Cầu treo ở xã Sơn Thọ (Hà Tĩnh): Góp phần đẩy nhanh công tác giảm nghèo
- Tra cứu phẫu thuật
- 01:47 - 09/08/2015
Cầu treo dân sinh Khe Tây bắc qua thôn 6, xã Sơn Thọ (Hà Tĩnh)
Ốc đảo nghèo.
Kể từ năm 1967, khi thôn 6, xã Sơn Thọ được thành lập, trên cơ sở hơn 20 hộ dân ven sông La lên khai hoang làm kinh tế mới, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Tới nay, mặc dù cuộc sống vật chất, tinh thần của người dân đã đổi thay rất nhiều, song thôn 6 vẫn là một trong những thôn khó khăn nhất thuộc huyện miền núi Vũ Quang, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 17%.
Một trong những hạn chế khiến cuộc cách mạng xóa đói giảm nghèo ở đây chậm chạp, là do thôn 6 nằm giữa vùng núi đồi cách trở, đường sá đi lại khó khăn. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ nơi này hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài, bởi các khe suối hết sức hung hãn, như khe Tiên, khe Trôi và khe Trươi, hay còn gọi khe Tây.Theo một số người dân trong vùng, sở dĩ có tên khe Tây, là vào thời Pháp thuộc có một tốp lính Pháp trong lúc đi tuần lội qua con khe này, bất ngờ nước lũ dâng cao nhấn chìm và cuốn trôi tất cả)
Nơi hợp lưu của khe Tiên và khe Trôi chảy ra khe Trươi trông hiền hòa khi thời tiết bình thường, nhưng rất nguy hiểm khi mưa lũ đến
Hiện thôn 6, xã Sơn Thọ có 43 hộ dân sinh sống và có đất sản xuất, trong đó có 29 em học sinh đang theo học các cấp phổ thông. Mọi sinh hoạt của người dân ở đây đều phụ thuộc vào thời tiết. Nếu những ngày nắng ấm bình thường,, bà con có thể lội qua khe Trươi thông ra đường Khe Ná- Chi Lời ra trung tâm xã; những ngày mưa gió, nước từ thượng nguồn đổ về dâng cao rất nhanh và chảy rất xiết nên không ai dám qua.
Khe Tiên chia cắt với cầu Gãy lúc thời tiết bình thường có vẽ hiền hòa, nhưng mưa lũ đến luôn rình rập hiểm mối hiểm nguy
Hơn ai hết, anh Bùi Đình Đức, Phó Xã đội trưởng Sơn Thọ- một công dân xóm 6, là người hiểu nhất về những mối hiểm nguy luôn rình rập tính mạng người dân quê anh. Bởi chính anh từng bị dòng lũ khe Trươi cuốn trôi vào năm 2004, trên đường anh đi làm về. Tuy vậy, thần may mắn đã đẩy anh mắc kẹt lại trên đám đọt tre võng xuống giữa dòng, sau khi anh bị cuốn trôi cách đó gần 500 mét.
Cách bến khe Tây không xa có chiếc cầu Gãy cũng bắc qua khe Trươi. Chiếc cầu nằm trên tuyến Khe Ná- Chi Lời qua xã Sơn Kim 2 thông ra đường 8A. Nhưng để vòng được ra cầu Gãy từ thôn 6 phải lội qua khe Tiên mới vòng được trở lại.
Khe Tiên chính là con khe tiềm ẩn nhiều mối hiểm nguy nhất, trước khi hội cùng với khe Trôi tạo thành khe Trươi. Từ cầu Gãy nhìn qua thôn 6 có vẽ rất gần nhưng lại rất cách trở bởi con khe Tiên và nơi hợp lưu của khe Tiên và khe Trôi, mà người dân ở đây gọi là “ngã ba chết”.
Cầu Gãy đi Khe Ná- Chi Lời bị khe Tiên chia cắt với thôn 6
Chiếc cầu xóa đói giảm nghèo
Với những lý do trên Dự án Cầu treo dân sinh Khe Tây, xã Hương Thọ, huyện Vũ Quang được ra đời, dựa theo tiêu chí lựa chọn vị trí xây dựng ưu tiên những vùng miền núi khó khăn, vượt suối có nguy cơ mất an toàn cao, những nơi kết nối với các công trình phúc lợi, như trường học, trạm y tế… theo Quyết định số: 1906/QĐ-BGTVT ngày 20/5/2014, về việc phê duyệt đề án cầu treo dân sinh đảm bảo an toàn giao thông trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên trong chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020.
Dự án cầu treo dân sinh Khe Tây xã Sơn Thọ được Tổng công ty tư vân thiết kế GTVT-CTCP ( TEDI) thuộc Bộ GTVT lập, được Viện KH&CN GTVT đóng dấu thẩm tra ngày 12/1/2014, so với kết cấu nhịp 70X2m, cầu có chịu tải 0,5 tấn. Dự án giao cho Ban quản lý Dự án 3 thuộc Bộ GTVT đại diện chủ đầu tư, với số vốn đầu tư trên 4 tỷ đồng, do Công ty cổ phần xây dựng 343 Hà Nội thi công, được khởi công xây dựng đầu quý I năm 2015 và hoàn thành đưa vào sử dụng vào quý II năm 2015.
Cầu treo dân sinh Khe Tây bắc qua khe Trươi vào mùa khô, một công trình mà người dân thôn 6, xã Sơn Thọ mong đợi từ lâu
Trước khi dự án cầu treo dân sinh Khe Tây được triển khai, nhiều hộ dân thôn 6 có đất đai nằm trong vùng ảnh hưởng, đã tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất mà không đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào. Trong đó có hộ ông Nguyễn Đình Chất (69 tuổi) hiến gần 500m2;hộ bà Nguyễn Thị Mỹ (46 tuổi) hiến gần 500m2 ; hộ ông Nguyễn Văn Bồng ( 46 tuổi) hiến gần 200m2…
Biết rằng, trên địa bàn Hà Tĩnh còn cần nhiều chiếc cầu dân sinh bắc qua để người dân được đi lại thuận tiện, nhưng với sự ra đời của chiếc cầu treo dân sinh Khe Tây đã làm thỏa lòng mong đợi suốt 48 năm của người dân thôn 6, xã Sơn Thọ, một trong những địa phương nghèo của cả nước.
Và cũng từ đây, nhịp cầu mới sẽ tạo nên bước ngoặt mới trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội…đối với vùng quê đầy trăn trở này.