THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:38

Thừa Thiên Huế: Phấn đấu đưa 2.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Tư vấn cơ hội việc làm khi tham gia XKLĐ cho người lao động, học viên các trường nghề tại Thừa Thiên Huế

Thừa Thiên Huế là một tỉnh có nguồn lao động dồi dào với hơn 600.000 lao động, trong đó, lực lượng lao động trẻ chiếm tỷ lệ cao (từ 15 đến 34 tuổi chiếm 36,8%) và có gần 18.000 người bước vào tuổi lao động mỗi năm.

Nếu tính cả số người đang thất nghiệp (khoảng 9.000 người), hàng năm tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 27.000 lao động cần giải quyết việc làm, trong đó, số lao động đã qua đào tạo khoảng 65%. Tuy nhiên, nền kinh tế tỉnh nhà phát triển với quy mô và tốc độ chưa đủ thu hút và sử dụng hết lực lượng lao động hiện có. Đây là một áp lực đối với địa phương trong việc giải quyết việc làm cho người lao động ở trong nước.

Trong tình hình đó, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (XKLĐ)  có vai trò rất quan trọng. XKLĐ vừa giúp giải quyết việc làm, vừa giúp người lao động có thu nhập, có điều kiện học nghề, tiếp thu kỹ thuật tiên tiến để làm giàu, thoát nghèo.

Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế vần còn nhiều hạn chế. Mới đây, tại cuộc họp giữa UBND với các sở, ban ngành tỉnh này về việc báo cáo Quy định chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, ông Hà Văn Tuấn, Giám đốc Sở LĐ – TB&XH tỉnh cho biết, trong giai đoạn từ 2011 – 2016, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ có 865 lao động đi XKLĐ. Trong đó có 555 lao động đi thông qua các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ và 310 người đi làm việc theo Chương trình EPS ( Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài tại Hàn Quốc) và IM Japan (Chương trình thực tập sinh Nhật Bản). Số lao động của tỉnh làm việc ở các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, hiện nay là 673 lao động, chiếm 77,8%.

Riêng 4 đối tượng trong nhóm được hỗ trợ khi tham gia XKLĐ, gồm: người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thân nhân người có công với cách mạng, người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thì từ đầu năm 2017 đến nay chưa có lao động nào đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Nguyên nhân cơ bản dẫn đến thực trạng này được cho là do chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành với các đơn vị có chức năng XKLĐ trong công tác tuyên truyền, kết nối cung – cầu, tuyển chọn lao động,…Ngoài ra, do người dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về hiệu quả của công tác XKLĐ, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số. Tâm lý của nhiều người dân vẫn muốn tham gia các thị trường có mức thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc,…Nhưng những thị trường này đòi hỏi trình độ cao, số lượng ít, chi phí lớn, trong khi khả năng đáp ứng của người lao động còn có hạn.

Học viên sau khi tốt nghiệp các khóa đào tạo tìm cơ hội việc làm tại các sàn giao dịch, ngày hội việc làm do Trung tâm dịch vụ việc làm - Sở LĐ - TB&XH Thừa Thiên Huế phối hợp với các đơn vị trên địa bàn tổ chức

Do đó, ngành LĐ – TB&XH cũng như tỉnh Thừa Thiên Huế đang muốn đẩy mạnh hơn nữa công tác XKLĐ. Mục tiêu là trong gia đoạn 2017 – 2020, phấn đấu đưa khoảng 2.600 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, trong đó có ít nhất 300 lao động thuộc nhóm đối tượng ưu tiên.

Nhóm giải pháp để thực hiện có hiệu quả mục tiêu đề án đưa ra là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các mặt trận, đoàn thể; khai thác tốt các thị trường XKLĐ và tạo nguồn lao động có trình độ để đưa đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh đó, theo ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thì trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động XKLĐ.

THẢO VI

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh