THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:38

CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội thảo

 

CPTPP tạo cơ hội mở rộng thị trường nông sản Việt 

Ngày 2/7, dưới sự chủ trì của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “CPTPP: Cơ hội và thách thức cho nông sản Việt” tại Hà Nội.

Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, gồm 11 nước thành viên là: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. CPTPP là một thị trường lớn với tổng dân số khoảng 500 triệu người, tổng giá trị GDP năm 2018 là 11 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 13% GDP và 14% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu.

Ngày 14/1/2019, CPTPP đã chính thức có hiệu lực với Việt Nam - thành viên thứ 7 của Hiệp định. CPTPP cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực khoảng 78 - 95% số dòng thuế và cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) giữa Việt Nam và các thành viên trong Hiệp định này đạt 74,478 tỷ USD, chiếm 15,5% tổng kim ngạch XNK cả nước năm 2018 (cả nước 480,17 tỷ USD). Trong đó, Việt Nam xuất siêu sang 5 thị trường gồm: Canada, Chilê, Mexico, Australia và Peru.

Là một Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới, CPTPP được dự báo sẽ có tác động toàn diện đến các hoạt động kinh tế, xã hội của Việt Nam, trong đó nông nghiệp là một lĩnh vực quan trọng và được dự báo chịu tác động lớn cả tích cực và tiêu cực

Theo đó, về cơ bản CPTPP sẽ tạo cơ hội mở rộng thị trường cho nhiều ngành hàng, trong đó có nông sản Việt, nhất là các thị trường mà Việt nam chưa có FTA song phương là Canada, Mexico, Peru, Úc nhờ những ưu đãi về thuế quan.

Đồng thời, các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, môi trường, lao động… cũng sẽ là động lực, sức ép để ngành nông nghiệp Việt Nam phấn đấu tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. CPTPP cũng sẽ giúp Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư (cả FDI và tư nhân trong nước) cho nông nghiệp.

Cuối cùng, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường, xuất khẩu nông sản Việt cũng sẽ được gián tiếp hưởng lợi khi Mỹ đã nâng mức thuế đối với 250 tỷ hàng nhập từ Trung Quốc (có thể còn áp thuế tiếp đối với trên 300 tỷ USD còn lại), trong đó có các mặt hàng thủy sản, nông sản, đồ gỗ, hàng tiêu dùng khác…

Toàn cảnh hội thảo

 

Ngược lại, khi hàng rào thuế quan được xóa bỏ thì hàng rào kỹ thuật sẽ nghiêm ngặt và khắt khe hơn. Chính vì vậy, CPTPP cũng đặt ra không ít thách thức đối với một ngành vẫn còn nhiều manh mún, chất lượng sản xuất nói chung, việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém như ngành nông nghiệp Việt Nam.

Nông dân, doanh nghiệp cần phải chủ động, đổi mới 

Mới nhất, ngày 30/6 vừa qua, Việt Nam - EU đã chính thức ký hiệp định thương mại tự do Việt  Nam - EU (EVFTA) chính thức và mở ra một thị trường lớn cho nông sản.

Như vậy cùng với CPTPP, EVFTA đã đưa Việt Nam trở thành một nước hội nhập sâu rộng với thế giới. Đứng trước những cơ hội to lớn như vậy, Việt Nam cần phải nhận diện cơ hội, thời cơ, thách thức, khó khăn như thế nào khi CPTPP, EVFTA tác động đến sản xuất, tiêu thụ nông sản của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, nhận định việc CPTPP đi vào thực hiện với 11 thành viên sẽ tiếp tục tác động sâu sắc hơn nữa đến sản xuất nông nghiệp, đến nông dân bởi đây là Hiệp định Thương mại Tự do lớn thứ 3 trên thế giới.

 “Vì vậy, chúng ta phải nhận thức được thuận lợi, cơ hội, cũng như khó khăn, thách thức, nhất là lĩnh vực thương mại nông sản khi Việt Nam ngày càng đi sâu vào CPTPP và EVFTA để vượt qua khó khăn, thách thức, giành được những thắng lợi to lớn và có lợi cho người nông dân theo quan điểm vì nông dân và nông dân làm chủ”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, Việt Nam đã có một số ngành trong nông nghiệp phát triển thuộc hàng đi đầu trên thế giới như: cà phê, gạo, thủy sản, đồ gỗ…

Các hiệp định tự do thương mại; trong đó có CPTPP EVFTA là cơ hội để tăng xuất khẩu, góp phần xây dựng nhiều ngành mũi nhọn hơn cũng như nâng cao giá trị gia tăng của các ngành sản xuất nông nghiệp.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, đã đến lúc nông dân, doanh nghiệp cần phải thực sự chủ động, đổi mới trong mô hình sản xuất và cả trong mối quan hệ tương tác với các chủ thể của chuỗi giá trị sản phẩm, cũng như có cách tiếp cận bài bản vào các thị trường quốc tế nhiều tiềm năng.

Các hiệp định không chỉ dừng lại ở các hàng rào thuế quan đã được cắt giảm, không phụ thuộc vào vị trí chính trị của các nước tham gia mà phụ thuộc chính năng lực cạnh tranh của hàng nông sản. Điều đó có nghĩa là phụ thuộc chính vào khả năng sản xuất của chúng ta.

Vì vậy, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, an toàn phải gắn với quy mô và hình thức sản xuất mới để tăng năng suất, chất lượng, đáp ứng yêu cầu cao của hàng rào kỹ thuật.

Các chuyên gia cũng cho rằng, chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được cải thiện theo hướng áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất an toàn VietGAP, VietHGAP, GlobalGAP… Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp bước đầu đạt được kết quả tích cực, hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa chuyên canh, áp dụng công nghệ cao hướng đến tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.

Tuy đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào như vừa nêu, nhưng chất lượng sản xuất nông nghiệp nói chung, việc tiêu thụ, phân phối nông sản nói riêng ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, thậm chí là yếu kém.

Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh