Nhà sư vận động tiền tỷ xây hàng trăm cây cầu nông thôn
- Y học 360
- 15:02 - 29/05/2015
Thượng tọa Thích Minh Hạnh trong ngày khánh thành cầu nông thôn.
Thượng tọa Thích Minh Hạnh, trụ trì chùa Thiên Thới, ở xã vùng sâu Thới An Hội, (huyện Kế Sách, Sóc Trăng) luôn được nhiều người biết đến bởi việc làm từ thiện vô cùng ý nghĩa và đầy thiết thực. Trong đó, phải kể đến việc nhà sư đã vận động hàng chục tỷ đồng để xây dựng những chiếc cầu bê tông nông thôn, góp phần chia sẻ những khó khăn với bà con ở vùng sâu, vùng xa… Bây giờ người dân Kế Sách thường gọi nhà sư là “Thượng tọa” xây cầu nông thôn.
Về huyện vùng sâu Kế Sách chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp rất nhiều cầu bê tông nông thôn bắc qua các con sông, rạch phục vụ vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân và các em học sinh; trong đó có rất nhiều chiếc cầu do thượng tọa Thích Minh Hạnh, trụ trì chùa Thiên Thới, xã Thới An Hội vận động xây dựng.
Cầu nông thôn nối hai bên bờ sông giữa ấp Hậu Bối và ấp Nam Hải thuộc xã Đại Hải là một trong rất nhiều cây cầu được Thượng tọa ra sức vận động các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng. Cây cầu dài gần 40m, rộng 2m, có giá trị xây dựng hơn 250 triệu đồng này hoàn thành vào năm ngoái mang lại niềm vui vô bờ bến đến người dân 2 ấp. Cuộc sống người dân vùng sâu này thay đổi hẳn, học sinh có thể đi xe đạp qua cầu đến trường an toàn. Anh Nguyễn Văn Sanh, ở ấp Hậu Bối, xã Đại Hải phấn khởi: “Trước đây không có cây cầu, bà con đi qua rất là khó khăn, con em đi học qua sông cũng rất bất tiện. Nhà tài trợ và các thầy cho được cây cầu người dân ở đây rất là phấn khởi. Bây giờ qua sông dễ dàng, người dân ở đây phần lớn là nghèo nên được như vậy thì mừng, phấn khởi lắm”.
Thượng tọa Thích Minh Hạnh bắt đầu vận động xây dựng cầu nông thôn từ năm 2008. Tính đến nay, ông đã vận động hơn 20 tỷ đồng để xây dựng gần 150 cây cầu cốt thép phục vụ đi lại của bà con. Trung bình mỗi năm như vậy, nhà sư vận động các nhà hảo tâm xây dựng được hơn 20 cây cầu nông thôn.
Những cây cầu nông thôn do thượng tọa Thích Minh Hạnh vận động không chỉ hiện diện tại huyện Kế Sách mà còn lan rộng đến các địa phương khác trong và các tỉnh ngoài như Bạc Liêu, Hậu Giang. Thượng tọa Minh Hạnh cho biết thêm, nhiều năm nay, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chính sách đầu tư xây dựng vùng nông thôn; trong đó có hệ thống cầu đường, giao thông nông thôn, nhưng với đặc thù của vùng sông nước Kế Sách nói riêng và các địa phương khác nói chung có hệ thống kênh rạch, sông ngòi chằng chịt thì việc đầu tư cũng chưa rộng khắp.
Nhà sư mong muốn đóng góp phần công sức để chia sẻ những khó khăn với bà con nông thôn và địa phương: “Kế Sách, quê hương này sông, ngòi chằn chịt. Hơn nữa địa bàn Sóc Trăng mình huyện nào cũng vậy. Từ hình thức và suy nghĩa của mình muốn làm sao bắt được chiếc cầu ở tại địa phương để phục cho bà con đi lại, cũng như cho bà con được hạnh phúc an vui. Trên cơ sở đó, mình đã kết nối với các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm cũng kết nối với mình, người ta cũng tài trợ cho mình làm. Đây cũng là một chút công sức của mình đóng góp cùng các địa phương thực tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.
Từ ý nghĩa và sự đáp ứng thiết thực của những cây cầu trong phục vụ đời sống của người dân nông thôn, ngày càng nhiều nhà hảo tâm tìm đến Thượng tọa Thích Minh Hạnh đóng góp xây cầu làm từ thiện. Bên cạnh đó, chùa Thiên Thới cũng có một nhóm gần 20 người già trẻ tự nguyện tham gia chương trình xây dựng cầu. Mặc dù đều là các hộ khó khăn, nhưng ai nấy đều chung tấm lòng hướng thiện, mang niềm vui đến người dân.
Ông Nguyễn Văn Chiêu, năm nay đã gần 70 tuổi nhưng vẫn tham gia xây dựng cầu của chùa Thiên Thới chia sẻ: “Đến nay tôi tham gia nhóm xây dựng hơn mười mấy năm rồi, từ ngày chưa làm cầu thì tham gia xây dựng chùa, nhà tình thương rồi đến nay là xây cầu. Nếu có sức khỏe thì mình tiếp tục làm, làm hết được thì mới nghĩ. Còn trẻ thì mình trèo cao được, bây giờ già rồi thì mình làm ở dưới”.
Những ngày không xây dựng cầu, thượng tọa Minh Hạnh lại bận rộn với những hoạt động từ thiện khác như cấp phát gạo cho người nghèo, tặng học bổng, sách vở cho các em học sinh, tặng quà gia đình chính sách hay xây dựng nhà tình thương…
Hiện nay, chùa Thiên Thới được xem là cầu nối giữa các nhà tài trợ, nhà hảo tâm để giúp đỡ những người nghèo, vùng nông thôn khó khăn. Gần 150 cây cầu bê tông được xây dựng đồng nghĩa có gần 150 cây cầu khỉ được xóa bỏ. Và mong rằng, chương rình "Nhịp cầu yêu thương" đầy ý nghĩa của chùa Thiên Thới và thượng tọa Thích Minh Hạnh vận động xây dựng lên sẽ tiếp tục được mọc lên ngày một nhiều, đồng hành cùng người dân và chính quyền địa phương hướng tới phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.