CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:27

Cuộc đời kỳ dị của tu sĩ có gương mặt giống... Obama

Được miễn phí cơm chay vì giống...Obama

Tôi quen Nguyễn Đức Vân đã nhiều năm, nên thỉnh thoảng lại bấm máy chụp Vân một vài kiểu chân dung. Bữa nọ, Vân điện thoại cho tôi và nói: “Chú cho cháu xin mấy tấm chân dung mà trước nay chú chụp cho cháu ấy!”. Tôi hỏi: “Để làm gì vậy?”. Vân tiết lộ: “Để cháu xem lại “cái mặt” cháu nó thế nào. Vì có người bảo rằng cháu giống ông tổng thống Mỹ Barack Obama “như hai giọt nước” nhưng cháu chưa tin lắm!”. Lục tìm những bức chân dung chụp Vân, tôi thực sự giật mình vì quả là anh bạn trẻ là đại đức này có nhiều nét rất giống với ông tổng thống ở bên kia bán cầu.

Nhà thơ Nguyễn Đức Vân bên đồi sim Phương Bối. 

Vân kể: “Chuyện là thế này, hôm ấy, cháu xuống Sài Gòn có chuyện. Cháu tìm gặp nhà báo Trần Văn Thưởng và hai anh em cùng vào quán cơm chay. Trong lúc hai anh em đang vừa ăn vừa nói chuyện thì chị chủ quán cơm chay đi ngang qua rồi khựng lại và nhìn vào mặt cháu với cặp mắt mở to. Mãi sau, chị ấy bảo: “Càng nhìn thầy càng thấy giống ông Obama đang tranh cử tổng thống nước Mỹ!”. Ngay lúc đó, nhà báo Trần Văn Thưởng rút máy ảnh ra chụp lia lịa. Rồi, Thưởng đưa laptop ra đổ hình vào, rồi “xợt” trên google hình ông Barack Obama về để so sánh...”. Sau đó, nhà báo Trần Văn Thưởng đã viết một bài báo về sự giống nhau thú vị giữa ông tổng thống bên kia bán cầu với nhà sư Thích Giới Lực. Bài báo có đăng ảnh của tổng thống Barack Obama và dĩ nhiên là đăng cả ảnh nhà sư Thích Giới Lực để... tiện so sánh. Sau bài báo của Thưởng, nhà sư “giống tổng thống Obama” bỗng trở nên nổi tiếng. “Sau đó, có lần cháu về Sài Gòn thì bị mấy nhà báo “vây” để chụp hình và khai thác thông tin. Vào quán cơm chay, không những được mấy nhà báo đề nghị được trả tiền mà còn được chủ quán “miễn phí” vì giống ông tổng thống ở đâu xa lắc xa lơ nào ấy”.

Thời gian gần đây, các quán cơm chay và cả một số quán cà phê ở Sài Gòn đã phóng to ảnh của nhà sư Thích Giới Lực cùng ảnh của tổng thống Barack Obama để quảng cáo cho hàng quán của mình. Vân cười: “Chú biết không, thời gian gần đây, khi về Sài Gòn vào những quán cơm chay đó, cháu không phải trả tiền cơm đâu! Hơn nữa, nhân dịp đó, mấy chủ hàng cơm được lợi lắm: Nhiều người khách cứ muốn vào quán để “xem tận mặt” ông Obama của Việt Nam. Kể cũng thú vị thật!”. Vân kể với tôi rằng, có một cô ca sỹ khá nổi tiếng ở Sài Gòn lên tận Phương Bối am để làm quen với nhà sư “Obama”. Rồi sau đó, biết thầy Vân chuẩn bị làm CD những ca khúc của riêng mình, cô ca sỹ ấy tình nguyện hát miễn phí cho thầy Vân đến mấy bài. Cô ấy bảo: “Đọc báo, xem hình, thấy thầy giống hệt tổng thống Obama, tôi phải tìm đường lên tận đây để được làm quen với thầy”. Rồi sau đó nữa, không chỉ riêng cô ca sỹ nọ mà còn có rất nhiều người từ Sài Gòn, miền Tây... tìm đến với Phương Bối am. Có người tìm đến vì sự hiếu kỳ, có người tìm đến chỉ để chụp chung với “tổng thống Obama” của Việt Nam một kiểu hình.

Nguyễn Đức Vân có cử chỉ khá giống với Tổng thống Barack Obama.

Về tuổi đời, Nguyễn Đức Vân ít hơn tổng thống Barack Obama một giáp, đều cầm tinh con trâu: Vân sinh năm 1973, tổng thống Obama sinh năm 1961. Vân tâm sự với tôi: “Cháu chẳng họ hàng gì với ngài tổng thống đương nhiệm của nước Mỹ nhưng chính cháu cũng không thể lý giải tại sao có sự giống nhau trùng hợp ngẫu nhiên đầy thú vị này!”.

Cuộc đời kỳ dị trên đỉnh đồi Phương Bối

Về hình thức bề ngoài, đại đức Thích Giới Lực khá giống với tổng thống Barack Obama nhưng về máu văn nghệ thì Nguyễn Đức Vân khá giống với bố mình là Nguyễn Đức Sơn. Trên đồi trăng Phương Bối, nhà thơ Nguyễn Đức Sơn viết: “Một đời bám trụ núi đồi/Một tôi đứng giữa đất trời mênh mông/Rừng cao với dáng em nằm/Cho tôi hiểu được trầm luân cõi người...”; còn Nguyễn Đức Vân thì viết: “Chiều đi lấy nước dưới đồi/Bỗng nghe con sáo nó hồi âm sang/Mùa xuân rộn những tiếng đàn/Tiếng chim tiếng suối tiếng ngàn trùng ca...”. Rồi nữa, cũng với đồi trăng Phương Bối, ngày trước nhà thơ Nguyễn Đức Sơn – bố của nhà sư Thích Giới Lực đã viết: “Mười lăm năm ấy đâu rồi/Gửi thân bạc mệnh bên trời mây bay/Lá vàng rơi lạnh chiều nay/Em hong lá cũ đốt ngày gian truân/Khói sương hồn của núi rừng/Lòng em vẫn của muôn trùng trời xanh” (Phương Bối). “Hôm xưa trên khu đồi/Tôi hay chờ trăng lên/Tôi đi như trẻ dại/Hát ca với riêng mình/...Ô kìa trăng xuống suối/Suối cuộn chở trăng theo/Ô trăng ghì suối lại/Hốt nắng ngàn bay đi” (Đồi trăng Phương Bối). Quả thật là không nên bình nhiều về thơ của hai con người ấy – hai con người, một cha và một con, đã “cảm thức” Phương Bối; nhưng, với hai tác phẩm cùng viết về nơi thâm sơn cùng cốc này cho thấy Phương Bối giữa thiên nhiên như hồng hoang ấy đã có sức huyễn hoặc rất lớn.

Đại đức Thích Giới Lực nói chuyện với học sinh về tình yêu thiên nhiên.

Trên đồi Phương Bối (tên do nhà sư Thích Nhất Hạnh đặt vài chục năm trước), hai bố con Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Đức Vân lập am tu gần nhau. Tôi được nhà sư Nguyễn Đức Vân giao cho một chiếc chìa khóa cửa “để khi nào muốn “tịnh”, chú cứ tự về Phương Bối am và mở cửa, nếu cháu đi vắng...”.

Hôm rồi, tôi lại về Phương Bối am của Vân tự mở cửa để đọc thơ của Sao trên rừng – nhà thơ Nguyễn Đức Sơn: “Tôi sẽ về đây/Một sớm thu bay/Túp lều hoang đảo/Ngày thưa giấc đầy...” và rồi lại nhớ đến mấy câu của con trai của anh – đại đức Thích Giới Lực: “Thời gian xanh lắm, xanh xanh lắm/Nắng đã lên thầm trong mắt nhau/Thời gian đau lắm, đau đau lắm/Ôi chỉ ta và ta và ta...”. Trong cuốn “Văn học miền Nam 1954 – 1973”, người ta đã giới thiệu về tác giả Sao trên rừng: “Tên thật là Nguyễn Đức Sơn, sinh ngày 18/11/1937, tại làng Dư Khánh (Thanh Hải), tỉnh Ninh Thuận (Phan Rang); chánh quán tỉnh Thừa Thiên, ăn chay trường không phải vì đạo... gì hết mà chính là do chút lòng công bình tự nhiên đối với trời đất... đã từng cộng tác với mấy tạp chí có giá trị và uy tín ở Sài Gòn...”. Cuộc sống ẩn dật của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn có lúc tưởng chừng như “được” người đời cho vào quên lãng nhưng tên tuổi của anh đã đi vào thi ca Việt Nam với những “gai góc” khó nhòa.

Nhà sư Thích Giới Lực và cố nhạc sỹ Phạm Duy tại TP Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn đã tạc tên tuổi vào nền thi ca Việt Nam còn có một cánh rừng tự trồng vài chục ha trên đồi Phương Bối, còn con trai anh, đại đức Thích Giới Lực với tục danh Nguyễn Đức Vân giống hệt Obama cũng đã “ghi dấu ấn” bằng những câu thơ, bản nhạc và đặc biệt là bằng cả một rừng sim vài ngàn gốc. Tôi lại muốn nói thêm một chút về bài thơ “Vú trời” của Nguyễn Đức Vân: “Ai sinh hai trái bằng trăng/Để cho đêm hội lên rằm như mơ/Người về giữa buổi ban sơ/Đất màu đã nhú mầm thơ sẵn rồi/Chắc trời đẻ lửa lên môi/Kẻo trong nhân loại thiệt thòi biết bao”. Rõ là không nên bình, mà chỉ là “nói thêm một chút” (để trích dẫn) về ông nhà thơ “Obama” này vậy thôi! Không chỉ tự mày mò học chữ để làm thơ (lúc nhỏ, Vân không được đến trường vì gia đình rất nghèo) mà “ông Obama Việt Nam” này còn tự mày mò để từ chỗ không biết “nốt nhạc cắn đôi” và đã trở thành một người viết ca khúc – Vân đã cho ra đời hai CD được thể hiện bởi những giọng ca khá nổi tiếng như Tạ Minh Tâm, Hồng Hạnh, Thanh Thúy, Thùy Dương... Mỗi lần viết xong một ca khúc, Vân đều điện thoại cho tôi và không hề tiếc tiền: “Chú nghe nhé! Bài này cháu viết “ba – bốn”, chú thấy hợp lý không? Cháu hát nhé...”. Tôi lắng nghe qua điện thoại và thật bất ngờ: “Tôi đi trong trăng ngày/hay tôi đang đâu đây...”. Ca khúc “Đồi trăng Phương Bối” không chỉ có cảm xúc từ đồi trăng rất thật của Phương Bối mà còn được diễn đạt với khúc thức rất chuẩn và bằng hành âm khá “nhuyễn” xuất phát tự tâm can. Đồi trăng Phương Bối của Nguyễn Đức Vân “Obama” không còn là đồi trăng cõi đời thực mà đó là đồi trăng cõi thiền khi nhà sư này mở đầu ca khúc bằng chất tự sự: “Hôm xưa trên khu đồi/tôi hay chờ trăng lên/Tôi đi như trẻ dại/hát ca với riêng mình...”.

Là người tu hành nên tất nhiên Nguyễn Đức Vân “Obama” không uống rượu. Tuy nhiên, để chiều bạn văn thơ, đại đức Thích Giới Lực vẫn ủ một bình rượu sim ngon tuyệt ngay trong Phương Bối am – rượu sim được ủ từ những quả sim do chính mình trồng. Rồi nữa, mỗi lần lên Đà Lạt, Vân không quên chiết cho tôi một chai “mời mọc”: “Sim mùa này đẹp lắm! Chú về Phương Bối nhé! Cháu sẽ đãi chú món cơm gừng Tây Tạng...”. Tất nhiên, không chỉ cơm gừng mà tôi còn rất thích ngồi “uống rượu một mình” với Nguyễn Đức Vân ở Phương Bối am để nghe anh đọc thơ và hát: “Mời em nhắm chút mật sim/Để nghe cái nắng im lìm ngân nga/Tâm tư là một mái nhà/Để tôi reo khúc cuồng ca trên đồi” (Mật sim).     

THI HOÀNG LÂM

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh