THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:52

Cục Bảo trợ xã hội tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017

 

Ngoài ra, còn có đại diện của đông đảo Lãnh đạo các Cục, Vụ thuộc Bộ, các Hiệp hội cùng toàn thể cán bộ, công chức của Cục.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm chủ trì Hội nghị

 

Thực hiện đồng bộ các chính sách trợ giúp xã hội

Báo cáo công tác trợ giúp xã hội năm 2016, Phó Cục trưởng Tô Đức cho biết, thực hiện nhiệm vụ công tác năm, trong công tác chỉ đạo, điều hành, Cục Bảo trợ xã hội đã hoàn thành các nhiệm vụ công tác của Bộ giao trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, như: 2 Nghị định, 3 quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 1 thông  tư. Đến nay Cục đã trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành 2 Nghị định, 3 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Riêng Thông tư hướng dãn về xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện đang được hoàn thiện do đợi hướng dẫn của Bộ Tư pháp về việc ban hành Thông tư thay thế Thông tư liên tịch…

“Nhìn chung công tác xây dựng văn bản, ban hành văn bản trong lĩnh vực bảo trợ xã hội đáp ứng yêu cầu chỉ đạo điều hành của Bộ, phù hợp với tình hình mới”, ông Tô Đức cho biết.

Cục Phó Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức báo cáo tổng kết công tác năm 2016 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2017

 

Cùng với đó, chương trình công tác lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2016, Cục đã trình Bộ ban hành hàng trăm văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện đồng bộ các chính sách trợ giúp xã hội cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. 

Trong công tác cứu trợ đột xuất và hỗ trợ sau thiên tai, trong năm 2016, cả nước đã xảy ra 9 cơn bão, 7 áp thấp nhiệt đới hoạt động ở biển đông, nhiều hơn so với năm 2015 là 10 cơn. Thiên tai đã làm 253 người chết, mất tích, 380 người bị thương, 5.368 nhà dân bị đổ, sập, cuốn trôi, 689.403 ha lúa và hoa màu bị hư hại; hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp… Ước tính thiệt hại về vật chất khoảng 38.82 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/12, Thủ tướng đã Quyết định hỗ trợ cho nhân dân 25 tỉnh với tổng số 67.061,0 tấm gạo cứu đói cho 3.464.533 người. Trong đó cứu đói Tết 17.177,7 tấn gạo; cứu đói giáp hạt 17.489,8 tấn gạo, cứu đói khắc phục hậu quả thiên tai 19.675,1 tấn gạo; cứu đói do hải sản chết 12.718,5 tấn gạo.

Về trợ cấp xã hội hàng tháng, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính dã ban hành Thông tư liên tịch số 06/2016/NĐ-CP ngày 12/5/2016 hướng dẫn các địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP.

Đến nay cả nước đã triển khai thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 2,73 triệu đối tượng, (đặc biệt có 8 tỉnh, thành phố thực hiện mức chuẩn trợ cấp cao hơn mức quy định) trong đó có 47.714 trẻ em mồ côi, 113.754 người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo; 1,495 triệu người cao tuổi trên 80 tuổi không có lương hưu, tợ cấp bảo hiểm xã hội; 89.078 người cao tuổi cô đơn, không nguồn nuôi dưỡng; 904.655 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng; 6.257 gia đình, cá nhân nhận chăm sóc tại cộng đồng; 8.185 người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo.

Kinh phí chi trợ giúp xã hội gần 15.000 tỷ đồng.

Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao sự phối hợp giữa các Cục, Vụ, Hiệp hội, các ban ngành, địa phương... trong suốt năm qua trong lĩnh vực bảo trợ xã hội, để công tác trợ giúp xã hội được hoàn thành tốt đẹp

 

Về chuyển đổi chi trả trợ cấp xã hội, theo báo cáo của các địa phương, tính đến hết tháng 11/2016, toàn quốc có 44 tỉnh đã chi trợ cấp xã hội qua hệ thống bưu điện, chi trả cho 1,642,081 đối tượng, với số tiền chi trả 1 tháng 522,577 tỷ đồng. Có 3 tỉnh dự kiến tháng 12/2016 thực hiện chi trả qua bưu điện. Có 8 tỉnh dự kiến tháng 1/2017 thực hiện chi trả qua bưu điện và có 8 tỉnh chưa thống nhất phương thức trả qua bưu điện.

Bên cạnh đó, Cục Bảo trợ xã hội đã chỉ đạo hướng dẫn địa phương thực hiện tốt chính sách về trợ giúp, chăm sóc người cao tuổi, người khuyết tật, phát triển nghể công tác xã hội, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt… Đến nay, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành đã triển khai xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho trên 1,3 triệu người khuyết tật. Trên cơ sở đó, các địa phương đã giải quyết trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 901 nghìn người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng.

Về phát triển nghề công tác xã hội, đến nay cả nước đã hình thành, phát triển được 418 cơ sở trợ giúp xã hội công lập và ngoài công lập, trong đó có 40 Trung tâm công tác xã hội chuyên sâu. Các tỉnh, thành phố đã hình thành, phát triển mạng lưới trên 200 nghìn cán bộ, nhân viên và cộng tác viên làm công tác xã hội. Đến nay đã có 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành công tác xã hội, tuyển sinh hàng năm khoảng 3.500 chỉ tiêu cử nhân/ năm; có 3 trường đào tạo thạc sĩ, 2 trường đào tạo tiến sĩ công tác xã hội.

Đặc biệt, Luật công tác xã hội đang từng bước nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề xuất. Cùng với đó, công tác quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội cũng được triển khai trên toàn quốc. Cục cũng đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Thông tư quy định định mức kinh tế- kỹ thuật để làm cơ sở tính giá dịch vụ trợ giúp xã hội.

Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch TW Hội Người cao tuổi Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Có thể nói, trong năm 2016, với sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, địa phương, chính sách trợ giúp xã hội đã đạt được nhiều kết quả khả quan, bảo đảm định mức trợ cấp cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Số lượng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội ngày càng tăng, việc tiếp cận chính sách bảo trợ xã hội của đối tượng được thuận lợi, bao phủ toàn dân.

Mục tiêu 100% đối tượng đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng

Với những kết quả đạt được trong năm 2016, Cục Bảo trợ xã hội đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 là:

Tiếp tục hoàn thiện luật pháp về trợ giúp xã hội; thực hiện tốt chính sách trợ giúp đột xuất, trợ giúp thường xuyên tại cộng đồng; mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội, ưu tiên người nghèo, người sống ở vùng núi, vùng hải đảo, vùng dân tộc thiểu số; nâng mức trợ giúp xã hội phù hợp với vòng đời, khả năng ngân sách nhà nước và xu hướng quốc tế; bảo đảm người dân gặp rủi ro được hỗ trợ kịp thời từ Nhà nước, các tổ chức và cộng đồng; phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia trợ giúp xã hội, góp phần bảo đảm công bằng, ổn định xã hội và phát triển bền vững.

“Mục tiêu 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; 100% người bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt được trợ giúp kịp thời; 82% đối tượng người khuyết tật, người cao tuổi được tiếp cận tối thiểu một trong các dịch vụ trợ giúp xã hội” , Cục trưởng Nguyễn Văn Hồi khẳng định.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm biểu dương và đánh giá cao những thành quả tập thể Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức Cục Bảo trợ xã hội đạt được trong năm 2016. Tuy năm 2016 là một năm đối mặt với thiên tai trên diện rộng, lĩnh vực an sinh xã hội vì thế hết sức nặng nề, khó khăn, nhưng Cục bảo trợ xã hội đã nỗ lực và làm tốt- Thứ trưởng đánh giá.

Trong năm qua, Cục Bảo trợ xã hội đã bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật; thay đổi quan điểm nhận thức, đặt chính sách bảo trợ xã hội trong tổng thể chính sách an sinh xã hội; phát triển nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội, quy hoạch hệ thống cung dịch vụ công tác xã hội, khuyến khích xã hội hóa trong việc cung cấp dịch vụ xã hội cho đối tượng yếu thế; chủ động trong thực hiện công tác cứu trợ đột xuất…

Ngoài ra, Cục Bảo trợ xã hội cũng chủ động, nhạy bén trong thực hiện nhiệm vụ đồng thời là đơn vị có nhiều đề án được Chính phủ phê duyệt, tạo được sự đồng thuận của các cấp, các ngành và toàn xã hội khi thực hiện chính sách.

Sớm trình Đề án trợ giúp xã hội; ban hành nguyên tắc, định giá Khung giá dịch vụ; trình Nghị định về phụ cấp đặc thù cho người lao động làm việc trong các cơ sở bảo trợ xã hội; sửa đổi Nghị định 68; trình Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước quốc tế về quyền của Người khuyết tật.

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, trên cơ sở những kết quả đạt được trong thời gian qua, trong năm 2017, Cục Bảo trợ xã hội cần tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm: 

Thảo luận với các cơ quan, địa phương giúp Bộ xác định mức độ khuyết tật với nhóm tự kỷ, phấn đấu xong trước tháng 6, hoàn thành việc cấp giấy xác định mức độ khuyết tật.

Xây dựng Thông tư hướng dẫn Nghị định 16 về định mức kinh tế kỹ thuật tháo gỡ việc phát triển mạng lưới và đội ngũ nhân viên CTXH, Thông tư hướng dẫn hoạt động của các Trung tâm tâm thần. Bên cạnh đó,  cần tập trung sửa Thông tư 01 về quản lý ca, mở rộng cho các đối tượng khác.

Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Dạy nghề quy hoạch hoạt động đào tạo nghề CTXH, phối hợp với ngành Y tế, giáo dục hoàn thiện Đề án CTXH trong y tế, trường học.

Đánh giá lại Luật Người Cao tuổi, Luật Người khuyết tật để đưa vào chương trình sửa đổi; Chuẩn bị triển khai đổi mới Đề án trợ giúp xã hội ở Việt Nam. Đề án đưa ra nhiều mục tiêu, nếu được phê duyệt thì toàn bộ hệ thống chính sách phải xem xét lại: theo vòng đời, phổ  cập, phổ quát… sẽ có rất nhiều việc phải làm. 

Cùng với đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu nhanh chóng hòan thiện đề án cơ sở dữ liệu quốc gia…

Đặc biệt, với công việc trước mắt và gần nhất, ngay đầu năm 2017 này là là cấp phát gạo cứu đói, Thứ trưởng nhấn mạnh, năm nay phải làm tốt hơn năm 2016, “Chủ động chỉ đạo, hướng dãn các địa phương cấp phát gạo cho dân kịp thời, không xảy ra sai phạm. Đặc biệt, năm nay phải đôn đốc các địa phương cấp phát gạo sớm hơn, phải trước ngày 20 tháng 12 âm lịch. Không được để đến tận 28, 29 âm lịch mới cấp phát gạo, chậm muộn, để người dân đón Tết vui vẻ, ấm áp”, Thứ trưởng giao nhiệm vụ.   

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh