Liên quan đến vấn đề này, luật sư (LS) Trần Tấn Tài, Đoàn LS TP.HCM cho rằng, Thông tư 01/2016/TT-BCA ngày 4.1.2016 của Bộ Công an có quy định rõ tại điều 12 về các trường hợp được dừng phương tiện.
Theo đó, các cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát được dừng phương tiện khi trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi nhận được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ; Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục trưởng Cục CSGT hoặc Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên; Thực hiện kế hoạch tổ chức tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông của Trưởng phòng Tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc thuộc Cục CSGT, Trưởng phòng CSGT hoặc Trưởng Công an cấp huyện trở lên; Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; Văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Nếu dừng phương tiện kiểm tra không phát hiện ra vi phạm gì thì CSGT nên xin lỗi một cách thành thật người bị kiểm tra vì sự bất tiện đối với người dân
Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp; tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
Đồng thời, việc dừng phương tiện phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn, đúng quy định của pháp luật; không làm cản trở đến hoạt động giao thông; khi đã dừng phương tiện phải thực hiện việc kiểm soát, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
“Nếu không thuộc các nội dung trên, mà CSGT dừng xe không chứng minh được lỗi của người điều khiển phương tiện giao thông là CSGT đó sai. CSGT đó phải xin lỗi người
lái xe hoặc người lái xe có thể khiếu nại về hành vi của người CSGT đó lên cơ quan trực tiếp của họ. Tuy nhiên, trường hợp là đội tuần tra thì theo Thông tư 65 ngày 30.10.2012 của Bộ Công an quy định tại điều 17, trường hợp không phát hiện vi phạm cũng phải thông báo là không vi phạm và nói lời cảm ơn ông (bà, anh, chị...) đã giúp đỡ lực lượng CSGT làm nhiệm vụ”, LS Tài cho biết.
Đồng tình, LS Nguyễn Tri Đức (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng CSGT chỉ được dừng xe của người tham gia giao thông trong một số trường hợp nhất định và phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp CSGT không phát hiện vi phạm thì phải thông báo và nói lời: “Cảm ơn ông (bà, anh, chị...) đã giúp đỡ lực lượng CSGT làm nhiệm vụ”. Nội dung này được căn cứ vào khoản 2 Điều 15 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT.
“Như vậy, nếu CSGT dừng xe người tham gia giao thông theo đúng quy định thì người tham gia giao thông phải có nghĩa vụ giúp đỡ lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Trường hợp người tham gia giao thông không có vi phạm thì CSGT cảm ơn người tham gia giao thông đã giúp đỡ CSGT làm nhiệm vụ”, LS Đức cho biết.
LS Võ Thanh Khương (Đoàn LS TP.HCM) cũng khẳng định trong trường hợp CSGT yêu cầu người điều khiển phương tiện dừng xe và kiểm tra giấy tờ nhưng không phát hiện ra lỗi thì CSGT không phải chịu trách nhiệm gì.
“CSGT được quyền yêu cầu dừng phương tiện giao thông theo quy định tại Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA ngày 04.01.2016 của Bộ Công an. Tuy nhiên, nếu dừng phương tiện kiểm tra không phát hiện ra vi phạm gì thì CSGT nên xin lỗi một cách thành thật người bị kiểm tra vì sự bất tiện đối với người dân. Điều này thể hiện tính lịch sự và tôn trọng người dân, thể hiện cách hành xử văn minh, đúng mực mà chúng ta vẫn thường thấy lực lượng CSGT ở một số quốc gia hiện đại vẫn phải xin lỗi như vậy”, LS Khương cho biết.