THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:40

Cụ thể hóa việc phân loại, đánh giá cán bộ công chức

Ảnh minh họa

Xây dựng tiêu chí cụ thể trong hoạt động chuyên môn

 Tại Hội nghị cán bộ, công chức, người lao động năm 2016 của Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, đa số đại biểu đều thống nhất nhận định các quy định nêu tại Nghị định số 56/2015/NĐ ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức chỉ có tính nguyên tắc, không thể đề cập đến hoạt động chuyên môn của từng đơn vị, trong khi việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, người lao động hàng năm cần những tiêu chí cụ thể, rất quan trọng, tạo hiệu ứng, động  lực cho cán bộ, công chức, người lao động phấn đấu trong những năm tiếp theo. Vì vậy, mọi người đều đề nghị Lãnh đạo đơn vị nghiên cứu, ban hành các tiêu chí cụ thể để đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, người lao động hàng năm, áp dụng riêng cho Thanh tra Bộ.

Xuất phát từ nguyện vọng của cán bộ, công chức, người lao động và yêu cầu quản lý, đào tạo một đội ngũ cán bộ thanh tra “là tai mắt của trên, là người bạn của dưới” như mong muốn của Bác Hồ kính yêu, ngày 16/2/ 2017, Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đã ký Quyết định số 16 /QĐ-TTr ban hành Quy chế đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, người lao động.

Quy chế đã quy định về nguyên tắc, căn cứ, nội dung, trình tự, thủ tục, tiêu chí, thẩm quyền đánh giá và phân loại cán bộ, công chức và người lao động  đang công tác tại Thanh tra Bộ nhằm cụ thể hóa việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức theo quy định tại Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức, áp dụng đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ từ Phó Chánh thanh tra trở xuống và người lao động thuộc Thanh tra Bộ. Riêng đối với Chánh thanh tra, căn cứ bảng tự chấm điểm ban hành kèm theo quy chế, Chánh thanh tra Bộ tự đánh giá, phân loại vào thời điểm cuối năm, làm cơ sở cho việc Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Bộ lấy ý kiến đánh giá đối với người đứng đầu đơn vị.

Việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức nêu tại Quy chế vẫn phải đảm bảo nguyên tắc đánh giá, phân loại theo Điều 3 Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ và được thực hiện theo vị trí công việc được giao của từng cán bộ, công chức và người lao động, đảm bảo đánh giá toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ mà mỗi cá nhân phải đảm nhận, dựa trên cơ sở các tiêu chí rõ ràng, minh bạch.

Căn cứ để đánh giá, phân loại được cụ thể hai nhóm đối tượng không giữ chức vụ và giữ chức vụ lãnh đạo. Theo đó, đối với công chức không giữ chức vụ lãnh đạo phải căn cứ việc chấp hành pháp luật của Nhà nước, các quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị; kết quả thực hiện nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác được phân công hoặc được giao chỉ đạo, tổ chức thực hiện; hoàn cảnh và điều kiện tác động tới việc thực hiện nhiệm vụ của công chức trong thời hạn đánh giá; bản tự đánh giá, phân loại của cá nhân theo tháng và bảng tổng hợp đánh giá, phân loại theo quý của Phòng, của Lãnh đạo đơn vị; kết quả thanh tra, kiểm tra của cấp có thẩm quyền đối với tập thể, cá nhân trong kỳ đánh giá. Đối với Lãnh đạo phòng, Lãnh đạo đơn vị, Trưởng vùng, ngoài các căn cứ nêu trên còn phải căn cứ vào kết quả hoạt động của đơn vị, của phòng, vùng được giao phụ trách.

 

Hoạt động nâng cao nghiệp vụ của các Thanh tra Bộ

Tránh nể nang trong đánh giá cán bộ, công chức

Quy chế cũng đã nêu cụ thể căn cứ xác định tiêu chí đánh giá, gồm các tiêu chí được quy định tại Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ; các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ và Thanh tra Bộ, của từng chức danh công việc trong đơn vị; nội quy, các quy chế của Bộ và Thanh tra Bộ; yêu cầu của người giao việc; vị trí việc làm và bản mô tả vị trí việc làm đối với chức danh công việc mà cán bộ, công chức, người lao động được giao. Ngoài ra, còn phải căn cứ vào các quy định khác có liên quan của tổ chức đảng, đoàn thể, nơi cán bộ, công chức, người lao động tham gia.  Các tiêu chí đánh giá được phân thành hai loại, tiêu chí chung và tiêu chí cụ thể, được quy định trong Bảng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ kèm theo Quy chế, được đánh giá theo điểm. Trong đó điểm đánh giá tiêu chí chung tối đa 30 điểm; điểm đánh giá tiêu chí cụ thể  tối đa 70 điểm (trong đó có 10 điểm thưởng sáng kiến, cải tiến công việc).

Quy chế cũng đã quy định nguyên tắc trừ điểm và cộng điểm: trên cơ sở tổng điểm tối đa cho hai nhóm tiêu chí, các cá nhân sẽ bị trừ dần những nội dung không thực hiện, chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng, không đúng, chưa hết chức trách, nhiệm vụ cho đến khi hết tổng điểm ban đầu. Mỗi hành vi vi phạm tại một thời điểm bị trừ điểm một lần. Đối với cộng điểm, chỉ cộng đối với những sáng kiến cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả, vượt mức kế hoạch công việc so với yêu cầu bình thường của công việc đó. Điểm đánh giá, phân loại kết quả trong tháng được tính theo phương pháp tính bình quân tổng điểm của các vị trí công việc mà một cá nhân phải thực hiện trong tháng. Điểm đánh giá, phân loại kết quả cuối cùng trong quý được tính trên cơ sở điểm đánh giá, phân loại kết quả cuối cùng hàng tháng và được tính theo phương pháp tính bình quân tổng điểm của các tháng trong quý. Điểm đánh giá, phân loại kết quả cuối cùng trong năm được tính trên cơ sở điểm đánh giá, phân loại kết quả cuối cùng hàng quý và được tính theo phương pháp tính bình quân tổng điểm 4 quý.

Căn cứ vào kết quả chấm điểm theo Bảng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, công chức, người lao động được phân loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nếu đạt điểm trung bình từ 91 điểm trở lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ nếu đạt điểm trung bình từ 71 đến 90 điểm, hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực nếu đạt điểm trung bình từ 50 đến 70 điểm và không hoàn thành nhiệm vụ nếu đạt điểm trung bình dưới 50 điểm.

Ngoài ra, Quy chế cũng đã quy định cụ thể quy trình đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, người lao động gồm các bước cụ thể. 

Kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chính sách khác đối với công chức. Công chức 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ thì Lãnh đạo đơn vị trình Bộ giải quyết thôi việc.

Để đảm bảo thực hiện, Quy chế đã quy định Chánh thanh tra có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Phó Chánh thanh tra, Lãnh đạo đơn vị được giao phụ trách phòng, vùng  phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Trưởng phòng, Trưởng vùng. Trưởng phòng có trách nhiệm phân công công việc cho Phó Trưởng phòng và từng thành viên trong phòng bằng bảng phân công công việc và phân công công việc theo kế hoạch tháng, quý, 6 tháng. Trưởng vùng có trách nhiệm phân công công việc cho từng thanh tra viên phụ trách vùng. Đối với các công việc đột xuất, Lãnh đạo đơn vị, Lãnh đạo phòng có trách nhiệm giao nhiệm vụ cụ thể bằng cách nhập vào mục hoạt động trong trang thông tin điện tử (mục ethanhtra) để phân công và theo dõi tiến độ công việc; sử dụng chức năng xử lý văn bản đến trong ethanhtra để theo dõi tiến độ và chất lượng công việc. Đối với công việc kéo dài nhiều tháng, Lãnh đạo đơn vị, Lãnh đạo phòng giao việc hướng dẫn cấp dưới lập kế hoạch chia nhỏ từng bước để giao và đánh giá theo tháng.


NGUYỄN TIẾN TÙNG (Thanh tra viên cao cấp, Chánh thanh tra Bộ)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh