THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 10:49

CPTPP: Tạo gần 30.000 chỗ làm mới/năm

 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Cần chuẩn bị chu đáo về nguồn lực lao động 

Theo các chuyên gia, việc đánh giá được tác động của CPTPP đối với thị trường lao động Việt Nam hiện nay là rất khó, tuy nhiên các kịch bản đều cho rằng, tham gia CPTPP là cơ hội để nâng chất lượng lao động, tăng việc làm, tăng năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh… Từ năm 2020 trở đi, mỗi năm sẽ có hàng chục nghìn việc làm được tạo ra bởi CPTPP và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (FTA).

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Quân cho rằng, CPTPP là hiệp định tiến bộ bởi nó quan tâm đến tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội, bảo vệ NLĐ, bảo vệ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Chính vì vậy, CPTPP nhận được sự quan tâm cả kỳ vọng lẫn lo lắng hơn nhiều những FTA mà Việt Nam đã tham gia trước đây.

Đánh giá về những tác động tích cực đối với thị trường lao động khi tham gia CPTPP, Thứ trưởng Lê Quân nhận định: “Về mặt tích cực, khi chúng ta hội nhập, kim ngạch xuất khẩu tăng, thị trường rộng mở, GDP hiệu ứng tăng trưởng tốt, thì việc làm được tạo ra. Vấn đề xuất khẩu cũng sẽ có sự gia tăng về vấn đề nhân lực, việc làm cho người dân. Có thể nói, nghiên cứu tác động khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có CPTPP, ở khía cạnh lao động, việc làm, xã hội đều rất khả quan. Việc làm sẽ tăng, chất lượng lao động sẽ tăng, năng suất lao động cũng tăng. Hàng năm sẽ có những việc làm thêm với mức 20 đến 30 ngàn lao động và điều quan trọng hơn cả là giúp chúng ta thay đổi cơ cấu nhân lực trong một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ cao, cũng như một số lĩnh vực giúp chúng ta đẩy nhanh việc tăng năng suất lao động".

Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Đào Quang Vinh cho biết, chất lượng lao động, năng suất là điều kiện để hàng hoá của chúng ta làm ra, được các thị trường trong khu vực CPTPP chấp nhận. “Tham gia CPTPP, từ năm 2020 trở đi, mỗi năm sẽ tạo ra từ 17.000 - 27.000 chỗ làm mới. Về chất lượng việc làm, thời gian đầu tham gia, số lao động có tay nghề thấp tăng nhanh hơn, nhưng những năm sau, tỷ lệ lao động có kỹ năng sẽ tăng lên”, ông Vinh nhìn nhận.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho rằng, khi tham gia CPTTP, những ngành, nghề sử dụng nhiều lao động sẽ được hưởng lợi nhiều gồm: Dệt may, da giày, chế biến thực phẩm, thủy sản, sản xuất đồ gỗ, lắp ráp điện tử. Vì vậy, cần chuẩn bị chu đáo về nguồn lực lao động.

 

Tham gia Hiệp định CPTPP là cơ hội để nâng chất lượng LĐ, tăng việc làm, tăng NSLĐ.

 

Ảnh hưởng bởi “tác động kép”

Theo Tổng cục Thống kê, thị trường lao động Việt Nam thời gian qua có nhiều khởi sắc, số người làm công ăn lương, có quan hệ lao động dần tăng lên. Hiện số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 40% trong giai đoạn 2015 - 2020. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động duy trì ở mức cao 76%. Chất lượng việc làm, thu nhập của NLĐ đều đặn được tăng lên, mức độ phân biệt giữa việc trả công cho lao động nam và nữ cũng được thu hẹp. Số lao động đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng lao động cũng được tăng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan, thị trường lao động việc làm của Việt Nam vẫn còn nhiều tồn tại như cơ cấu lao động còn khá lạc hậu. Về cơ bản, Việt Nam vẫn là thị trường lao động trong nông thôn, nông nghiệp với chất lượng lao động thấp, phân bổ chưa hợp lý, lao động làm việc trong ngành nghề đơn giản, không đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật. Trước thực trạng về nguồn nhân lực như trên, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cảnh báo, khi tham gia CPTPP, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi “tác động kép” là công nghiệp 4.0 và các Hiệp định thương mại sẽ khiến cơ cấu việc làm sẽ thay đổi nhanh. Vì thế Việt Nam cần chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, nhất là lao động chất lượng cao để nâng sức cạnh tranh.

 “Tôi không nghĩ mấy ngành dệt may, da giày, điện tử… là năng suất cao nhất và cơ hội việc làm lớn nhất. Thách thức sẽ cao hơn cơ hội, vì đây là những ngành năng suất lao động hoàn toàn không cao. Thứ nữa, khả năng thích ứng của nguồn nhân lực khi chúng ta chuyển từ giai đoạn dân số vàng sang già hóa dân số, cũng sẽ tác động rất mạnh”, ông Lợi nhận định.

Cũng theo ông Lợi, trong bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với tác động của cuộc CMCN 4.0, những chính sách về thị trường lao động Việt Nam cần được nhìn nhận và đánh giá lại để có thể sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Tinh thần này được thể hiện rõ trong Nghị quyết số 27 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH, Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm thất nghiệp cần được cải cách để trở thành công cụ quản trị thị trường lao động, thúc đẩy cơ chế đối thoại, thương lượng trong doanh nghiệp về các nội dung về quan hệ lao động.

Từ thực trạng trên cho thấy, nguồn lao động dồi dào, giá rẻ là lợi thế của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, khi Việt Nam ký kết các Hiệp định FTA lớn như CPTPP thì lao động trình độ cao mới có cơ hội có việc làm và số còn lại đứng trước nguy cơ thất nghiệp. Yêu cầu đặt ra hiện nay là cần đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động. Trong đó, thực hiện đào tạo lại, đào tạo bổ sung, nhất là cho sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm sang những lĩnh vực thiếu lao động, đào tạo cho công nghệ thông tin, du lịch; nghiên cứu, có giải pháp tạo việc làm cho lao động nữ 35 tuổi trở lên mất việc làm.

Theo kết quả nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP - hiệp định đối tác giữa 11 nước thành viên với một thị trường rộng lớn gồm 500 triệu người  được kỳ vọng sẽ giúp tăng GDP của Việt Nam thêm 1,32% đến năm 2035. Hiệp định CPTPP có thể giúp tổng số việc làm tăng bình quân mỗi năm khoảng 20.000 - 26.000 lao động.

THÀNH CÔNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh