc phá đánh sập hoàn toàn tầng 3 pháo đài. Một, rồi hai tiếng nổ inh tai, chói óc vang lên khiến gần như toàn bộ mọi người trong pháo đài bị giết chết ngay tức thì. Tiếng kêu thất thanh đau đớn của trẻ em, phụ nữ trong tuyệt vọng. Ông Thực bị sức ép bất tỉnh.

Khoảng 400 người trong pháo đài bị giết sạch, bao gồm bộ đội, thương binh lẫn nhân dân ẩn náu trong đó. Lúc tỉnh dậy, ông thấy quanh mình xác người la liệt. Chỉ 3 người sống sót. Tường bê tông dày lộ ra một lối đi nhỏ, ông cùng hai đồng chí theo lối đi đó thoát ra ngoài.

Bị thương nặng, sau đi thoát ra và được đưa về trạm xá chữa trị. hai tháng sau ông mới được ra viện, được đơn vị lên đón về. Trên đường đi, chứng kiến cảnh tượng tan hoang, đổ nát đã khiến ông bị sốc nặng.

Cảnh tan hoang, đổ nát tại Lạng Sơn sau khi bị Trung Quốc đánh phá (ảnh tư liệu)

Thời điểm ngày 5/3/1979, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng phát lệnh tổng động viên toàn quốc... Và cũng đúng hôm đó, những kẻ xâm lược phương bắc tuyên bố rút quân về nước, đồng nghĩa với chiến tranh kết thúc, Lúc đó trên khuôn mặt ai cũng khóc vì vui mừng.

Lớn lên trong thời chiến, tưởng chừng bom đạn chiến tranh đã làm cho người trai trẻ năm nào đã quen dần với tiếng bom đạn, chết chóc. Thế nhưng trong cuộc chiến đấu ngắn ngủi 5 ngày tại Pháo đài Đồng Đăng là những ký ức lịch sử mà cuộc đời ông, có lẽ đến lúc nhắm mắt xuôi tay cũng không thể nào quên.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh