Cuộc sống mới của người Mã Liềng
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 21:42 - 07/04/2016
Bản Kè đã sáng lối đi
Cánh đây chừng 1 năm, muốn vào được bản Kè, xã miền núi rẻo cao Lâm Hóa, huyện Tuyên Hoá, chúng tôi buộc phải đi trên một chuyến đò tròng trành ngang qua một khúc sông chảy xiết phía thượng nguồn sông Gianh. Chỉ một lần đi đã thấy rờn rợn, ấy vậy mà suốt bao đời nay, người Mã Liềng nơi đây hàng ngày vẫn phải đi trên những chuyến đò như thế để giao thương với bên ngoài.
Vào mùa mưa lũ, con em đồng bào buộc phải nghỉ học, người dân phải ngừng giao thương với bên ngoài, vì nước lũ chảy xiết. Chua xót hơn, nếu dân bản có ai ốm đau nặng đúng vào lúc nước sông chảy xiết thì coi như tính mạng đều..."nhờ trời".
Tìm đến bản Kè những ngày đầu năm 2016, dẫn chúng tôi chạy xe máy bon bon trên chiếc cầu treo dân sinh mới toanh bắc qua khúc sông Gianh để vào bản, Bí thư Đảng uỷ xã Lâm Hóa Nguyễn Tư Thoan phấn khởi khoe ngay: Thấu hiểu nổi cơ cực của bà con, được sự quan tâm của cấp trên, cuối năm 2015, công trình cầu treo bản Kè đã chính thức đưa vào sử dụng sau gần 1 năm thi công.
Đây là 1 trong những chiếc cầu treo của tỉnh nằm trong Đề án 186 cầu treo dân sinh giai đoạn 1, do Bộ GTVT triển khai từ năm 2014. Vốn đầu tư mỗi cầu treo như thế này khoảng 7 tỷ đồng, do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Có cầu mới, người dân trong bản bây giờ mua sắm xe máy nhiều lắm, con em trong bản cũng đến trường học chữ đều đặn hơn, người dân ra vào giao thương với dân bản ngày một đông đúc hơn...
Khoảng chục năm trước, đây là một bản nổi tiếng lắm "không" ở xã Lâm Hóa (không: điện, đường, trường, trạm, nhà kiên cố, chợ...). Nhưng diện mạo của bản Kè nay đã khác rồi, hiện 100% người Mã Liềng ở bản Kè đã định canh định cư, tự lao động sản xuất để bảo đảm đủ ăn khoảng 9 tháng trong năm.
Cầu treo dân sinh bản Kè, xã Lâm Hóa vừa mới đưa vào sử dụng cách đây vài tháng.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các chương trình dự án, hiện hầu hết người Mã Liềng nơi đây đã được dựng nhà kiên cố, điện lưới quốc gia kéo về tận hộ gia đình, có công trình nước sạch, lớp học, sân bóng chuyền, nhà văn hoá cộng đồng...
Ban đêm, nhà nhà đều sáng trưng ánh điện, qua lại trò chuyện với nhau dễ dàng hơn trước nhiều. Nói chung, so với trước đây thì đời sống của người Mã Liềng tại bản Kè đã có bước chuyển đáng kể.
Cao Dụng, Trưởng bản Kè, xã Lâm Hoá vui mừng kể thêm: Toàn bản hiện có 51 hộ, 214 nhân khẩu. Bà con trong bản hiện đã sản xuất được khoảng 1,5 ha lúa nước 2 vụ trong năm; khai hoang được hơn 5,5 ha đất màu để đưa vào trồng ngô, lạc, đậu các loại.biệt, người Mã Liềng ở bản Kè đang nhận giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên lên tới hàng chục ha.
Năm 2015, cả bản đã xây dựng được một vườn ươm cây lâm nghiệp, nhờ đó mà đã trồng xen được trên 1 vạn cây vàng tim mỡ vào những diện tích rừng thưa, rừng nghèo kiệt. Hiện bà con đang ươm thêm 2 vạn cây huê đỏ, ba kích để tiếp tục trồng xen vào những diện tích rừng nghèo. Nay mai, rừng chính là "cần câu" để giúp người Mã Liềng bứt phá...
Tiếng kẻng "3 trong 1" phía thượng nguồn. Trời xế trưa, từ bản Kè men theo đường mòn Hồ Chí Minh nhánh Tây để qua bản Chuối và Cáo, chúng tôi đột nhiên nghe một hồi kẻng kéo dài ở phía thượng nguồn sông Gianh vọng quanh các vách núi dựng đứng.
Thấy chúng tôi "mắt tròn mắt dẹt" tò mò, Bí thư Thoan nhanh miệng giải thích: Các chú ở thành phố đã quá quen thuộc với những tiếng kẻng của nhà máy, công xưởng, trường học... Ở đây rừng núi thâm u, vắng bóng người, không có công xưởng, nhà máy đâu..., đó chính là tiếng kẻng "3 trong 1" của người Mã Liềng đó...
Bí thư Thoan kể tiếp: Mô hình tiếng kẻng "3 trong 1" được xã Lâm Hoá xây dựng từ năm 2012, áp dụng thí điểm ở 3 bản Kè, Cáo, Chuối. Ban an ninh của mỗi bản chịu trách nhiệm quản lý, thực thi mô hình này. Thành viên của mỗi ban bao gồm: bí thư chi bộ, trưởng bản, công an viên, các chi hội trưởng cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ, thanh niên...
Mục đích ban đầu của những tiếng kẻng này đó là nhắc nhở bà con trong bản vào ban đêm đi ngủ đúng giờ để ngày mai có sức khoẻ mà lao động trên nương, rẫy; không uống rượu khuya kẻo sinh ra gây gổ đánh nhau, mất đoàn kết, ảnh hưởng tới giờ giấc của gia đình khác; học sinh ngồi vào bàn học bài đúng giờ...
Từ khi có mô hình này, tình hình an ninh trật tự ở 3 bản nói trên tốt hẳn lên, tệ nạn uống rượu say và gây gổ đánh nhau giảm đáng kể, con em các bản học hành tiến bộ hẳn ra. Bằng chứng dễ nhận thấy nhất, đó là nhiều gia đình của người Mã Liềng trong xã đã có con em học đến cao đẳng, đại học.
Anh Cao Văn Nam, công an viên bản Kè chia sẻ thêm, tiếng kẻng "3 trong 1" đã có tác dụng vượt ngoài sự mong đợi của bản. Thực tế, chỉ cần một hồi kẻng vang lên, người dân ở bản có thể ngầm hiểu được đó là nhắc nhở mọi người đi ngủ sớm, không uống rượu khuya, không gây gổ đánh nhau, không ồn ào để con em tập trung học bài; hoặc khi có người lạ vào quấy rối ở bản, nhắc nhở mọi người đi họp bản đúng giờ, có xảy ra cháy rừng, có liên hoan văn hoá, văn nghệ, báo hiệu nhà nào đó trong bản có người ốm đau cần giúp đỡ...
Tại bản Kè, vào ban đêm khi có hồi kẻng đánh lên thì Ban an ninh bắt đầu cử người đi tuần tra, kiểm tra. Những hộ nào có người vi phạm thì bị xử lý theo quy ước, hương ước của bản. Trước đây, đã có nhiều trường hợp người dân trong bản bị Ban an ninh xử phạt bằng tiền (giá trị từ 50 đến 150 nghìn đồng) hoặc phải chặt cọc rào về rào lại khuôn viên nhà văn hoá cộng đồng, điểm trường học đóng ở bản.
Nghiêm khắc hơn, có trường hợp một anh tên là Cao T. tái phạm uống rượu say, hay gây gổ đánh nhau, đã bị Ban an ninh ngoài việc phạt tiền còn bắt viết bản kiểm điểm để đọc trên loa cho toàn dân bản nghe. Vì thế anh T. tự thấy xấu hổ với bà con mà giảm uống rượu hẳn, sống tốt hơn. Nhìn chung, mô hình này rất được người trong bản hưởng ứng, chấp hành nghiêm túc...
Vẫn còn khá nhiều câu chuyện về sự khởi sắc của người Mã Liềng tại 3 bản Kè, Chuối, Cáo mà chúng tôi không kể ra hết được trong phạm vi bài viết này. Xin được trích vài lời tâm sự của Phạm Hành, Trưởng bản Chuối, xã Lâm Hóa: Nếu không nhận được sự quan tâm tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, chắc người Mã Liềng còn lâu mới có được kết quả như ngày hôm nay.
Cánh đây chừng vài năm, cứ sau Tết cổ truyền được vài hôm thì dân trong bản lại rơi vào cảnh thiếu lương thực khá nghiêm trọng. Tết cổ truyền 2016, nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh, huyện, xã và các nhà hảo tâm, mỗi khẩu trong bản đều có 15 kg gạo, 2 kg gạo nếp, 0,9 kg thịt để ăn... Nói chung, đời sống người Mã Liềng nay đã ổn định hơn trước nhiều.