BHXH tự nguyện: Phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 16:18 - 19/10/2015
Luật làm khó lao động nữ
Sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động đã tăng lên trong những năm qua ở Việt Nam (khoảng 73% phụ nữ Việt Nam có mặt trong lực lượng lao động), nhưng phần lớn phụ nữ phải làm những công việc bấp bênh và dễ bị tổn thương. Đặc biệt tỷ lệ lao động nữ làm việc gia đình không có lương nhiều gấp đôi so với nam. Đây cũng là nhóm lao động hầu như không được hưởng một loại hình BHXH nào. Tuy nhiên, điều đáng nói là chế độ BHXH tự nguyện cũng chưa có các dịch vụ đáp ứng nhu cầu đặc thù của phụ nữ như thai sản, ốm đau, tai nạn, bệnh nghề nghiệp... Chính vì vậy, phụ nữ đang bị nhiều rào cản khi muốn tham gia vào hệ thống an sinh xã hội.
Cụ thể, đối với lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), hiện nước ta có khoảng 11 triệu người tham gia BHXH, với 98% thuộc khu vực lao động chính thức. Trong khi đó, có tới 60% phụ nữ đang làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức. Như vậy phụ nữ thuộc đối tượng này được tham gia đóng BHXH không nhiều, vì hiện chưa đến 1% lao động phi chính thức tham gia. Điều này cho thấy sự tham gia của phụ nữ vào hệ thống an sinh xã hội đang bị chậm trễ.
Phụ nữ bán hàng rong.
Báo cáo "Đánh giá hệ thống an sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam” do Viện Khoa học Lao động và xã hội (ILSSA) và Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) thực hiện mới đây cho thấy, hệ thống chính sách lao động - việc làm và an sinh xã hội đã được hình thành và phát triển từ nhiều thập kỷ. Ngày càng nhiều nhóm đối tượng được tham gia và hưởng lợi từ các chính sách này, trong đó có phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách khá lớn trong việc tiếp cận các chính sách việc làm và ASXH giữa phụ nữ và nam giới. Đó là tốc độ tăng việc làm của nữ thấp hơn nam. Phụ nữ thường làm các công việc không ổn định, dễ bị tổn thương hơn nhiều so với nam giới. Vẫn còn chênh lệch về tiếp cận dịch vụ y tế giữa các nhóm dân tộc thiểu số và khu vực sinh sống.
Tại hội thảo “Thúc đẩy an sinh xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái”, do ILSSA và UN Women tổ chức, PGS,TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng ILSSA cho rằng, nhiều chính sách vẫn còn bất cập, khiến cơ hội được tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội đối với lao động nữ gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như trong lĩnh vực BHXH, nếu như BHXH bắt buộc, phụ nữ được hưởng 5 chế độ, còn đối với BHXH tự nguyện chỉ quy định 2 chế độ dài hạn, đó là hưu trí và tử tuất; còn 3 chế độ ngắn hạn rất quan trọng đối với lao động nói chung, phụ nữ nói riêng là thai sản, ốm đau, tai nạn lao động thì họ không được hưởng. Đây là rào cản của chính sách đối với phụ nữ.
An sinh xã hội cần phải xem xét dưới góc độ giới
Luật BHXH mới có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, theo mục tiêu nâng số người tham gia BHXH bắt buộc từ 11 triệu như hiện nay lên 29 triệu vào năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay theo báo cáo của BHXH Việt Nam, số người tham gia BHXH bắt buộc mới chiếm hơn 70% tổng số lao động thuộc diện phải tham gia BHXH bắt buộc; chiếm khoảng 0,5% tổng số lao động thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện. Đáng lưu ý phần lớn lao động trong khu vực phi chính thức, nông dân chưa tham gia loại hình BHXH này. Tỷ lệ tham gia BHXH còn thấp, mới chiếm hơn 20% tổng lực lượng lao động.
Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 29 triệu người tham gia BHXH hiện cơ quan BHXH Việt Nam đang gấp rút triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như đơn giản hóa thủ tục hành chính, tích cực tuyên truyền chính sách tới người dân... Tuy nhiên, cùng với những giải pháp trên các quy định về BHXH tự nguyện cũng cần linh hoạt để đảm bảo bình đẳng về quyền lợi cho người dân khi tham gia BHXH. PGS,TS Nguyễn Thị Lan Hương đề xuất: “Để tạo điều kiện cho lao động nữ tham gia BHXH tự nguyện cần phải bổ sung 3 chế độ là thai sản, đau ốm và bệnh nghề nghiệp vào luật”.
Khẳng định những nỗ lực của Việt Nam trong việc xóa bỏ bất bình đẳng giới, Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Shoko Ishikawa cho rằng, định kiến giới và những thách thức về bình đẳng giới vẫn còn tồn tại. Điều này dẫn tới việc phụ nữ bị hạn chế tham gia vào thị trường lao động. Do đó, các chính sách của Việt Nam cần phải được xem xét các yếu tố về giới. Những nhu cầu, mong muốn, trách nhiệm và khác biệt về vai trò giới phải được xem xét kỹ càng khi xây dựng các chương trình và chính sách. |