THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 12:05

“Cú huých 30a” cho Như Xuân thoát nghèo: Luồng gió mới từ Nghị quyết 30a

Từ huyện nghèo 30a 

Nhớ về những ngày đầu năm 2009, Như Xuân là một trong 7 huyện nghèo của tỉnh Thanh Hoá nằm trong 62 huyện nghèo nhất cả nước khi đó, cơ sở hạ tầng đường, điện, trường, trạm còn rất khó khăn, ngoài đường liên huyện, có đến 80% đường liên xã đã xuống cấp, địa hình hiểm trở. Trước đây, khi nói đến vùng 6 Thanh (Thanh Quân, Thanh Xuân, Thanh Hoà, Thanh Phong, Thanh Lâm, Thanh Sơn) của Như Xuân hẳn mọi người đều cảm thấy ái ngại vì giao thông cách trở. Đây là khu vực mà điều kiện kinh tế - xã hội thấp hơn so sới các khu vực còn lại trong huyện. Cơ cấu kinh tế vùng 6 Thanh chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông, lâm, thuỷ sản. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao, thời điểm 2008 có xã tỷ lệ hộ nghèo lên tới trên 60%. 

 

Anh Nguyễn Văn Cường, thôn Thanh Xuân


Chuyến đi về xã Thanh Quân (xã xa nhất của huyện Như Xuân giáp với tỉnh Nghệ An), từ trung tâm huyện lên đến trung tâm xã gần 50km mà mất gần 2 giờ đi xe ô tô u oát mới “bò” được lên đến nơi, đường núi gồ ghề, nhiều “ổ trâu”, “ổ gà” trên cả chặng đường như đánh bẫy người tham gia giao thông, khiến nhiều xe bị mắc kẹt trên chặng đường. Lên đến nơi, chúng tôi chỉ nhìn thấy những bãi đất đã san bằng cả ruộng, cả đường giao thông, không biết nơi nào là đường, nơi nào là ruộng vì mới cách đây 2 đêm, xã Thanh Quân bị lũ kéo về làm đất đá tràn theo cơn lũ đổ xuống các thôn bản, đường giao thông và ruộng bị vùi lấp trong lũ, khi nước rút chỉ còn trơ lại đất và đá, các bản bị thiệt hại nặng nề gia súc, gia cầm, hoa màu. Nhiều hộ dân Thanh Quân chủ yếu sinh sống bằng chăn nuôi, trồng lúa và trồng rừng, thu nhập thấp, đời sống bà con còn gặp rất nhiều khó khăn, mạng lưới đường giao thông đi lại khó khăn, nhiều thôn bản chưa có điện lưới, các trạm y tế thì tạm bợ, không đảm bảo điều kiện chăm sóc sức khoẻ cho người dân. 

Nhưng đó là câu chuyện của 9 năm về trước, từ khi tuyến đường từ thị trấn Yên Cát đến xã Thanh Quân đi qua các xã: Yên Lễ, Cát Tân, Cát Vân, Thanh Xuân, Thanh Sơn được hoàn thành, đã góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn miền núi của cả vùng 6 Thanh của Như Xuân. Trở lại sau 10 năm, chúng tôi ngỡ ngàng với sự thay đổi của Như Xuân. Từ thị trấn Yến Cát cho đến các xã vùng xa của huyện cũng đã khoác trên mình một diện mạo mới, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư, nâng cấp, đường giao thông thuận lợi hơn, trường, trạm y tế khang trang, đường diện đến tận từng thôn, bản, từng nhà dân, đời sống người dân được nâng lên, nhiều gia đình đã vươn lên thoát nghèo làm giàu chính đáng. Dọc đường đi qua các xã của Như Xuân, qua các thôn bản, đâu đâu cũng treo băng rôn với khẩu hiệu: “Siêng năng chăm chỉ sẽ thoát nghèo, ham làm tính giỏi, ắt giàu nhanh”, “Xuất khẩu lao động là con đường giảm nghèo nhanh nhất”, “Cải tạo vườn tạp là góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững”... 

Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Như Xuân Lê Đình Chuyên cho biết: “Không chỉ là nêu cao tinh thần bằng các khẩu hiệu băng rôn, áp phích, pa nô khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo, hàng tháng huyện đều cử cán bộ xuống thôn, bản để tư vấn, hướng dẫn khoa học - kỹ thuật với phương thức cầm tay chỉ việc cho từng hộ dân, với hơn 200 hộ trồng gần 9 ha cỏ chăn nuôi, 35 ha rau các loại, 20 ha cây ăn quả, đào và xây mới 772 hố rác, sửa chữa nâng cấp và xây mới 532 ngôi nhà.... Các xã, thị trấn ngay từ đầu năm đã xây dựng kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững. Đến nay, toàn huyện còn 3.709 hộ nghèo (chiếm 22,22%), 2.515 hộ cận nghèo (chiếm 15,07%). Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện cuối năm 2018 giảm xuống còn 14,92%".  

Đột phá từ các xã nghèo nhất

Về Thanh Quân - xã nghèo nhất huyện Như Xuân để tìm hiểu về công tác giảm nghèo. Tiếp chúng tôi Phó Chủ tịch xã Hoàng Minh Thiết cho biết: “Thanh Quân là xã nằm ở điểm cuối của vùng 6 Thanh, 10 năm qua nhờ được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nên kinh tế - xã hội của xã đã phát triển hơn trước. Xác định công tác xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ hàng đầu, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức hội, đoàn thể xã Thanh Quân đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực như tuyên truyền cho nhân dân sử dụng phân viên dúi sâu vào thâm canh lúa; cải tạo vùng đất hoang hóa, đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như bưởi Diễn, ổi, mít... vào sản xuất. Quan tâm phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại tổng hợp. Hiện đã xây dựng được 4 trang trại trâu, bò ở thôn Làng Trung, xây dựng mô hình trang trại gà tại thôn Chiềng Cà 1, Ná Cà 2... Nhờ vậy đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm (theo phương pháp nghèo đa chiều), như năm 2016 trên địa bàn xã có 711 hộ nghèo, chiếm 60,1%, sau 2 năm thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo đến nay còn 575 hộ nghèo, chiếm 48,4%, giảm 136 hộ. Tính chung tỷ lệ hộ nghèo hiện giảm còn 39,09%, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 14,84 triệu đồng/người/năm, đến nay gần 19 triệu đồng/người/năm”.

Để minh chứng cho những gì đã trao đổi, Phó Chủ tịch Hoàng Minh Thiết dẫn chúng tôi đến thăm hộ anh Vi Văn Thuấn ở thôn Làng Trung, xã Thanh Quân. Chia sẻ niềm vui, anh Thuấn cho biết: “Gia đình được vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Như Xuân để phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này cộng với vốn tự có, gia đình tôi đã mua 4 con bò cái sinh sản. Sau hơn 1 năm, đàn bò đã sinh  2 con bê, hiện gia đình tôi đã thoát khỏi hộ nghèo”. 

 

Đàn bò của gia đình anh Vi Văn Thuấn

 

Với gia đình anh Nguyễn Văn Cường (SN 1987) thôn Thanh Xuân, xã Hóa Quỳ, bị khuyết tật, lại thiếu đất canh tác, cuộc sống hết sức khó khăn. Để cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, gia đình anh đã mạnh dạn mượn đất để canh tác, tăng thu nhập. Được Nhà nước hỗ trợ vốn, anh vay thêm Ngân hàng Chính sách xã hội mua một con trâu sinh sản, động viên các thành viên trong gia đình siêng năng, chăm lo phát triển kinh tế. Dẫu vậy, cái nghèo, cái khó vẫn bám riết bởi nhiều thành viên trong gia đình còn ở tuổi phụ thuộc; bố, mẹ đẻ già yếu và bệnh tật. Nhờ tiếp cận chính sách xuất khẩu lao động không mất phí, vợ anh Cường đã đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Từ nguồn vốn vợ gửi về 10 triệu đồng/tháng, anh Cường đầu tư chăn nuôi đàn bò sinh sản. Sau nhiều năm, hiện gia đình anh đã nhân đàn lên được 20 con trâu, bò. Chăn nuôi an toàn cho thu nhập ổn định, gia đình anh Cường đạt thu nhập 3,2 triệu đồng/người/tháng và được công nhận hộ thoát nghèo. Đến nay, gia đình anh Cường đã có 16 con bò và 3 con trâu, hằng năm cho tổng thu nhập hơn 100 triệu đồng. 

Cũng như Thanh Quân, cấp ủy, chính quyền xã Yên Lễ đã tập trung tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân, không trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Chủ tịch UBND xã Yên Lễ Lê Ngọc Hồng chia sẻ: “Chúng tôi phát huy vai trò tiên phong gương mẫu, nêu gương đi trước, làm trước của cán bộ, đảng viên trong việc chuyển đổi cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, coi đây là những khâu đột phá để phát triển kinh tế. Năm 2015, xã Yên Lễ đã xây dựng nhiều mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao, như: Quy hoạch phát triển nguyên liệu cây cao su, sắn, mía... mạnh dạn đầu tư trồng cây cam, bưởi... cho giá trị kinh tế cao, nhiều hộ dân đã xây dựng mô hình thâm canh, luân canh cây ngắn ngày kết hợp với cây dài ngày cho thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/năm”.

“Cú huých” mạnh trên các lĩnh vực

Nghị quyết 30a được ví như luồng gió mới làm thay đổi mạnh mẽ đời sống chính trị, kinh tế - xã hội huyện Như Xuân. Giai đoạn 2009 - 2018, những hiệu quả to lớn mà Nghị quyết đem lại cho huyện nghèo Như Xuân khó có thể cân, đo, đong, đếm được hết. Bí thư huyện ủy Nguyễn Văn Mạnh nhớ lại: “Sau khi tiếp thu tinh thần Nghị quyết 30a, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết về chủ trương, giải pháp lãnh đạo thực hiện Nghị quyết 30a. Nghị quyết 30a chính thức khởi động tại Như Xuân. Sau đó, UBND huyện xúc tiến thành lập các ban chỉ đạo công tác giảm nghèo và thực hiện Nghị quyết 30a từ huyện đến xã, thị trấn, huy động tổng lực sức mạnh toàn hệ thống chính trị, toàn dân vào cuộc. Nghị quyết 30a đã tạo ra những "cú huých” mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đặc biệt là công tác xóa đói giảm nghèo, giúp huyện Như Xuân  ra khỏi huyện nghèo 30a của cả nước”.

Năm 2009, các chủ trương, chính sách của Nghị quyết 30a, người dân Như Xuân, ngay cả đội ngũ cán bộ cơ sở xã, thị trấn, thôn, bản…chưa mấy ai hiểu hết ngọn ngành. Một “chiến dịch” tuyên truyền sâu rộng nhanh chóng triển khai để học tập, quán triệt về Nghị quyết 30a, về đề án phát triển kinh tế - xã hội nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009 - 2020 diễn ra trong toàn Đảng bộ và người dân trên địa bàn huyện Như Xuân. Các nội dung, định mức hỗ trợ 30a của Chính phủ và nội dung cơ bản từ đề án được phổ biến đến tận khu dân cư, thôn, bản. Trong năm 2009, hàng nghìn bộ tài liệu tuyên truyền về Nghị quyết 30a và các văn bản liên quan được phát tận tay những đối tượng hưởng lợi. Mục tiêu Nghị quyết 30a được cụ thể hóa tại huyện Như Xuân là tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, bảo đảm đến năm 2020 có mức sống ngang bằng các huyện khác trong tỉnh, hỗ trợ phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hoá, khai thác tốt những thế mạnh địa phương, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm của huyện.

Giai đoạn 2009 - 2018, ngân sách Trung ương đã hỗ trợ cho Như Xuân 425,339 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết 30a, trong đó vốn đầu tư phát triển 311,794 tỷ đồng; vốn sự nghiệp 113,545 tỷ đồng. Ngân sách địa phương đã bố trí trên 30 tỷ đồng để thực hiện lồng ghép các chính sách giảm nghèo chung. Ngoài ra, vốn hỗ trợ của doanh nghiệp 23,056 tỷ đồng; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án giảm nghèo khác 437,875 tỷ đồng. Từ các nguồn lực đó, trên địa bàn huyện đã đầu tư xây dựng 32 công trình theo Chương trình 30a, gồm: 20 công trình hồ đập, 11 công trình giao thông, 1 trường học với tổng mức đầu tư 318,749 tỷ đồng và 12 công trình (trạm y tế xã) từ vốn doanh nghiệp hỗ trợ. Kết quả mục tiêu giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2010 - 2015 của Như Xuân đã giảm 6,7%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 giảm 7,57%/năm. Ngày 7/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định huyện Như Xuân ra khỏi danh sách các huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020, một tín hiệu đáng mừng, "cú huých” để các huyện 30a còn lại của Thanh Hóa nỗ lực vươn lên.  

 Bên cạnh niềm vui thoát nghèo cũng là nỗi lo và sự trăn trở của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Như Xuân, đó là làm sao để thoát nghèo bền vững?!.

(Kỳ 2: Mừng và lo khi thoát khỏi huyện nghèo 30a)

THU HƯƠNG - ANH TUẤN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh