THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:37

Cục QLTT Thanh Hóa: Tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại

 Thủ phạm tinh vi- diễn biến phức tạp

Theo đó, hoạt động buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép hàng cấm trên địa bàn tỉnh ít nổi cộm, chủ yếu thẩm lậu theo hai tuyến (từ các tỉnh phía Nam ra và từ các tỉnh biên giới phía Bắc vào) đi qua hoặc đưa vào địa bàn tỉnh để tiêu thụ. Các đối tượng thường sử dụng thủ đoạn chia nhỏ vận chuyển trên các phương tiện xe khách, xe tải, xe taxi, xe bưu chính, cất giấu, ngụy trang nằm trong các mặt hàng tiêu dùng khác; khi vận chuyển thì thay đổi xe, biển số xe, thay đổi thời gian, tuyến đường; hợp pháp hóa hàng nhập lậu bằng hóa đơn, quay vòng hóa đơn, gây khó khăn cho công tác điều tra, phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn của các lực lượng chức năng.

Cục QLTT Thanh Hóa: Tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại - Ảnh 1.

Lực lượng QLTT Thanh Hoá kiểm tra các mặt hàng

Hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả trên địa bàn tỉnh tuy không nổi cộm, mang tính nhỏ lẻ chủ yếu là sản xuất ở tỉnh ngoài, nước ngoài đi qua, đưa vào trên địa bàn tỉnh để tiêu thụ, tuy nhiên diễn biến phức tạp ở nhiều mặt hàng, nhiều địa phương. Hàng giả hiện không chỉ hàng nội giả hàng ngoại mà còn hàng ngoại giả hàng nội , hàng ngoại giả hàng ngoại. Một số đối tượng đã lợi dụng chính sách đưa hàng về nông thôn, chủ trương "người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hội chợ, bán hàng đa cấp... để buôn bán hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng. 

Hoạt động bán hàng đa cấp vẫn diễn biến phức tạp. Đối tượng kinh doanh đa cấp biến tướng, bất chính bằng nhiều thủ đoạn. Các đối tượng này thường cung cấp thông tin không đầy đủ, thiếu trung thực về tính năng và chất lượng sản phẩm; biếu tặng sản phẩm, bán hàng kèm theo khuyến mại sản phẩm. Các đối tượng quảng cáo cho người tiêu dùng là giá bán của sản phẩm tại công ty là rất cao nhưng do công ty đang trong đợt khuyến mại hoặc tri ân khách hàng nên bán giá rẻ để lợi dùng lòng tin và ham giá rẻ nhưng thực chất đã nâng giá bán lên gấp nhiều lần so với giá trị thực. 

Với cách thức tổ chức thời gian đăng ký mua hàng ngắn (tính bằng phút), đăng ký bằng phiếu mua hàng và đặt tiền đặt cọc mua hàng, rồi hẹn lịch giao hàng vào thời điểm nhất định, nếu ai không đến kịp sẽ không được mua hàng. Tình trạng vi phạm trong hoạt động về khuyến mại, quảng cáo, bán hàng qua mạng; tình trạng gian lận về hóa đơn chứng từ, giấu doanh thu trốn lậu thuế, vi phạm về giá, gian lận về quy định ghi nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ gây thiệt hại cho người tiêu dùng; kinh doanh không đăng ký, đăng ký nhưng không tổ chức kinh doanh, kinh doanh sai nội dung, địa điểm đã đăng ký, kinh doanh khi không đủ các điều kiện quy định, nhất là các mặt hàng hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện.

Đặc biệt, hoạt động thương mại điện tử, sử dụng ứng dụng công nghệ số để kinh doanh ngày càng gia tăng, nhất là khoảng thời gian xảy ra dịch Covid-19. Các đối tượng lợi dụng kinh doanh thương mại điện tử để thực hiện hành vi bán hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Những đối tượng này thường có trình độ và am hiểu nhất định về công nghệ thông tin hoặc có đội ngũ kỹ thuật chuyên trách việc này, tận dụng mọi thành tựu tiên tiến nhất của công nghệ để kinh doanh các mặt hàng vi phạm và tận dụng công nghệ để lẩn tránh cơ quan chức năng, xóa bỏ dấu vết giao dịch, ẩn danh trên internet, gây khó khăn cho việc xác minh thông tin. 

Cục QLTT Thanh Hóa: Tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại - Ảnh 2.

Lực lượng QLTT Thanh Hoá phối kết hợp với các ngành kiểm tra xuất xứ mặt hàng rượu ngoại

Các đối tượng cũng chuyển hướng kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn mác, xuất xứ, không rõ nguồn gốc… qua đường bưu điện, chuyển phát nhanh nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng. Hàng hóa được vận chuyển về tập kết tại các kho hàng của công ty chuyển phát nhanh, kho hàng hóa nội địa của các công ty dịch vụ hàng không, sau đó chuyển đến các khách hàng do các đối tượng là lao động tự do, xe lai, taxi, chuyển phát nhanh... mặt hàng chủ yếu là quần áo, giày dép, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ chơi trẻ em, linh kiện điện tử...

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường

Đáng chú ý, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất phát từ sự khan hiếm thiết bị y tế, các đối tượng đã sản xuất, kinh doanh khẩu trang, găng tay, bộ đồ bảo hộ, giả mạo nhãn hiệu, xuất xứ, kém chất lượng; vận chuyển mặt hàng khẩu trang y tế không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém để đưa ra thị trường tiêu thụ. 

Trước tình hình đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Ban chỉ đạo 389 tỉnh về việc tiếp tục tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, Cục QLTT đã cùng công an phối hợp với các cấp, ngành, các thành viên Ban chỉ đạo 389 tỉnh và các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là đối với các mặt hàng vật tư y tế, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng của nhân dân để ngăn chặn hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng quá hạn sử dụng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm... 

Quyền Cục trưởng QLTT Thanh Hoá Nguyễn Văn Hùng chia sẻ: "Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, anh em các đội QLTT đã không quản ngại ngày nắng, ngày mưa tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết một cách thường xuyên, liên tục tập trung vào những mặt hàng an toàn thực phẩm và những hàng hóa khác được bày bán nhiều trong dịp Tết". Bên cạnh kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời những sản phẩm giả mạo, kém chất lượng, vi phạm VSATTP, các kiểm soát viên còn là người tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh làm tốt các quy định của pháp luật về kinh doanh thương mại.  

Theo ông Nguyễn Văn Hùng: "Hoạt động buôn bán hàng nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tuy không nổi cộm nhưng vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, khó lường, hoạt động sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm tuy đã được kiềm chế nhưng vẫn xảy ra. Tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu (thuốc lá ngoại, rượu ngoại, thuốc nổ công nghiệp, ma túy...) có chiều hướng gia tăng". 

"Tình hình gian lận thương mại còn diễn ra ở nhiều lĩnh vực như: Đo lường, chất lượng, giá, khuyến mại... Các ngành đã chủ động tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bình ổn thị trường, đặc biệt là trong hoạt động bình ổn giá trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là có các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn".  Hiệu quả tích cực, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả" - ông Hùng nhấn mạnh.

Năm 2020, Cục QLTT Thanh Hóa đã kiểm tra 392 vụ, xử lý 140 vụ; phạt vi phạm hành chính 163,8 triệu đồng. Kết quả thực hiện Kế hoạch kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương năm 2020: Kiểm tra 169 vụ, xử lý 68 vụ; phạt vi phạm hành chính 61,45 triệu đồng. Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, BCĐ 389 quốc gia, Bộ Công Thương, Tổng Cục QLTT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, BCĐ 389 tỉnh. 

Bám sát chỉ đạo của cấp trên, cùng với việc phân tích, dự đoán, nắm bắt đúng tình hình, diễn biến thị trường. Cục QLTT - Cơ quan thường trực BCĐ 389 tỉnh đã chủ động triển khai kịp thời nhiệm vụ được giao, đồng thời tăng cường công tác phối hợp từ cấp tỉnh đến cấp huyện, thị xã, thành phố; cùng sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự tham gia của nhân dân đã tạo được bước chuyển biến trong việc thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nhận thức của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại được nâng lên đã hạn chế đáng kể các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong sản xuất, kinh doanh.

Như vậy, để thị trường hàng hóa trên địa bàn Thanh Hóa thực sự ổn định, bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của các cán bộ QLTT - những người lính trên mặt trận chống buôn lậu và gian lận thương mại thì cũng rất cần có sự chung tay của các cấp, ngành và đặc biệt là sự thông thái của người tiêu dùng trước các hành vi buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. 

Cùng với sự nỗ lực của ngành chức năng thì rất cần sự vào cuộc hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tầng lớp nhân dân trong cuộc chiến chống hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Mỗi người dân hãy là một người tiêu dùng thông thái, nói "không" với các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và các loại hàng hóa được nghi là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

THU HƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh