THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 02:38

Cty Kumho - Việt Thanh xử ép người lao động ?

Thu tiền cọc, giữ bằng để dễ khống chế ?

Anh Lê Văn Bảo (quê ở Quảng Ninh), từng có thời gian dài lái xe cho Cty Kumho-Việt Thanh, phản ánh: Không hiểu theo quy định nào, nhưng trước khi được tuyển vào làm việc tại đơn vị này, người lao động (NLĐ) đều phải nộp lại bằng gốc và “ký quỹ” một khoản tiền nhất định.

Cụ thể, mỗi lái xe phải nộp trước 5 triệu đồng, cộng với mỗi tháng trích lương 1,5 triệu đồng, cho đến khi đủ 20 triệu đồng mới thôi. Các nhân viên bán vé cũng phải đặt cọc 2 triệu đồng tiền “đảm bảo”. Với quy định này, chẳng khác gì NLĐ buộc phải đeo “gông” để Cty dễ dàng “khống chế” !.

Chung bức xúc vì bị “xử ép”, lái xe Nguyễn Văn Tùng, cho biết: “Thời gian lái xe cho Cty Kumho-Việt Thanh, tôi luôn tuân thủ và chấp hành đầy đủ mọi nội quy, quy định của đơn vị. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, tháng 10/2012, lãnh đạo Cty đã cho tôi nghỉ việc với lý do “doanh thu thấp”.

Điều đáng nói, sau nhiều lần đến gặp lãnh đạo và gửi đơn đề nghị, cho đến nay tôi vẫn chưa được Cty trả lại tôi bằng lái xe gốc và 5 triệu đồng đặt cọc trước khi vào làm. Vì không xuất trình được bằng lái xe nên hơn 2 năm nay tôi chẳng thể xin được việc làm mới”. 

Anh Bùi Thế T.H, hiện đang làm việc tại Cty Kumho-Việt Thanh, cũng kể rằng, làm ở Cty hơn một năm nhưng anh chưa được ký hợp đồng lao động. Tuy thế, khi nghe có phóng viên đến làm việc, anh được triệu tập để ký vào hợp đồng do Cty tự lập với nhiều điều khoản vô lý.

Lái xe Nguyễn Văn V cho biết thêm, khi gặp tai nạn, NLĐ phải tự bỏ tiền túi ra để bồi thường cho nạn nhân đã đành, nhưng với các khoản chi phí sửa chữa, lái xe còn bị ép thanh toán với giá thành cao hơn nhiều lần so với bên ngoài. Có trường hợp, NLĐ bị ốm phải vào bệnh viện, dù người nhà đã gọi điện xin lãnh đạo Cty cho nghỉ, nhưng khi đi làm lại thì nhận được quyết định buộc thôi việc vì bỏ làm không có lý do !?

Khu vực bán vé của Cty Kumho-Việt Thanh tại Bến xe Mỹ Đình.

“Càng làm nợ càng tăng”

Theo phản ánh của các lao động đã từng làm việc và hiện còn làm ở Cty Kumho-Việt Thanh, không chỉ có các lái xe mới bị xử ép, mà đội ngũ nhân viên bán vé trên các chuyến xe cũng ở tình trạng tương tự. Chị Lê Thị Tuyển, nhân viên bán vé, phản ánh: “Đa số nhân viên bán vé là nữ, trước khi vào làm chúng tôi cũng được yêu cầu nộp bằng gốc (chủ yếu là bằng tốt nghiệp THPT) và đặt cọc 2 triệu đồng”.

Trong quá trình làm việc, chị Tuyển đã mấy lần bị phạt, hình thức phạt hết sức phi lý. Theo tài liệu chị Tuyển cung cấp, ngày 23/7/2014, chị quên xé 1 vé giá 120.000 đồng, bị Cty phạt 2,4 triệu đồng (gấp 20 lần). Tiếp đến, ngày 26/8, khi chị  phục vụ trên xe 29LD – 02423, xuất bến từ Mỹ Đình, khi ra có 33 khách, đến đầu cầu Nam Thăng Long, chị tiến hành thu vé, nhưng khi sang đến siêu thị Mê Linh Plaza thì có 7 người xuống vì nhầm xe.

Do sơ suất, chị không đính chính trên phơi, khi về Cty thì bị yêu cầu nộp phạt 84 triệu đồng (gấp 100 lần giá vé). “Tôi chỉ là lao động bình thường, lấy đâu ra tiền để nộp phạt khoản lớn như như vậy”, chị Tuyển nói.

Theo phản ánh, ngoài trường hợp chị Tuyển, còn có nhiều nhân viên khác nếu lỡ vi phạm cũng bị phạt theo quy định... phi lý. Không ít nhân viên đã tự thôi việc do áp lực  “càng làm nợ càng tăng”. Một phản ánh khác từ NLĐ cũng đáng quan tâm: Cty Kumho-Việt Thanh không có tổ chức Công đoàn hay đoàn thể nào, nên khi xảy ra tranh chấp về quyền lợi, NLĐ không biết nhờ cậy ai..!?

Nhằm xác minh thông tin một cách khách quan, từ 10/10/2014 đến nay, phóng viên đã nhiều lần đặt lịch làm việc với lãnh đạo Cty Kumho – Việt Thanh, nhưng đều bị từ chối. Để bảo vệ quyền và lợi ích của NLĐ, thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc để làm rõ sự việc. 

Cty Kumho – Việt Thanh hoạt động trong lĩnh vực vận tải và sử dụng lực lượng không nhỏ NLĐ, nhưng theo xác nhận của ông Nguyễn Dương, Phó trưởng Phòng thu BHXH TP.Hà Nội: “Đơn vị này đã ngừng giao dịch với BHXH từ tháng 12/2011. Tại thời điểm ngừng có 12 lao động của Cty được đóng BHXH (đơn vị mới đóng tiền hết tháng 4/2009, nợ BHXH gần 190 triệu đồng, tính đến cuối năm 2011).

Nhóm phóng viên PL

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh