THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:22

Công tác xuất khẩu lao động: Hiệu quả tốt, nhưng còn bất cập

Bài 3: Xuất khẩu lao động “chui”: Mất tiền, mất mạng nơi xứ người 

Ra đi không có ngày về…

Ở Việt Nam, thời gian qua, trường hợp bỏ mạng nơi xứ người vì XKLĐ “chui” không còn là chuyện lạ lẫm. Chỉ từ năm 2010 đến nay, đã có hàng trăm người mất mạng vì XKLĐ “chui”. Đặc biệt, thời gian gần đây có những thông báo từ Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại một số nước về việc người lao động bị chết, bị thương, bị bắt giữ, bị xét xử... hầu hết trong đó là lao động làm việc và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài.

Dẫn vụ xảy ra trong tháng 3/2016, lao động Đặng Quốc Nghĩa (44 tuổi, quê xã Cẩm Nam, Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) và Nguyễn Viết Hậu (33 tuổi, quê xã Sơn Thọ, Vũ Quang – Hà Tĩnh), bị cướp bắn, đánh đến chết trong quá trình làm việc tại tỉnh Uige, Angola. Cho đến nay dư luận vẫn bàng hoàng, xót xa trước hung tin này. Trường hợp mới đây, chị Nguyễn Thị Hương (SN 1995), quê xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, vượt biên sang Trung Quốc. Sau một thời gian,  công an tỉnh Quảng Đông phát hiện chị Hương bị đâm tử vong tại thị trấn Am Phụng, khu Kiều An, thành phố Triều Châu, sau đó gia đình đã đưa thi hài chị về nước an táng. Chị Hương có chồng và một con, do không có nghề nghiệp ổn định, kinh tế khó khăn nên Vợ chồng ly thân. Sau khi gửi con nhỏ về nhờ mẹ đẻ trông giúp, chị Hương vay tiền người thân đi XKLĐ “chui” tại Trung Quốc và không may thiệt mạng.

Hai anh Nguyễn Văn Tịnh, Nguyễn Văn Ái - nạn nhân bị dính bẫy lừa XKLĐ của Cty Đức Thịnh.

Ông Nguyễn Đức Đại, bố của nạn nhân Nguyễn Đức Cao, XKLĐ “chui” tại Angola bị tử vong, hối hận nhớ lại: “Lúc đó, bà Hoa là bạn học với tui, làm môi giới cho Cty Việt - Nhật ở Hà Nội. Bà nói đi dễ, để bà đưa đi, làm việc nhẹ mà thu nhập cao. Tui nghe cũng bùi tai... Lúc đầu nói là đi Bồ Đào Nha, sau không được lại nói đi Chi-Lê, rồi cũng không đi được. Tiền thì đóng rồi, nên bà nói đi Angola. Tui bàn với con là thôi đừng đi, rứa mà rồi..., thật đau xót...”. Trước đó, tháng 1/2013, anh Cao được bà Hoa giới thiệu đưa đi XKLĐ “chui” với chi phí 6.100 USD và 500 USD tiền bảo hiểm. Sang Angola được mấy tháng thì anh tử vong.Ngoài những trường hợp trên, còn nhiều trường hợp tử vong do XKLĐ “chui”, có hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Những lao động này mất đi để lại gánh nặng vô cùng lớn cho người thân và gia đình.

Lao động thật, Cty “ma”...

Còn nhớ cuối năm 2015, hàng chục lao động ở các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đồng loạt gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng về việc họ bị Cty Dịch vụ - Thương mại Đức Thịnh, trụ sở tại đường Lý Thường Kiệt, TP. Vinh (Nghệ An), chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng, sau khi họ nộp tiền cho đơn vị này để XKLĐ sang Singapore làm ăn. Theo hợp đồng thỏa thuận giữa các lao động này với Cty: Mỗi người phải nộp 89 triệu đồng (tương đương 50.000 USD thời điểm đó), họ sẽ được sang Singapore làm việc sau 3 tháng kể từ khi ký hợp đồng; mỗi tháng làm việc được hưởng 1.000 USD Singapore, thời gian làm việc 8 giờ/ngày và 6 ngày/tuần, chưa  kể làm thêm; công việc là sản xuất cáp điện và xây dựng; phương tiện ăn ở đi lại được chủ lao động lo. Vậy nhưng, sau khi đưa tiền đến nộp để làm thủ tục xong xuôi, họ chờ đợi mãi mà vẫn bặt vô âm tín. Nhiều lần người lao động kéo nhau đến địa chỉ trên để đòi tiền, nhưng chỉ có biển hiệu Cty mà chẳng thấy ai...

Anh Nguyễn Văn Lợi (áo trắng), đi XKLĐ “chui” ở Quảng Đông (Trung Quốc) về trao đổi với phóng viên. 

Trước đó, hàng chục hộ dân ở xã Cổ Đạm và Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) cũng gửi đơn đến các cơ quan chức năng về việc họ bị dính bẫy lừa đảo XKLĐ sang Ba Lan và Úc với số tiền hàng trăm triệu đồng. Số tiền này họ nộp cho Cty cổ phần xuất khẩu Đầu tư Xây dựng Thương mại Intercoo. VN (Cty CP XKĐTXDTM Intercoo. VN), trụ sở  tại số nhà 78, đường Trần Thủ Độ, TP Vinh (Nghệ An), do bà Đàm Thị Trường đứng tên Giám đốc. Vụ việc gây xôn xao dư luận.

Riêng ở Thanh Hóa, từ năm 2000 đến nay, trên toàn địa bàn có hơn 10.000 công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động. Trong đó,  có hàng trăm trường hợp bị phía Trung Quốc bắt, phạt tiền và trục xuất về nước; 9 trường hợp bị bắt và đưa ra xét xử, nhiều trường hợp phụ nữ bị mất tích và không ít trường hợp tử vong. Chỉ tính riêng thời điểm sau Tết Bính Thân 2016 chưa tròn một tháng, Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra xét xử 1 đối tượng, xử phạt 6 năm tù về tội tổ chức đưa 16 người vượt biên trái phép sang Trung Quốc lao động. Lực lượng chức năng Công an Thanh Hóa qua công tác nắm tình hình đã tiến hành bắt giữ 2 vụ, 2 đối tượng ở các huyện Quảng Xương, Hậu Lộc về việc tổ chức đưa 59 người đi lao động trái phép tại Trung Quốc.

Bán nhà trả nợ

Hầu hết các địa phương ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… đều có người đi XKLĐ “chui” sang các nước như: Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Đức, Nga, Ba Lan, Úc, Tiệp Khắc… Các địa phương có nhiều người đi XKLĐ “chui” chủ yếu là các lao động ở vùng đồng bằng ven biển và miền núi. Hầu hết những người đi XKLĐ “chui” là những lao động thiếu hiểu biết, liều lĩnh. Hậu quả là nhiều gia đình mất con, mất nhà và nợ nần chồng chất.

Đối tượng Nguyễn Viết Hào bị công an bắt giữ vì tổ chức đưa 47 người vượt biên trái phép sang Trung Quốc.

Nạn nhân đầu tiên ở Nghệ An được xác định tử vong tại Angola do bệnh sốt rét ác tính là anh Nguyễn Công Nguyên (SN 1984), trú tại khối Tân Diện, phường Nghi Hòa (thị xã Cửa Lò, Nghệ An). Hoàn cảnh vốn đã rất khó khăn, nhưng vì muốn đổi đời nên anh Nguyên chấp nhận xa gia đình để XKLĐ “chui”. Nghe nhiều người giới thiệu sang Angola làm việc với mức thu nhập 1.000 USD/tháng, anh cầm cố tài sản, vay mượn để đóng 6.000 USD cho chủ thầu, cốt được xuất ngoại. Thế nhưng, sang đến nơi, chưa kịp làm thì anh Nguyên đổ bệnh. Sau gần 1 tháng điều trị tại bệnh viện, gia đình phải vay mượn thêm 6.000 USD gửi qua chi phí thuốc thang. Ngày 9/3/2013, anh Nguyên tử vong do bệnh quá nặng. Oái ăm là thi thể anh không thể đưa ra khỏi viện, vì chi phí điều trị tại bệnh viện lên đến 153.000 USD mà chưa thanh toán. Cùng với đó là khoảng 15.000 USD chi phí máy bay, việc khâm liệm khoảng 800 - 1000 USD. Cho đến bây giờ, mặc dầu đã bán, cầm cố tất cả những gì gia đình có, nhưng số nợ vẫn cao ngất ngưởng khó có thể trả được.

Công an các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cho biết, hiện nay người dân có chứng minh nhân dân thì họ có quyền đi lại tự do trong nước, chỉ cần đăng ký tạm trú. Vì thế, họ rủ nhau đi làm ăn thì không ai ngăn cấm  được, chỉ đến khi những người vượt biên bị trục xuất về nước thì các ngành chức năng mới biết. Theo số liệu từ Phòng Lãnh sự, Sở Ngoại vụ các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Nghệ An thông báo từ Tổng lãnh sự quán Việt Nam ở nhiều nước thì công dân, lao động bất hợp pháp của các tỉnh này bị bắt giữ, xét xử, phát hiện với rất nhiều hình thức khác nhau, như hành nghề mại dâm, lao động bất hợp pháp, cư trú bất hợp pháp, gây rối trật tự công cộng...

Xã Quảng Nham (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) được biết đến bởi là một trong những xã có đông số lao động chui lớn nhất của huyện. Năm 2015, toàn xã có hơn 500 người vượt biên trái phép. Trên địa bàn xã đã có 5 người chết tại Trung Quốc do tai nạn lao động và đánh nhau. Để mang được thi thể nạn nhân về, có gia đình đã phải vay ngân hàng và làng xóm cả trăm triệu đồng, thậm chí bán hết nhà cửa vẫn không đủ trang trải nợ nần. Ngoài ra, cũng rất nhiều trường hợp gặp rủi ro khi trốn sang Trung Quốc tìm việc làm như: Làm những công việc nặng nhọc, độc hại, không được chủ sử dụng lao động trả lương hoặc bị cảnh sát bắt nhốt.  

Nhóm PV XKLĐ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh