Cuộc chiến bảo vệ giá trị văn hóa truyền thống gia đình Việt
- Văn hóa - Giải trí
- 13:36 - 14/12/2016
Đạo diễn Trần Chí Thành cho biết, trong xã hội hiện đại, mô hình gia đình truyền thống, với nhiều thế hệ cùng chung sống, gặp muôn vàn khó khăn bởi những mâu thuẫn nội tại mang tính thời đại. Xu hướng muốn tách ra để tự lập, tự chủ khiến cho biểu tượng giá trị “Tam đại đồng đường”, “Tứ đại đồng đường” dần bị phá vỡ. Tuy nhiên, những giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi – nền tảng của gia đình Việt Nam cần phải được bảo tồn và phát triển. Đó là trách nhiệm của mỗi con người Việt Nam. Câu chuyện của một bà cụ chèo lái con thuyền “Tứ đại đồng đường” vượt qua mọi thác ghềnh, hợp rồi tan, tan lại hợp trong bộ phim “Ngự lâm không kiếm” sẽ mang đến cho chúng ta nhiều điều phải suy ngẫm.
Nội dung bộ phim “Ngự lâm không kiếm” xoay quanh câu chuyện của một gia đình nhiều thế hệ, trong đó có bà ngoại (NSƯT Ngọc Thoa đóng) dù đã ở tuổi 80 nhưng minh mẫn và hiểu biết nên vẫn là ngườigiữ tay hòm chìa khóa, nắm mọi quyền lực, điều khiển đại gia đình “Tứ đại đồng đường”. Con gái duy nhất của bà lấy chồng sinh ra thế hệ thứ ba đều là con gái. Cả 3 cô cháu cũng đã lập gia đình và sinh ra thế hệ thứ tư. Điều đặc biệt trong gia đình Bà ngoại là tất cả những người đàn ông đều ở rể và 4 cặp vợ chồng cùng sống chung dưới một mái nhà theo thiết chế “mẫu quyền”.
Bà ngoại luôn có mong muốn con cháu quần tụ bên nhau, nhưng vì nhiều lý do mà các cháu gái ruột của bà cùng các cháu rể đều có ý muốn thoát ly khỏi gia đình để khẳng định khả năng độc lập, tự chủ và vì muốn tự do, họ ghét cái nguyên tắc “tập trung dân chủ” mà bà ngoại đặt ra. Những sự bất đồng quan điểm từ ngấm ngầm đến bùng nổ khiến các thành viên trong gia đình chia bè chia phái, lôi kéo lẫn nhau để đạt được mục đích của mình. Và không ai khác, chính bà ngoại là người khéo léo nắn chỉnh và hướng con cháu đến những giá trị chuẩn mực. Bà cũng chính là người đứng đằng sau các vụ “đấu tranh”, đòi lại “chính quyền” của con rể và các cháu rể khi họ bị chính con gái, cháu gái bà “ức hiếp”. Có thể nói, những mâu thuẫn nội tại, âm ỉ như những cơn sóng ngầm trong gia đình này chính là bởi mỗi thành viên đều có quan điểm, nhu cầu, mục đích, lợi ích khác nhau và xu thế luôn muốn tách ra độc lập, nhưng lại buộc phải sống theo khuôn phép, nề nếp, dưới sự quản lý chặt chẽ của Bà ngoại. Do vậy mà xuyên suốt 32 tập phim là những câu chuyện đời thường có ở bất cứ gia đình hiện đại nào, nhưng với mức độ phức tạp cao hơn và có những vấn đề chỉ có ở những “Đại gia đình”.
Với hàng loạt những trăn trở mang tính thời đại, từ việc làm thế nào gìn giữ gia phong, truyền thống, đến chuyện dung hòa những tính cách khác nhau dưới một mái nhà chung, đạo diễn Trần Chí Thành đã chọn cách thể hiện hóm hỉnh, duyên dáng, hài hước, thay vì triết lý, giáo điều. “Sau những câu chuyện “cười ra nước mắt”, khán giả sẽ nhận ra, tình yêu thương chính là chìa khóa để hóa giải mọi vấn đề. Trong xã hội nói chung và mỗi gia đình nói riêng, tất cả chúng ta ai cũng cần ai và để hòa hợp cùng phát triển thì mỗi cá nhân luôn phải tự điều chỉnh để vừa đổi mới theo sự phát triển tất yếu, nhưng vẫn giữ được những giá trị truyền thống nền tảng”- đạo diễn Trần Chí Thành nhấn mạnh.
Cũng theo đạo diễn Trần Chí Thành, đóng góp vào sự thành công của bộ phim “Ngự lâm không kiếm” là những tên tuổi lớn như NSƯT Ngọc Thoa (vai Bà ngoại), NSƯT Quế Hằng (con gái), NSƯT Trung Anh (con rể) và dàn diễn viên chuyên nghiệp như Tùng Dương, Thanh Bình, Huyền Trang, Lương Giang, Kiên Hoàng, Lưu Đê Ly… (các vai cháu gái và cháu rể).
Điều đặc biệt trong bộ phim này là có sự tham gia của NSƯT Ngọc Thoa, dù dã 75 tuổi nhưng bà vẫn nhận lời tham dự bộ phim với vai diễn bà ngoại. “Khi được đạo diễn mời, đọc kịch bản, tôi đã rất thích nhân vật này và nhận lời tham gia. Với sức khỏe của mình, tôi đã từng nghĩ mình không đủ sức để đi chặng đường dài như thế. Nhưng khi đi tham gia cùng đoàn phim, câu chuyện của bộ phim và không khí làm việc cuốn hút đã làm tôi quên đi mọi sự mệt mỏi, tôi thấy mình khỏe hơn mặc dù có nhiều hôm làm rất khuya. Điều tôi tâm đắc nhất chính là hình ảnh bà ngoại trong phim, một người phụ nữ hết lòng vì gia đình, vì con vì cháu và luôn là tâm điểm gắn kết gia đình, đúng là tuýp người phụ nữ Việt Nam… ” - NSƯT Ngọc Thoa tâm sự.
Hi vọng, ngay khi lên sóng, bộ phim “Ngự lâm không kiếm” sẽ mang đến cho khán giả những thông điệp sâu sắc về cách đối nhân xử thế, cuộc sống và tình người ngay chính gia đình của chúng ta.