CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 07:29

Cửa hàng ăn uống Mậu dịch 37: Hồi ức về thời bao cấp

Không gian về một thời xa xưa

Không đèn nhấp nháy, không cửa kính bóng loáng, tấm biển mang tên “Cửa hàng ăn uống Mậu dịch số 37” được viết bằng tay hết sức độc đáo. Không gian bên trong rộng chừng 100m2  nhưng thực khách như được trở về quá khứ vì tất cả mọi đồ vật, nội thất đều sử dụng chất liệu được xem như kỷ vật thời tem phiếu, giai đoạn những năm 70 - 80 của thế kỷ trước. Từ bức tường gạch sơn trắng, những vật treo tường như chiếc nón, xe đạp Thống Nhất, băng cát xét, đôi dép, tranh ảnh đen trắng, chiếc quạt tai voi, tivi cổ và  những chiếc ca sắt,  bát sắt tráng men…tất cả đều mang những dấu ấn của thời gian. Kế đó, cách ăn mặc của các cô “cửa hàng trưởng”, “mậu dịch viên” với áo phin nõn, quần đen cũng khiến không gian này trở nên khác biệt giữa cuộc sống hiện đại.

Ở quầy bán tem phiếu, còn có một bảng chỉ dẫn: “Không chen ngang”, bên cạnh là các dòng chữ nguệch ngoạc đúng kiểu thời bao cấp: “Quầy giải khát”, “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, “Ở đây có bán nước sôi”… Có cả một bảng nội quy chỉ dẫn cách xếp hàng mua tem phiếu và ưu tiên thương binh. Không gian chính của quán gồm ba gian. Ngoài cùng là các bàn ăn nhỏ và quầy lễ tân khắc họa lại cảnh xếp hàng mua tem phiếu đổi lương thực đặc trưng của thời bao cấp. Đi qua một lối nhỏ hẹp, đến gian thứ hai là phòng ăn nhỏ, phù hợp cho nhóm đông người, khá riêng tư để tổ chức các buổi họp gia đình, bạn bè. Gian trong cùng thông với "Tổ phục vụ", gồm vài bàn ăn nhỏ. Trần nhà được trang trí những chiếc mẹt tre đầy ấn tượng.

Để gọi món, thực khách phải chọn trong thực đơn, sau đó ra lễ tân đọc tên thức ăn và nhận phiếu mua đồ, đồng thời thanh toán. Trở về bàn, thực khách chỉ cần đưa phiếu cho người phục vụ và chờ thức ăn dọn lên. Thực đơn cửa hàng được thiết kế giống quyển sổ mua lương thực thời bao cấp, bên ngoài ghi "Sổ đăng ký mua lương thực”. Những món ăn ở đây ghi đậm dấu ấn của một thời đất nước còn nhiều khó khăn, như: Cơm độn khoai, bánh đúc, phở không người lái, phở trộn cơm nguội, dưa xào tóp mỡ, mì nấu cà chua...


Chủ nhân của “Cửa hàng ăn uống mậu dịch” là ông Phạm Quang Minh, sinh năm 1962. Suốt nhiều năm qua ông ấp ủ ý tưởng mở cửa hàng này. Để biến ý tưởng thành hiện thực, ông đã mất đến vài ba năm đi “săn lùng” các vật dụng liên quan đến thời bao cấp, từ chiếc đài cũ, chiếc quạt tai voi Liên Xô, chiếc máy chữ, chiếc cassette hiệu Vietronics “60 năm vẫn chạy tốt”, cho tới từng tờ tem phiếu mua gạo, mua thịt, mua cá; từng chiếc tem thư... May mắn ông Minh đã gặp được nhiều người cho, tặng, bán lại nhiều vật dụng quý giá. Nhà nghiên cứu Hán Nôm Mai Xuân Hải tặng viên đá khắc tên “Mai Hải” từng được dùng để xếp hàng mua lương thực những năm 1970. Họa sĩ Lê Thiết Cương tặng bộ ảnh Hà Nội thời bao cấp của nhiếp ảnh gia Eva Lindskog (Thụy Điển)... Đặc biệt, lô bát, đĩa sắt tráng men của Nhà máy sắt tráng men nhôm Hải Phòng tồn kho đã lâu cũng được chuyển đến tay ông Minh, nay dùng để phục vụ khách... Đến năm 2012, cửa hàng đã được khai trương.

Tìm về ký ức xưa

Cầm tập tem phiếu trên tay, chị Nguyễn Quỳnh Hoa (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Từ khi biết đến cửa hàng ăn này thỉnh thoảng mình vẫn cùng nhóm bạn đến đây ăn. Trước đây, mình vẫn thường nghe bố, mẹ kể những câu chuyện về thời bao cấp khó khăn, nào là phải xếp hàng, phải mua tem phiếu, phải ăn cơm độn…Nhưng dù đã nghe nhiều lần nhưng vẫn không thể tưởng tượng ra hết những vất vả mà thế hệ trước đã trải qua. Biết có quán ăn này, mình đặc biệt quan tâm và đã đến ăn thử. Dù có hơi nhỏ bé và chật chội song cách bày trí cùng những món ăn quán phục vụ, khiến mình và nhóm bạn rất thích thú”.

Là người đã từng trải qua những năm tháng khó khăn của thời bao cấp, ông Nguyễn Hoàng Minh, ở phố Cầu Gỗ (Hà Nội), một khách hàng thường xuyên của quán xúc động nói: “Đến với nơi này, tôi đã như được sống lại trong giai đoạn những năm 70 80, mọi vật dụng cũ kỹ gần, gũi thân thương”. Trong câu chuyện, ông Minh kể về thời kỳ phải đặt gạch xếp hàng từ 3, 4 giờ sáng, thậm chí là từ 12 giờ đêm hôm trước để mua từng cân muối, cân gạo, hay mảnh vải... Thời kỳ ấy gạo chỉ được phân phối theo tiêu chuẩn nên cơm thường phải độn thêm mỳ, khoai, sắn và hạt bo bo,... “Hôm nào mẹ tôi mua được con cá thì phải mua thêm mớ rau to phủ lên trên rồi mới dám xách về. Nhà có con gà cũng phải mổ giấu giếm, ăn lén lút như đồ ăn trộm để không bị gọi là tiểu tư sản”, ông  Minh nhớ lại.

Còn anh Nguyễn Văn Tuân, ở Bắc Ninh chia sẻ: “Nhà ở nông thôn lại đông anh em, nên tuổi thơ mình gắn liền với những bữa cơm độn khoai, sắn nên biết cuộc sống khó khăn của thời bao cấp như thế nào. Bây giờ dù có kể nhiều câu chuyện về ngày đó bọn trẻ cũng không thể hiểu được vì vậy thỉnh thoảng mình vẫn đưa cả gia đình đến đây ăn vào dịp cuối tuần, để bọn trẻ hiểu được những giá trị của ngày hôm nay, hiểu được thế hệ trước đã phải trải qua những khó khăn vất vả như thế nào. Nhiều người nhận xét, mặc dù không gian nhỏ, nhưng họ vẫn rất thích nơi này. Bởi đến đây ăn cảm giác như là được về quê ăn một bữa cơm gia đình với bà, với ông chứ không phải là đang đi ăn hàng. Các món ăn ở đây đều rất vừa miệng , được chế biến theo cách đơn giản gần gũi như nhà làm chứ không cầu kì. Nhân viên phục vụ nhiệt tình nhanh nhẹn.

Bước vào không gian này, không ít bạn trẻ tỏ ra thích thú, say sưa ngắm nhìn những chiếc chụp đèn tráng men “cổ lỗ sỹ,” chiếc quạt con cóc, quạt tai voi hoen gỉ, chiếc tivi đen trắng to như một cái thùng sắt chứa đồ, những bát tráng men sứt mẻ - dấu tích của một thời khó khăn. “Một không gian khác hoàn toàn với những xô bồ, ồn ã, tấp nập ngoài kia. Tôi được trải nghiệm những cảm xúc mới để hiểu hơn những giá trị của cuộc sống hiện tại khi biết được thế hệ ông bà, cha mẹ mình đã sống và vươn lên như thế nào” - Một bạn trẻ nói khi đang say sưa ngắm nhìn những đôi dép cao su mòn vẹt theo thời gian.

Khách đến với quán ăn uống  không chỉ để thưởng thức hương vị của những thức ăn, đồ uống một thời khó khăn, mà còn để ngắm nhìn, để hoài niệm. Trong cuộc sống xô bồ của thời nay, với quán ăn theo kiểu thời bao cấp khiến mỗi thực khách có một phút lắng lại với quá khứ. 

Châu Anh - Hoa Hạ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Mất ngủ và thuốc Đông y: Vì sao niềm tin bị lung lay?

Trong nhiều thế kỷ, Đông y đã là một phần quan trọng trong y học và văn hóa của nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại ngày nay, niềm tin...
4 tháng trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh