Cục Việc làm: Đóng góp trực tiếp vào sự phát triển ngành LĐ-TB&XH
- Bài thuốc hay
- 22:08 - 01/08/2018
Đến dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp; nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hằng, Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ LĐ-TB&XH, nguyên lãnh đạo Cục Việc làm qua các thời kỳ, đại diện các trung tâm dịch vụ việc làm trên cả nước…
Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý nhà nước về việc làm
Báo cáo kết quả hoạt động giai đoạn 2008-2018 của Cục Việc làm và phương hướng hoạt động cho những năm tiếp theo, ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm cho biết, chặng đường 10 năm của Cục Việc làm là sự kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống xuyên suốt quá trình trên 70 năm xây dựng và phát triển của ngành LĐ-TB&XH. 10 năm qua, Cục Việc làm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về việc làm; hỗ trợ tạo việc làm; thông tin thị trường lao động; tổ chức và hoạt động dịch vụ việc làm; quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Ngày càng thể hiện đúng vai trò, vị trí rất quan trọng, then chốt trên thị trường lao động và vấn đề việc làm đối với người lao động.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Cục đã tham mưu xây dựng và ban hành hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời về việc làm, thị trường lao động, quản lý lao động và bảo hiểm thất nghiệp. Đặc biệt, Cục đã tham mưu xây dựng để Bộ trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Việc làm Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm hỗ trợ tạo cơ hội việc làm theo hướng tốt hơn cho người lao động trong quá trình đổi mới, phát triển và hội nhập.
Xây dựng và triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp sớm đi vào cuộc sống và hiệu quả. Đến nay, cả nước có gần 12 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 20,5% lực lượng lao động cả nước; gần 4 triệu lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp. Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh, thành phố đã tư vấn, giới thiệu việc làm cho 96% người hưởng trợ cấp thất nghiệp và hỗ trợ học nghề cho 123 nghìn người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Quy hoạch và phát triển hệ thống dịch vụ việc làm. Đến nay, số Trung tâm dịch vụ việc làm công lập của cả nước là 98 trung tâm. Trong đó 63 Trung tâm dịch vụ việc làm do UBND tỉnh, thành phố thành lập, giao Sở LĐ-TB&XH quản lý; 35 trung tâm thuộc các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội. Các trung tâm này đã có những đóng góp không nhỏ cho công tác giải quyết việc làm cho người lao động, là địa chỉ tin cậy cung cấp các dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động; thu thập thông tin về việc làm trống, người tìm việc - việc tìm người; dạy nghề ngắn hạn gắn với giải quyết việc làm cho người lao động, thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp...
Trong giai đoạn 2008 - 2017, 63 Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc ngành LĐ-TB&XH đã tư vấn, giới thiệu việc làm là 18.780.000 lượt người, trong đó số lao động nhận được việc làm do Trung tâm giới thiệu và cung ứng là 5.113.455 lượt người, chiếm 27,2% tổng số người được tư vấn, giới thiệu việc làm. Trong đó, đã có 48 Trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức tổ chức được 7.642 phiên giao dịch việc làm với số doanh nghiệp tham gia trung bình trong một phiên giao dịch việc làm từ 25 - 30 doanh nghiệp và 400 - 450 lao động.
Phó Cục trưởng Cục Việc làm Lê Quang Trung báo cáo kết quả hoạt động giai đoạn 2008-2018 của Cục Việc làm
Bên cạnh đó, công tác quản lý lao động đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến đầu năm 2018, cả nước có trên 80.000 người lao động nước ngoài đến từ trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm việc ở các vị trí nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật. Trong đó trên 95% tổng số lao động nước ngoài thuộc diện cấp giấy phép lao động đã được cấp giấy phép lao động.
“Đặc biệt, ngay sau khi diễn ra các sự cố biển tháng 5/2014 và sự cố môi trường biển do Formosa gây ra tại các tỉnh miền Trung, Cục Việc làm đã chủ động tham mưu kịp thời trình Bộ xây dựng và tổ chức thực hiện các giải pháp về vấn đề lao động - việc làm, mới đây nhất là Đề án xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên -Huế. Nhờ đó đã kịp thời hỗ trợ người lao động tại các địa phương bị ảnh hưởng bởi sự cố biển khắc phục khó khăn, tạo việc làm, khôi phục sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội.”- Phó Cục trưởng Lê Quang Trung cho biết.
Bên cạnh đó, Cục cũng đã xây dựng để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiều chương trình, dự án thuộc chương trình Mục tiêu Quốc gia về việc làm; Thu thập, phân tích và dự báo thông tin thị trường lao động; Thực hiện hợp tác quốc tế với hiệu quả cao. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng CNTT trong cấp giấy phép lao động và thực hiện bảo hiểm thất nghiệp …
Cách mạng 4.0: Cơ hội, thách thức và trách nhiệm to lớn của Cục Việc làm
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng, trong chặng đường 10 năm qua, Cục Việc làm đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành, như: tham mưu trình Bộ trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật việc làm năm 2013, nhiều Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư, Thông tư liên tịch của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, đề án hỗ trợ giải quyết việc làm, nhất là cho các nhóm lao động yếu thế; phát triển hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm công và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; triển khai đồng bộ, kịp thời chính sách bảo hiểm thất nghiệp, được doanh nghiệp, người lao động đón nhận và tham gia, được dư luận đánh giá tích cực; tăng cường công tác quản lý lao động, trong đó có lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam …
“Có thể nói rằng, những thành quả lao động sáng tạo của các thế hệ công chức, viên chức, người lao động của Cục Việc làm đã và đang đóng góp trực tiếp vào sự phát triển ngành LĐ-TB&XH, góp phần đảm bảo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng việc làm của người lao động”- Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp tặng hoa chúc mừng Cục Việc làm nhân kỷ niệm 10 năm thành lập
Theo Thứ trưởng, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, cách mạng công nghiệp 4.0, tăng trưởng xanh và yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa mở ra nhiều cơ hội nhưng theo đó là những thách thức, sứ mệnh và trách nhiệm to lớn, nặng nề của ngành LĐ-TB&XH nói chung, Cục Việc làm nói riêng. Chúng ta có nguồn cung lao động dồi dào với trên 55 triệu người nhưng chất lượng thấp (khoảng 21%); cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng chậm (đến nay còn 38,6% lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp); năng suất lao động thấp, 56,8% lao động làm việc ở khu vực phi chính thức; 96% doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa; thanh niên, sinh viên ra trường gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm; chuyển dịch việc làm theo hướng phi nông nghiệp ở nông thôn chậm; nhiều chính sách lao động, việc làm chưa bao phủ một bộ phận lớn lao động … đòi hỏi Bộ LĐ-TB&XH nói chung, Cục Việc làm nói riêng cần tập trung hoàn thiện, xóa bỏ các rào cản thể chế, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về việc làm cho phát triển bền vững.
Cục trưởng Cục Việc làm cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Bộ
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp đề nghị Cục Việc làm tập trung thực hiện với quyết tâm cao vào 5 nhóm nhiệm vụ sau:
Nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách về lao động, việc làm phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, góp phần hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động, chính thức hóa việc làm để cải thiện chất lượng việc làm. Trước mắt, tập trung sửa đổi, hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp duy trì việc làm, hạn chế sa thải lao động theo tinh thần Nghị quyết 28/NQ-TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội của Hội nghị Trung ương 7 khóa 12 vừa qua, đảm bảo chính sách bảo hiểm thất nghiệp thực sự là một trong những công cụ quản trị thị trường lao động.
Hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động; nâng cao chất lượng phân tích, dự báo thị trường lao động, đặc biệt là dự báo nhu cầu lao động của các ngành nghề phổ biến trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 làm cơ sở cho giáo dục, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và nhu cầu tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm của người lao động.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm trong tư vấn, giới thiệu việc làm, kết nối cung - cầu lao động hiệu quả; không chỉ hướng tới người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp mà cả lao động tự do, thanh niên mới tham gia thị trường lao động.
Quan tâm nâng cao chất lượng việc làm và cải thiện thu nhập của lao động khu vực nông thôn, khu vực phi chính thức, của các nhóm lao động yếu thế thông qua triển khai có hiệu quả các Chương trình, đề án hỗ trợ việc làm, Quỹ quốc gia về việc làm.
Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực việc làm, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch điện tử trong dịch vụ việc làm, quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân của Cục việc làm
“Tôi tin tưởng rằng với truyền thống vẻ vang của ngành LĐ-TB&XH, toàn thể công chức, viên chức và người lao động Cục Việc làm sẽ tiếp nối, kế thừa và có những bước phát triển mới, đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, đạt được nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong giai đoạn tới, đóng góp thiết thực vào mục tiêu phát triển bền vững đất nước” – Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.
Phát biểu bày tỏ cảm ơn sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, Cục trưởng Cục Việc làm Lê Kim Dung cho biết, trước yêu cầu hội nhập của đất nước, của ngành LĐ-TB&XH, với trách nhiệm tham mưu giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước trong lĩnh vực việc làm, thị trường lao động, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động, Cục Việc làm sẽ tiếp tục đỏi mới, khắc phục những hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, đoàn kết thống nhất trong nhận thức, hành động để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong thời gian tới.