THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 03:41

Công tác Xuất khẩu lao động: Hiệu quả tốt, nhưng còn bất cập

Bài 4: cảnh giác với các “chiêu” lừa xuất khẩu lao động 

Bà Trần Thị Vân Hà, Trưởng Phòng Thông tin Truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước: NLĐ cần nhận thức rõ trách nhiệm, quyền và lợi ích của mình khi đi làm việc ở nước ngoài

Theo Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, lao động Việt Nam có thể đi làm việc ở nước ngoài theo một trong các hình thức như: Thông qua doanh nghiệp được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; đi làm việc ở nước ngoài thông qua doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư  ra nước ngoài có đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài; Theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa NLĐ đi làm việc dưới hình thức thực tập nâng cao tay nghề và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cá nhân.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, do nhận thức của một bộ phận lao động Việt Nam về các quy định của pháp luật về XKLĐ còn chưa đầy đủ nên vẫn xảy ra tình trạng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo kênh không chính thức.

NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài theo các kênh không chính thức sẽ trở thành đối tượng lao động bất hợp pháp tại nước sở tại và có nhiều nguy cơ gặp phải những rủi ro như: Công việc không được đảm bảo, không được kéo dài như mong muốn và công việc có thể bị chấm dứt bất kỳ lúc nào, bị chủ sử dụng ngược đãi, bị trả lương thấp dưới qui định, thậm chí không được trả lương, và khi ốm đau thì không có BHYT trong khi chi phí cho y tế rất cao. Đối với thị trường an ninh bất ổn như ở Anggola và một số nước ở châu Phi, NLĐ còn phải đối mặt với dịch bệnh, như sốt rét ác tính và sốt vàng da - đây là những bệnh mà các nước đó chưa có kiểm soát y tế chặt chẽ thì rủi ro là còn nguy hiểm đến tính mạng. Bên cạnh đó NLĐ phải đối mặt với nạn cướp bóc, hoặc không thể gửi tiền về nước bởi chi phí gửi tiền quá cao, từ 50 - 70% chi phí khi gửi tiền về nhà. Đặc biệt, lao động trái phép không được pháp luật nước sở tại bảo vệ, kể cả khi bị chủ sử dụng ngược đãi, không trả lương hoặc trả lương thấp hơn quy định, hay khi điều kiện ăn ở và làm việc không đảm bảo... Ngoài ra, cảnh sát các nước thường xuyên tổ chức các chiến dịch truy quét lao động nước ngoài cư trú bất hợp pháp và theo pháp luật các nước đó thì lao động nước ngoài trái phép nếu bị bắt sẽ bị xử phạt nặng (với mức theo quy định của từng quốc gia). Trong trường hợp NLĐ không có tiền nộp phạt thì sẽ bị buộc phải lao động công ích cho đến khi đủ số tiền phạt, sau đó sẽ bị trục xuất và bị cấm nhập cảnh nước đó trong một thời gian dài hoặc bị từ chối cấp visa.  Theo pháp luật của Việt Nam những lao động hồi hương theo diện trục xuất thì cũng bị cấm xuất cảnh trong vòng 5 năm. Do vậy, NLĐ Việt Nam cần nhận thức rõ trách nhiệm, quyền và lợi ích của việc làm việc hợp pháp ở nước ngoài cũng như những rủi ro có thể gặp phải khi đi làm việc ở nước ngoài theo kênh không chính thức và làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài.

Gần đây, đặc biệt tại một số thị trường như Hàn Quốc và Đài Loan có những đường dây môi giới việc làm trái phép mang danh Hội Việt kiều, hội đồng hương, dụ dỗ lôi kéo các lao động đang làm việc theo hợp đồng trong các nhà máy bỏ ra ngoài để kiếm việc khác thu nhập cao hơn, công việc nhẹ nhàng hơn... khiến các lao động hợp pháp của Việt nam nhẹ dạ bỏ trốn ra ngoài trở thành người cư trú trái phép và làm việc bất hợp pháp ở đất khách và lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, về không được mà ở lại cũng không xong. Từ các bài học đó, chúng tôi mong rằng bà con nên cảnh giác với những lời mời gọi như: Đi XKLĐ ở thị trường này  không có tiêu chuẩn gì, công việc đơn giản, thu nhập rất cao và thậm chí là không cần có nghề, không cần biết ngoại ngữ, chỉ cần có sức khỏe thôi cũng có thể làm chủ và làm giàu như ở Angola. Thực tế đây là những điều không tưởng, chúng tôi mong NLĐ không nhẹ dạ tin vào những lời mời gọi như thế này, bởi vì muốn đi XKLĐ theo con đường hợp pháp với mức lương cao thì người lao động  phải đáp ứng những tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể theo yêu cầu của người sử dụng lao động và nhất thiết sẽ phải tham gia các khóa đào tạo ngoại ngữ, đào tạo những kiến thức cần thiết và nâng cao tay nghề để đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn và nếu chăm chỉ, quyết tâm, tuân thủ pháp luật của Việt nam cũng như nước tiếp nhận thì người lao động mới có được một chuyến đi hiệu quả và an toàn trở về bên gia đình.

Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam: Đừng vì nóng vội, cả tin mà mắc “bẫy” lừa XKLĐ

Theo thống kê, lao động đi làm việc ở nước ngoài theo các kênh chính thức, qua các doanh nghiệp có chức năng hoạt động dịch vụ đưa NLĐ ra làm việc tại nước ngoài chiếm tới 90 - 95%. Song, trong thực tế hiện nay, một phần do bức xúc về việc làm, muốn có thu nhập cao hơn ở nước ngoài, một phần do sự nóng vội, cả tin của NLĐ dẫn đến tình trạng NLĐ đi làm việc ở nước ngoài thông qua các tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Có thể qua các đối tượng cò mồi, môi giới, không có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài nhưng mồi chài, lừa đảo để kiếm tiền. Họ cũng có thể thực hiện được việc đưa NLĐ đi nhưng không an toàn, không chắc chắn, hoặc có thể không thực hiện được việc đưa NLĐ đi làm việc tại nước ngoài. Thậm chí có trường hợp nói đi qua visa du lịch, tôi khẳng định rằng đã đi lao động nước ngoài không thể tin cậy vào visa du lịch để đảm bảo an toàn được. Phải là visa lao động, đương nhiên NLĐ đó phải biết Cty đó có chức năng không, có được cấp phép không, và nếu không có đủ thông tin cần phải đến hỏi các cơ quan lao động tại địa phương như: Phòng lao động của huyện, Sở LĐ-TB&XH của tỉnh. Nếu NLĐ đến các cơ quan trên để được tư vấn thì sẽ tránh được rủi ro. Tuy nhiên, đáng tiếc hiện nay vẫn còn một bộ phận không nhỏ NLĐ bỏ qua khâu này mà đi trực tiếp thông qua các cò mồi, môi giới, để họ dẫn dắt đi nước ngoài, đã có những trường hợp đi qua Đông Âu làm việc bằng con đường du lịch, sang bên kia NLĐ bị đưa vào các xưởng may đen (bất hợp pháp), và ở đó thì không thể có điều kiện lao động tốt được, không thể đảm bảo bảo hiểm cho mình làm việc ở nước ngoài được...

Việc đi XKLĐ theo con đường bất hợp pháp sẽ gặp rất nhiều khó khăn và nguy hiểm. Phải khẳng định rằng không đơn vị nào, không ai có thể đứng ra bảo vệ cho NLĐ một cách thường trực, mà hậu quả chúng ta cũng thấy rất rõ là các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa rất nhiều, có những người tiền mất, tật mang, nợ nần chồng chất, thậm chí đã có người mất thông tin, gia đình không liên lạc được...

Nguyên nhân là do NLĐ muốn có việc làm, thu nhập cao ở nước ngoài nhưng không đi theo qui trình, hướng dẫn của Nhà nước mà lại nghe theo sự mồi chài, môi giới, lôi kéo của những kẻ xấu, dẫn đến lao động trái phép và vỡ mộng “đổi đời”. Đây là điều đáng tiếc và cần rút kinh nghiệm, khắc phục. Ở góc độ Hiệp hội XKLĐ, chúng tôi khuyến cáo NLĐ nếu có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài hãy tìm hiểu kỹ thông tin để lựa chọn con đường đúng nhất, đặc biệt NLĐ có thể tra cứu trang web của Cục Quản lý lao động ngoài nước, của Hiệp hội XKLĐ Việt Nam để có thể biết Cty XKLĐ nào hoạt động có uy tín, Cty nào được cấp phép để đi, tránh tình trạng “sập bẫy” lừa XKLĐ... 

Ông Nguyễn Đức Nam, Tổng Giám đốc Cty cổ phần cung ứng nhân lực Quốc tế và Thương mại (SONA): Chủ động tìm hiểu thông tin khi quyết định đi XKLĐ

Là một doanh nghiệp có uy tín trong lĩnh vực XKLĐ, bất kỳ lao động nào được Cty SONA đưa đi làm việc ở nước ngoài đều được đào tạo từ 2 - 6 tháng, tùy theo từng thị trường, riêng Nhật Bản thông thường phải đào tạo từ 6 tháng trở lên. Theo đó, những nội dung đào tạo bao gồm, đào tạo ngoại ngữ, đào tạo nâng cao tay nghề, thể lực và đào tạo giáo dục định hướng (luật pháp, phong tục tập quán, thời tiết khí hậu, nội quy quy định Cty tiếp nhận và các điều khoản trong hợp đồng lao động). Ngoài tay nghề, kỹ năng và ngoại ngữ, NLĐ cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về pháp luật, phong tục tập quán nước tiếp nhận mình. Bên cạnh đó, NLĐ cũng cần tìm hiểu đầy đủ thông tin về Cty XKLĐ mà mình đăng ký tham gia có phải là Cty uy tín hay không. Đề nghị Cty XKLĐ cung cấp thông tin cho mình về Cty tiếp nhận dự kiến sang làm việc, các điều khoản hợp đồng lao động, nếu không hiểu điều gì thì NLĐ được quyền đề nghị Cty XKLĐ giải thích đầy đủ các quyền lợi và trách nhiệm của NLĐ khi đi làm việc.

Đối với NLĐ khi đi XKLĐ, bản thân cần chủ động tìm hiểu thông tin về Cty XKLĐ, về đất nước mình định đến có được lựa chọn phù hợp với nhu cầu của mình hay không.  Đôi lúc, trong thời gian làm việc theo đúng hợp đồng, NLĐ sẽ gặp những mâu thuẫn giữa chủ sử dụng và NLĐ. NLĐ nên chủ động liên hệ với Cty XKLĐ hoặc cơ quan đại diện (Ban QLLĐ tại địa bàn, Đại sứ quán Việt Nam) để can thiệp bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, không nên bỏ ra ngoài làm việc bất hợp pháp vì sẽ gặp nhiều rủi ro, không được pháp luật nước sở tại bảo vệ.

Khi có nguyện vọng đi làm việc ở nước ngoài, NLĐ cần phải tìm hiểu kỹ các quy định của Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là các hình thức đi làm việc ở nước ngoài và quy trình, thủ tục đi làm việc ở nước ngoài theo mỗi hình thức. Theo đó, NLĐ có thể tìm hiểu các thông tin cần thiết tại một số địa chỉ sau:

+ Tại trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn);

+ Tại Trung tâm dịch vụ việc làm hoặc Sở   LĐ-TB&XH tỉnh, thành phố nơi người lao động cư trú;

+ Tới trực tiếp Cục Quản lý lao động ngoài nước (địa chỉ 41B, Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm, Hà Nội) để được tư vấn.

- Hoặc NLĐ có thể gọi điện tới Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại: 04-38249517 (máy lẻ 511, 512, 513) để được tư vấn và hỗ trợ cung cấp các thông tin cần thiết.

Nhóm PV XKLĐ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh