THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 08:29

Cuộc đời liệt sĩ trong cuốn nhật ký trở về từ nước Mỹ

 

Phòng sưu tầm của Bảo tàng lịch sử quân sự vừa có thêm cuốn nhật ký nhỏ bé mới trở về từ nước Mỹ - di vật do lính Mỹ chiếm giữ sau trận đánh ở chiến trường miền Nam. Người cựu binh ấy cất giữ trong nhiều năm mới quyết định giao trả về cho Việt Nam thông qua con đường ngoại giao. 

Trong chuyến thăm cuối tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã trao lại cho Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cuốn nhật ký với mong muốn kỷ vật này sẽ được trả về cho gia đình của người lính Việt. Ông nói: "Mỹ sẽ tiếp tục hàn gắn lại những vết thương chiến tranh". 

 

Cuốn nhật ký trở về từ nước Mỹ. Ảnh: Hoàng Phương.

 

Gọi là nhật ký nhưng cuốn sổ chỉ nằm lọt trong lòng bàn tay, vài trang giữa có vệt máu loang lổ thấm lên những dòng thơ. Cuốn nhật ký không nhắc nhiều đến bom đạn, những hy sinh khốc liệt hay hoài bão của một người trai đi chiến trận mà chủ yếu là hoa, là trăng, là những dòng thơ tâm sự ngọt ngào với người con gái được gọi là "em": Xa em anh chẳng có quên/ Xa em anh lại có trăng bên rồi/ Nhìn trăng anh thấy bồi hồi/ Nhìn trăng anh tưởng lúc ngồi bên em. 

Những trang giấy thấm máu bắt đầu ố vàng nhưng vẫn đọc được thông tin như "Nguyễn Văn Nam, Xuân Trường, Minh Nghĩa, Nông Cống, Thanh Hóa… Mến gửi em Hà Thị Rốt, trường Trung cấp nông nghiệp Hậu Lộc; Phạm Thị Lịch, giáo viên trường trung cấp 1, Minh Nghĩa, Nông Cống, Thanh Hóa". 

Thiếu tá Vũ Văn An, thuộc phòng Sưu tầm cho biết, căn cứ vào những thông tin này, cán bộ bảo tàng liên hệ với nhiều đơn vị, tìm nhân chứng giúp kết nối với địa chỉ được ghi trong nhật ký để tìm thân nhân. "Chúng tôi đã liên hệ với gia đình để khớp thông tin và xác nhận cuốn nhật ký trên của liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, quê thôn Xuân Trường, xã Minh Nghĩa, Nông Cống, Thanh Hóa. Liệt sĩ Nam hy sinh trong một trận đánh tại tỉnh Kiến Tường (một tỉnh cũ của miền Tây Nam Bộ) vào năm 1972, đến nay chưa tìm được mộ chí. Gia đình đã xác nhận nét chữ trong cuốn nhật ký trùng với chữ của liệt sĩ Nam", thiếu tá An cho biết và thông tin, thời gian tới, bảo tàng sẽ để gia đình tiếp cận trực tiếp với cuốn nhật ký để xác minh thêm một lần nữa rồi đưa ra trưng bày tại thời điểm phù hợp.

Với thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Nam, không gì bất ngờ, xúc động bằng việc biết được cuốn nhật ký từ nửa vòng trái đất xa xôi lại là di vật của anh. Trong ngôi nhà ông Nguyễn Văn Chinh ở thôn Thanh Minh, xã Minh Nghĩa (huyện Nông Cống, Thanh Hóa), người thân ngồi quây quần bên nhau, nói về cuốn nhật ký và nhắc lại những kỷ niệm về liệt sĩ Nam.Ông Chinh bảo liệt sĩ Nam hy sinh đã 43 năm. Gia đình không nghĩ sẽ có ngày được nhìn thấy kỷ vật của anh.

Ông Chinh bên di ảnh liệt sĩ Nguyễn Văn Nam. Ảnh: Lê Hoàng.

 

"Nét chữ trong cuốn nhật ký giống với nét chữ của người cha quá cố và người em út trong nhà. Những tên đất, tên làng như Minh Tiền, Minh Trường, Minh Nghĩa cũng không lẫn vào đâu được. Tên người được nhắc đến trong cuốn nhật ký như cô Phạm Thị Lịch, cô Hà Thị Rốt là hai người con gái từng sinh sống trong nhà và là hàng xóm với chúng tôi thuở xưa", ông Chinh khẳng định. 

Ông cho hay, người phụ nữ có tên Phạm Thị Lịch là cô giáo tiểu học người xã Trung Thành, huyện Nông Cống. Cô từng ở trọ hơn một năm trong căn nhà của bố mẹ liệt sĩ Nam để dạy học cho con em Minh Nghĩa. Còn Hà Thị Rốt là cô gái làng bên, ở "gần nhà nhưng xa ngõ", thời thanh niên hay được gán ghép với anh Nam. Chiến tranh kết thúc, hai người con gái trên đều lập gia đình và có cuộc sống riêng nên cũng không còn liên lạc với gia đình ông Chinh. 

Thông tin gia đình cho biết, liệt sĩ Nguyễn Văn Nam sinh năm 1952, là con thứ trong gia đình có 6 người con. Anh nhập ngũ khi chưa tròn 18 tuổi. Ngày chiến sĩ trẻ tòng quân, dân làng tiễn đưa rất đông. "Anh tôi khoác chiếc ba lô trên vai, trên người choàng thêm lá cờ đỏ sao vàng. Đoàn quân hô vang hai từ quyết thắng lúc rời làng", người em ruột tên Nguyễn Hữu Cần hồi tưởng. Trong ký ức của ông, anh Nam cao to, đẹp trai nhất nhà, hát hay, thổi sáo giỏi nên khá nhiều cô gái thầm mến. Hồi ông Cần còn bé hay được anh cõng đi chơi, dạy viết chữ. 

Sau thời gian huấn luyện ở huyện Ngọc Lặc, anh Nam về thăm nhà một lần duy nhất rồi hành quân vào chiến trường miền Nam, chiến đấu ở khu vực Tây Nam Bộ. Những năm chiến tranh, gia đình hầu như không nhận được thư từ chiến trận gửi về. 

Đất nước thống nhất, gia đình chờ đợi nhưng anh Nam không về. Người thân dò hỏi khắp nơi đều không có tin tức. Đầu năm 1976, gia đình nhận được giấy báo tử. Theo thông tin trên giấy báo tử, liệt sĩ Nguyễn Văn Nam hy sinh ngày 13/4/1972, an táng tại Kinh Dương, Kiến Bình (Kiến Tường cũ).

"Gia đình tôi nhận hai tờ giấy báo tử cùng một lúc. Ngoài anh Nam còn có anh cả là liệt sĩ Nguyễn Văn Việt cũng hy sinh trong chiến trường phía Nam. Cầm trên tay hai tờ giấy báo tử, mẹ tôi như tê dại đi, ngất lên ngất xuống gọi tên con đến khàn cả giọng, lũ em như chúng tôi chỉ biết khóc thương các anh", ông Chinh nhớ lại.

 

Gia đình so sánh nét chữ trong cuốn nhật ký với những bức thư liệt sĩ Nam từng gửi về. Ảnh: Lê Hoàng.

 

Gia đình ông Chinh nhiều lần tổ chức đi tìm nhưng chưa thấy hài cốt liệt sĩ Nam. Cách đây ít năm, họ tìm thấy một ngôi mộ có lý lịch giống mô tả về liệt sĩ nhưng khi trở lại thì đã có một gia đình ở Hải Dương nhận là thân nhân. Giờ đây, gia đình ông vẫn mong mỏi tìm lại hài cốt người thân để người còn sống được thanh thản. 

Sinh thời, cha mẹ liệt sĩ không khi nào nguôi ngoai nỗi nhớ hai con trai ngã xuống. Trước khi mất, cụ Nguyễn Văn Tài đã lập một ngôi mộ gió chung cho cả hai người con. Cụ bà Lê Thị Cưu, mẹ liệt sĩ Nam trút hơi thở cuối cùng đúng ngày 1/6, ngày cuốn nhật ký được trao lại cho người Việt. 

"Một sự trùng hợp khó lý giải nhưng rất đặc biệt", ông Chinh nói và bày tỏ nguyện vọng của gia đình là sớm được nhận cuốn nhật ký về quê, làm lễ thắp hương trên bàn thờ theo tín ngưỡng tâm linh rồi sẽ trao lại cho Bảo tàng lịch sử quân sự.

Ông Lường Khắc Nam, Chủ tịch UBND xã Minh Nghĩa cho biết, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địa phương có 133 liệt sĩ. Trước thông tin về cuốn nhật ký, ông Nam cho hay, chính quyền cũng rất bất ngờ và xúc động bởi kỷ vật đã thất lạc quá lâu. "Cần có một cuộc rà soát, trao đổi thông tin từ các phía để gia đình yên tâm và cũng được an ủi phần nào", ông Nam nói.

Video liệt sỹ Nguyễn Văn Nam qua lời kể của người thân:


Theo Vnexpress.net

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh