THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 11:15

Cụ già 84 tuổi sống buồn tủi, bệnh tật, không nhớ nguồn cội

 

Một số người trong làng cho biết, cách đây mấy chục năm, khi họ đến đây đã thấy cụ đi làm thuê và sống tạm bợ trong một túp lều đơn sơ hoang hoá phía góc làng. Rồi tuổi già sầm sập kéo đến, cụ không còn sức chống chọi, đành sống nhờ vào chút lòng trắc ẩn của bà con trong làng. Ngay những công việc thường ngày như vệ sinh, tắm giặt, thay quần áo cụ cũng không thể tự làm.

Bà Trần Thị Trâm - hỗ trợ viên của CLB liên thế hệ tự giúp nhau - thường xuyên đến chăm sóc, giúp đỡ cụ Minh.

Bà Nguyễn Thị Cam - một hàng xóm sống sát cạnh nhà cụ Minh  kể: "Cụ không con, không gia đình, không biết quê hương bản quán, cũng chẳng người thân thích, họ hàng, ruột thịt. Những năm trước còn khỏe, ai thuê gì cụ làm nấy, nay già yếu không thể tự làm nổi việc gì. Có hôm, tôi phải thổi thêm cơm, nắm thành từng nắm mang sang cho cụ”.

Kể về cụ Minh, bà Trần Thị Trâm - hỗ trợ viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) nói: “Trong thôn có nhiều cảnh đời trớ trêu, nhưng hoàn cảnh của cụ Minh đúng là dưới gầm trời này có một. Tôi đã đề nghị với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, CLB LTHTGN đưa cụ vào danh sách những người cần trợ giúp khẩn cấp". Thấy cụ không có nhà ở, CLB LTHTGN phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, nhân dân làng trên xóm dưới hùn sức dựng cho cụ một nếp nhà nho nhỏ. Hôm chúng tôi đến thăm, túp lều rách nát của cụ được thay bằng nếp nhà khá kiên cố, có sân, bếp, tường rào bao quanh, giường chiếu và chăn màn đầy đủ. Bao năm sống trong bóng tối, giờ ngôi nhà của cụ Minh đã sáng ánh đèn.

Bà Trâm nói tiếp: “Cụ già lắm rồi, không nhớ đâu. Suốt ngày cụ ngồi, muốn đi thì tự lết, thi thoảng có ai đến thăm cho gì, cụ chỉ biết gật. Tôi mới bỏ 37.000 đồng, nhờ mấy chú bên cạnh mắc cho bà một cái bóng điện. Tôi bảo mấy chú để công tắc điện gần nơi cụ ngồi để cụ tiện bật lên. Tiền điện khi thì CLB trả, khi thì thôn cho. Có hôm, 23h đêm, tôi đi tập văn nghệ về, thấy cụ ngồi bất động. Tôi hỏi, sao cụ không bật điện lên cho sáng nhà. Cụ bảo, ôi giời ơi, nhớ thì bật, không nhớ thì đành chịu thôi”. Theo bà Trâm, từng ấy năm cũng chẳng thấy cụ nhắc gì tới con cái, gia đình, không hiểu sự tình ra sao.

Một lần, cụ Minh dò dẫm đi vệ sinh, lẩy bẩy thế nào ngã gãy xương. Tuổi già sức yếu, cụ không đứng lên được, cứ nằm gục trên đất lạnh như thế. May thay, hàng xóm phát hiện kịp thời. Sau cú ngã ấy, cụ Minh yếu hẳn, không đi lại được, chủ yếu bò lết trên mặt đất. Nghèo khó, túng bấn, giờ lại thêm bệnh tật đớn đau, cụ thường xuyên phải thuốc thang, nằm viện. Thấy hoàn cảnh của cụ, xóm làng có giúp đỡ chút đỉnh, Nhà nước cũng trợ cấp hằng tháng gần hai trăm nghìn, nhưng có thấm gì ...

Lúc tỉnh lúc mê, cụ Minh nói với giọng thật thà: “Chết rồi thì tôi còn biết cái gì nữa. Tôi chỉ mong nhớ lại nơi sinh ra, để tìm về quê hương, nguồn cội và những đứa con của mình. Nếu trời có thương thì giúp cho tôi sống qua ngày đoạn tháng để hoàn thành tâm nguyện”. Hai cặp mắt đục mờ nhìn ra cánh đồng trước mặt. Từ sân nhà bà Minh chỉ nhướng một cái là thấy cánh đồng. Tuổi bà cũng vậy, rất gần với cánh đồng làng mênh mông ngoài kia.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh