THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 05:23

Công việc không lương: Gánh nặng đối với phụ nữ và trẻ em gái

 

Đây là những thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Đo lường công việc không được trả lương theo giới: xem dưới phạm vi kinh tế vĩ mô và hộ gia đình” diễn ra vào ngày 23/7, do Viện Khoa học Lao động Xã hội (ILSSA) và Tổ chức Phát triển quốc tế của Canada (IDRC) phối hợp tổ chức.

Việc nhà là bổn phận của phụ nữ

Những phát hiện chính của nghiên cứu cho thấy, năm 2015, người Việt Nam trưởng thành (20 tuổi trở lên) đã dành 22,3 giờ một tuần cho công việc được trả công trên thị trường và 32,6 giờ một tuần cho công việc chăm sóc và công việc gia đình không được trả công. Đối với phụ nữ, số giờ làm việc một tuần cho công việc được trả công trên thị trường là 19,7 giờ và dành 38,7 giờ một tuần cho công việc chăm sóc và công việc gia đình; trong khi ấy nam giới là 25,1 giờ và 26,2 giờ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, ở Việt Nam, công việc chăm sóc và công việc nhà không được trả công chiếm 61% tổng thời gian làm việc, trong đó phụ nữ thực hiện 60%. Phụ nữ cũng tham gia 45% công việc trên thị trường. 

Trẻ em gái dành ít thời gian cho việc học hơn so với các em trai. Ở tuổi 18, các em gái và em trai đã dành 28 giờ và 33 giờ mỗi tuần tương ứng đến trường và học tập. Tại Việt Nam, trẻ em trai và em gái từ 10 đến 16 tuổi dành trung bình 29 giờ một tuần cho việc học tập. Trong đó các em trai dành 31 giờ và em gái dành 27,1 giờ.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, vẫn còn một khoảng thời gian làm việc thiệt thòi hơn cho các em gái ở Việt Nam. Cụ thể, từ 10 đến 16 tuổi, các em trai làm trung bình 48 giờ làm việc mỗi tuần, trong đó 39% công việc từ thị trường và 61% công việc gia đình và chăm sóc không lương. Các em gái làm trung bình 50 giờ làm việc mỗi tuần, 33% trong đó làm việc trên thị trường và 67% là công việc chăm sóc không lương và việc nhà. Tuy nhiên, nghiên cứu kết luận số giờ làm việc của trẻ em gái Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước khác trên thế giới. 
Số liệu nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ dành nhiều thời gian thực hiện công việc chăm sóc và làm việc nhà nhiều hơn nam giới ở hầu hết các lứa tuổi.

Mặt khác, nam giới tập trung nhiều vào công việc được trả công. Không những thế, đàn ông trưởng thành có nhiều hơn 10 giờ để giải trí và chăm sóc bản thân hơn là phụ nữ trưởng thành. Nhưng, phụ nữ trẻ tuổi và các em gái dành nhiều thời gian giải trí và tự chăm sóc bản thân nhiều hơn 4,6 giờ một tuần so với nam giới ở tuổi 18, mặc dù nam giới dành nhiều hơn từng ấy giờ cho việc học tập.
Khoảng cách giới tính lớn nhất trong thời gian giải trí và chăm sóc bản thân xuất hiện ở tuổi 41, khi nam giới dành nhiều hơn 9,1 giờ mỗi tuần so với phụ nữ và hơn 1 giờ mỗi ngày. Khoảng cách này phần nào được đảo ngược ở các độ tuổi cao nhất.

 

Các bé gái thường phải chịu trách nhiệm trông nom các em nhỏ trong gia đình

 

Phụ nữ chăm chỉ làm việc nhà – liệu có tốt?

Chị NTT ở Vĩnh Long chia sẻ với nhóm khảo sát: “Phụ nữ làm việc nhà cũng hao tổn công sức và tinh thần rất nhiều, Sáng, chiều phải suy nghĩ nấu món gì ngon cho cả nhà, phải làm công việc nào trước, ưu tiên làm việc gì, với số tiền hiện có phải tiêu như thế nào cho đủ để vừa tiết kiệm chi phí vừa có chút dành dụm…rất nhiều việc phụ nữ phải lo nhưng đa số đàn ông không hề thấy được và họ còn cho rằng chẳng làm việc gì. Nhiều người phụ nữ chỉ làm việc nhà đã bị người chồng coi là ăn bám”.

 Trưởng Đại diện ActionAid Việt Nam, bà Hoàng Phương Thảo đưa ra con số: “Nếu tính mỗi người làm 5 giờ công việc không được trả lương một ngày thì 22 triệu phụ nữ Việt Nam ở độ tuổi lao động đang đóng góp tới 110 triệu giờ mỗi ngày cho gia đình và xã hội. Năm 2015, ước tính công việc không lương đóng góp tới 20% trong tổng GDP của Việt Nam (khoảng 41 tỷ USD tương đương hơn 900.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, những công việc chăm sóc không lương lại không được đánh giá cao.

Sự bất bình đẳng trong việc không chỉ làm hạn chế các cơ hội phát triển của phụ nữ mà nó còn là nguyên nhân dẫn tới bạo lực gia đình khi người phụ nữ làm nhiều công việc không được trả lương và bị coi là gánh nặng trong gia đình.

PGS –TS Nguyễn Lan Hương cho rằng, phụ nữ làm các công việc không được trả lương trong gia đình cũng có thể làm gia tăng bạo lực gia đình. Khi phụ nữ phải dành nhiều thời gian làm việc nhà họ sẽ có ít thời gian làm việc ngoài xã hội, thu nhập sẽ ít hơn và đương nhiên vị thế của họ sẽ thấp hơn trong gia đình. Một số trường hợp, người đàn ông kiếm được nhiều tiền hơn nên luôn cho rằng mình là người quyết định, bất cứ việc làm nào của phụ nữ không làm hài lòng cũng có thể là cái cơ để họ bạo hành chị em phụ nữ. Do đó cần tuyên truyền nâng cao nhận thức của nam giới để họ rõ tầm quan trọng của những công việc không lương và sự chia sẻ giữa các thành viên trong gia đình.

Tại hội thảo, TS Anindva Chatterjee - Giám đốc Văn phòng Châu Á nhấn mạnh nghiên cứu đã mổ xẻ về vấn đề giới. “Sự thành công của phụ nữ Việt Nam sẽ khích lệ các nước khác trong khu vực và trên thế giới”. Cụ thể như, thị trường lao động của Việt Nam đã có sự tham gia của phụ nữ. Sự chú trọng của Việt Nam vào vấn đề bình đẳng giới đã tạo nên thành công của Việt Nam thu hẹp khoảng cách về giới trong việc đến trường, mặc dù khoảng cách tiền lương theo giới vẫn tồn tại tại Việt Nam do phụ nữ phải gánh vác nhiều hơn nam giới những công việc không được trả lương. 

CHÂU ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh