Sinh viên 85 tuổi vẫn miệt mài đi học đại học mỗi ngày
- Giáo dục nghề nghiệp
- 15:38 - 11/10/2018
Cụ Cao Nhất Linh đọc thơ tự sáng tác trong ngày khai giảng năm học mới 2018-2019. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Viết tiếp giấc mơ đại học
Cụ Linh cho biết, từ nhỏ cụ đã rất ham học và học đại học là niềm khát khao cháy bỏng. Tuy nhiên, do điều kiện gia đình, cụ đã phải gác lại ước mơ ấy để lao vào cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền, nuôi gia đình. Cụ từng trải qua nhiều nghề, đi làm công nhân, rồi làm thợ nề, thợ mộc.
Không được đến trường nhưng cụ Linh vẫn mua sách vở về tự học. Cụ cho biết, trong thời gian làm công nhân, từ năm 1956, dù ở tận nơi rừng núi của tỉnh Sơn La, cứ lúc rảnh rỗi buổi tối là cụ mang sách ra học. Năm 1968, cụ về Hà Nội đăng ký thi chứng chỉ tốt nghiệp cấp ba hệ bổ túc văn hóa với tư cách là thí sinh tự do. “Chính chứng chỉ ấy đã là tấm visa để tôi tiếp tục việc học sau này”, cụ Linh nói.
Khi cuộc sống khấm khá hơn, con cái trưởng thành, có điều kiện về kinh tế và thời gian để theo đuổi việc học, thì cụ Linh lại đã ở tuổi bát tuần. Tuy vậy, không để tuổi tác và sức khỏe trở thành rào cản thực hiện ước mơ từ thuở thiếu thời, cụ quyết tâm chinh phục tấm bằng đại học. Ở tuổi 80, cụ bắt đầu sự nghiệp học hành, ôn thi đại học cùng các học sinh 18 tuổi.
Năm 2015, cụ đăng ký học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, chuyên ngành Báo in của Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Năm 2017, cụ dự thi hệ văn bằng hai của Đại học Luật Hà Nội và đạt 11 điểm, chỉ thiếu đúng một điểm so với điểm chuẩn của trường là 12 điểm. Bị trượt, nhưng cụ không nản chí mà vẫn miệt mài ôn tập.
Cũng trong năm 2017, cụ tiếp tục dự thi vào ngành Luật Kinh tế của Đại học Đông Đô, hệ chính quy, và vừa đủ điểm đỗ.
“Tôi rất yêu thích ngành luật và triết học. Khi biết đỗ vào Đại học Đông Đô, tôi đã rất vui sướng vì ước mơ của cả cuộc đời mình đã trở thành sự thật. Phải chờ đợi cả đời mới có cơ hội này nên tôi rất trân trọng việc học", cụ Linh xúc động nói.
Theo cụ Linh, việc cụ đi học nhận được sự ủng hộ lớn từ gia đình, các con cháu và người vợ năm nay đã 88 tuổi.
Tuy đã 85 tuổi, cụ vẫn tự đạp xe đến trường mỗi ngày. Từ nhà đến trường khoảng 3 km, cụ Linh mất 25 phút đi xe đạp.
Mong thế hệ trẻ bớt nhìn điện thoại
Học cùng lớp với những “bạn” chỉ bằng tuổi cháu mình, nhưng cụ Linh không cho rằng đó là một khó khăn mà ngược lại, là niềm vui giúp cụ trẻ hơn. “Các bạn trẻ rất thông minh, nhưng tôi cũng vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn nên tôi không gặp khó khăn gì khi học cùng họ. Hơn thế, họ rất vui tính nên tôi lại thấy mình trẻ hơn khi trò chuyện với họ mỗi ngày", cụ Linh vui vẻ chia sẻ.
“Tuy nhiên, tôi thấy các bạn trẻ ngày nay dùng điện thoại hơi nhiều. Tôi nghĩ họ nên bớt nhìn điện thoại và tập trung hơn cho việc học tập để phát triển bản thân, đất nước và hội nhập quốc tế", cụ Linh nói.
Đã thực hiện được ước mơ bước chân vào giảng đường đại học, nhưng cụ Linh cho biết chặng đường phía trước của mình cũng có nhiều khó khăn vì hiện cụ mới là sinh viên năm thứ hai và phải đến năm 2021 mới có thể tốt nghiệp, trong khi năm nay cụ đã 85 tuổi.
“Nếu tính cả tuổi mụ thì tôi đã 86 tuổi. Tôi chỉ mong sao mình thật khỏe mạnh để có thể sống, tiếp tục học tập cho đến ngày được khoác áo cử nhân, đội mũ ô sa và nhận tấm bằng đại học", cụ Linh xúc động nói.
Cụ ông cũng thẳng thắn cho biết, trong điều kiện xã hội hiện nay, khi tệ nạn bằng cấp giả tràn lan, cụ hoàn toàn có thể mua được ngay lập tức một tấm bằng đại học, thậm chí bằng tiến sỹ. “Nhưng làm như vậy thì thật xấu hổ với một con người chân chính, nên tôi vẫn phải đến trường. Đi học giúp tôi mở mang tri thức, mỗi ngày tôi lại thấy mình có thêm được kiến thức mới. Tôi rất hạnh phúc", cụ Linh chia sẻ.
Ở tuổi 85, cụ Linh không chỉ là một sinh viên đại học chính quy mà còn là Chủ tịch câu lạc bộ thơ Đường Luật Việt Nam, chi bộ Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Cụ có “gia sản” khoảng 3.000 bài thơ.
“Gia đình luôn ủng hộ cụ trong việc học. Đi học giúp cụ sống vui hơn, khỏe hơn, minh mẫn hơn, và là tấm gương sáng để con cháu noi theo", ông Cao Văn Du, cháu của cụ Linh, nói.