CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:27

Sao giống thời bao cấp thế ???

 

Lứa chúng tôi cùng học cấp 3 ở vùng đồng chiêm trũng, ngoài giờ học còn phải đi làm đồng, cả bọn thường tụ tập tát bắt cá, đánh giậm, mò cua, bắt ốc  cuộc sống vất vả, nhưng rất vui và vô tư. Đã đến tuổi U 50 cả rồi, mấy anh em đồng môn cùng sống tại Hà thành, nên thỉnh thoảng tụ tập uống rượu bia, tâm sự, chia sẻ vui buồn vào những ngày chủ nhật, lễ tết.

Còn nhớ, lần tới nhà bạn dịp Tết, tôi thấy bày biện gọn gàng, ngăn nắp, nhà rất nhiều chậu hoa, cây cảnh ai đến chơi cũng thích. Nhưng bây giờ, mỗi lần khách đến nhà, xe máy phải để ngoài đường, nhường chỗ cho 4 cái chum sành lớn. Tò mò, tôi hỏi sao nhiều chum thế ? Bạn trả lời: “Toàn thực phẩm sạch đấy. Một chum ngâm rượu mận, chum ngâm rượu táo mèo, chum gạo trắng quê, chum chứa gạo lứt... Hôm nay, tôi chiêu đãi các bạn toàn thức ăn sạch gạo, gà, rau, rượu quê luôn...”.

Trồng rau trên sân thượng với nhiều gia đình ở Hà Nội, không chỉ là thú vui, mà còn cung cấp thực phẩm sạch.


 Thấy tôi ngạc nhiên, bạn lý giải, bây giờ mọi người phải tích trữ thực phẩm sạch giống thời bao cấp, bởi thực phẩm mua ở chợ phố bây giờ không rõ nguồn gốc, nguy hiểm lắm. Theo lời bạn, mỗi tháng gia đình anh về quê một lần, tháng này về bên nội, tháng sau bên ngoại, khi trở lại Thủ đô là một xe đủ loại gà, vịt, chuối, rau, mít, chanh, đu đủ... mùa nào thức nấy, trông cứ như đi buôn.

Bạn kể, mấy anh em cùng cơ quan còn rủ nhau trồng rau, nuôi gà, lợn sạch ở ngoại thành, thực phẩm an toàn và rất rẻ. Trang trại trồng rau, nuôi lợn, gà là của một anh trong nhóm, việc chăm sóc, nuôi trồng thì thuê ngay bác nhà bên cạnh với tiền công 2 triệu đồng/ tháng (thực phẩm cung cấp đủ cho 10 gia đình), thỉnh thoảng lên trang trại mổ lợn “đánh đụng” như thời bao cấp, rồi cùng đánh chén một bữa, sau đó chia các nhà mang về để tủ lạnh ăn dần.  Vào gian bếp, tôi thấy đủ các loại chum đỗ xanh, cạnh là chiếc máy làm giá đỗ; tủ lạnh loại lớn chứa rau sạch, tủ bảo ôn các loại thịt sống… và một chum đựng chè sạch của cậu em ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên) cung cấp.

Trong lúc chờ uống rượu, tôi bảo mấy anh lên sân thượng làm vài séc bóng bàn. Bạn tôi bảo ngay : “Xin lỗi các bạn, không còn chỗ kê bàn chơi bóng đâu, bây giờ là vườn rau sạch đủ loại, rồi là chỗ để các chậu hoa cây cảnh…”. Nghe vậy, tôi chặc lưỡi: “Tiếc quá, vậy là không còn chỗ chơi thể thao, thư giãn…”. Bạn tôi thủng thẳng bảo, nhà ai bây giờ chẳng vậy, sân thượng nhà chung cư bên cạnh chia mỗi gia đình một ô chừng 2m2, sau đó bốc thăm, ai được ô nào tổ chức trồng rau vào ô nấy (các gia đình có thể tự đổi chỗ và chuyển nhượng cho nhau). Nghe vậy, tôi buột miệng, sao cuộc sống giống thời bao cấp quá??? Bạn tôi cười, khẳng định: “Đúng rồi, rất giống, chỉ khác là bây giờ không thấy ai nuôi lợn tại gầm cầu thang thôi…”.Từ nhà bạn ra về, tôi cứ nghĩ mãi, cuộc sống đã có rất nhiều thay đổi, văn minh, hiện đại vậy mà sao rất nhiều gia đình vẫn phải tích trữ lương thực, thực phẩm như thời bao cấp như vậy? Lẽ ra, theo phân công của xã hội, nông dân trồng rau, nuôi gà, lợn, còn cán bộ, công chức hưởng lương, thì ra chợ siêu thị mà mua lương thực, thực phẩm chứ. Ai lại, nhà trên phố chật hẹp, lại đi trồng rau, nuôi gà vịt… Chợt nhớ, báo chí đưa tin, hiện trên thị trường có trên 5.000 loại phân bón, hơn 2.000 loại thuốc bảo vệ thực vật, nhưng dù có cơ quan quản lý (thuộc ngành NN&PTNT), nhưng quản lý thế nào, quy trình ra sao mà tình trạng rau, thịt không đảm bảo an toàn, ngộ độc thực phẩm nhiều, khiến xã hội lo lắng.

Lời phát biểu của đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ lại ngắn và dễ dàng thế…”, ngẫm lại không phải là lời nói cho vui. Mong sao mỗi cán bộ công chức, viên chức, sau những giờ làm việc, rời công sở, lại không phải tất bật với mấy luống rau, không phải loay hoay làm giá đỗ, lo cho bữa ăn gia đình….

ĐÀO THỊNH/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh