THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:05

Công tác xuất khẩu lao động: Hiệu quả tốt, nhưng còn bất cập

Bài 2: Thành tỷ phú nhờ xuất khẩu lao động

“Làng tỷ phú” trên đất cằn  

Không chỉ có anh Hồ Viết Tuấn, ở Nghi Tiến còn có nhiều người trở thành ông chủ sau khi đi XKLĐ. Anh Trần Văn Bình cũng trở thành ông chủ đầm tôm sau thời gian đi làm việc tại Hàn Quốc, hàng năm giải quyết việc làm cho hàng chục lao động theo thời vụ. Nhớ lại những ngày gian khó, anh Bình cho biết: “Trước đây vì gia đình quá nghèo nên tôi tìm đường đi XKLĐ, sau khi  hết hạn hợp đồng, tôi cũng tích lũy được một số vốn đáng kể, từ kinh nghiệm học được, tôi mở đầm nuôi tôm. Giờ có thu nhập ổn định, gia đình tôi đã có cuộc sống khá giả, con cái được ăn học đàng hoàng hơn...”. Cũng ở Nghi Tiến, ông Hồ Văn Lưu - một lao động đi XKLĐ ở Hàn Quốc về cho biết, ba người con của ông cũng đang làm việc ở Cộng hòa Síp, Ả rập - Xê út và Quatar. Nhờ đi XKLĐ mà gia đình ông thoát nghèo, xây được nhà cao cửa rộng và có cuộc sống đàng hoàng hơn trước.

Làng tỉ phú ở Sơn Thành nhờ XKLĐ.

Không chỉ ở Nghi Tiến, về xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) hôm nay, dễ nhận thấy làng quê nơi đây đang thay đổi từng ngày. Những dãy dài biệt thự nối nhau, những ngôi nhà cao tầng san sát, những chiếc “xế hộp” đời mới đỗ cửa... Đô Thành giờ đã trở thành “làng tỷ phú”. Nơi đây cuộc sống đổi thay từng ngày, những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Hiện Đô Thành có hơn 300 tỷ phú có từ 10 tỷ đồng trở lên, khoảng 2000 ngôi nhà tầng và gần 300 xe ô tô các loại. Ghé thăm nhà anh Phan Văn Ngân, ở xóm Đông Thị, xã Đô Thành, được biết, anh là một trong những người đi Tây “chuyên nghiệp” điển hình ở làng “tỷ phú”. Xuất thân nhà nông, lấy Vợ sớm, lại không nghề gì trong tay. Năm 2002, thời đi XKLĐ Malaysia còn là “mốt”, anh bán nửa căn nhà và vay mượn bà con quyết chí xuất ngoại. Sau mấy lần đi XKLĐ thất bại, anh quyết định đi XKLĐ Hàn Quốc. May mắn nở nụ cười với anh, làm việc ở Hàn Quốc thu nhập khá hơn. Mỗi tháng, sau khi trừ tất cả chi phí cho cuộc sống tằn tiện của bản thân, anh gửi về cho vợ được 1.000 USD... Bằng sự tích cóp trong nhiều năm, giờ anh đã xây được nhà to và lo cho con cái ăn học. Ngoài Nghi Tiến, Đô Thành, nhiều xã ở Nghệ An có phong trào XKLĐ mạnh đã duy trì hiệu quả ban tư vấn XKLĐ, điển hình là các xã: Nam Trung (Nam Đàn), Sơn Thành (Yên Thành), Quỳnh Long (Quỳnh Lưu)... Từ đó nhiều “làng tỷ phú” đã xuất hiện ở nhiều làng quê Nghệ An vốn khô cằn sỏi đá.

Có thể nói, công tác XKLĐ thực sự có hiệu quả nhờ hoạt động của Ban tư vấn XKLĐ xã, với thành viên là các xóm trưởng, đại diện các tổ chức, UBND xã và phối hợp với các công ty tuyển dụng. Gia đình  nào có nhu cầu đi XKLĐ sẽ được ban tư vấn hướng dẫn, tư vấn đầy đủ về các thông tin cần thiết như thị trường, nghề nghiệp, chi phí, lương và các điều kiện liên quan. Đối với những gia đình thiếu vốn, xã đứng ra bảo lãnh để gia đình thế chấp vay vốn tại Qũy Tín dụng nhân dân của xã; những gia đình thuộc diện nghèo, cận nghèo sẽ được ưu đãi về lãi suất.

Minh bạch thông tin, ngăn chặn Cty XKLĐ ma  

Trong năm 2015, Nghệ An có 2.119 người thuộc đối tượng chính sách tham gia đi XKLĐ (lao động thuộc hộ nghèo: 491 người; lao động hộ cận nghèo: 536  người; lao động thuộc hộ dân tộc thiểu số: 680 người; lao động thuộc hộ chính sách người có công: 412 người), chiếm 16,54% so với cả tỉnh. So với năm 2014, kết quả XKLĐ ở Nghệ An năm 2015 đạt cao hơn và vượt kế hoạch đề ra, tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng người đi XKLĐ. Hiện, tổng số lao động của Nghệ An đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài khoảng 56.000 người.

Diễn Tháp hôm nay sầm uất như các thành phố lớn nhờ XKLĐ.

Nguồn thu nhập do XKLĐ chuyển về tỉnh hàng năm ước đạt 250 triệu USD/năm. Qua đó đã góp phần quan trọng, tích cực trong thực hiện chương trình mục tiêu giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo sự ổn định về an ninh chính trị xã hội trên địa bàn và thúc đẩy Nghệ An phát triển và hội nhập.

Theo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, nhiều biện pháp quản lý và tổ chức thực hiện trong công tác XKLĐ đã có hiệu quả. Bên cạnh việc thông tin, truyền thông các chính sách về công tác XKLĐ là công khai, minh bạch các điều kiện cũng như chi phí, tiền lương, thu nhập của người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;  những thông tin khuyến cáo bổ ích cho nhân dân và người lao động biết, góp phần ngăn ngừa các hành vi lợi dụng XKLĐ để lừa đảo, thu tiền trái quy định của một số cá nhân, tổ chức. Tiếp tục thực hiện tuyên truyền và áp dụng các biện pháp xử phạt những hành vi vi phạm trong lĩnh vực XKLĐ thời gian qua theo Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Công tác đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chuẩn bị nguồn lao động ngày càng được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Tổ chức đăng ký, phân bổ và giới thiệu địa bàn cho các đơn vị có chức năng tuyển chọn, cung ứng lao động xuất khẩu về các địa phương tuyển chọn lao động, ưu tiên tập trung tuyển chọn lao động thuộc các huyện miền núi, các đối tượng chính sách do đó đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động và đơn vị trong việc tư vấn, tuyển chọn lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp tốt với các đơn vị XKLĐ, liên kết gắn trách nhiệm của chính quyền, đơn vị tuyển và người lao động, tạo ra phong trào sâu rộng và thu hút nhiều lao động đi XKLĐ, như các huyện: Nghi Lộc, Đô Lương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Tân Kỳ, TX Cửa Lò... Bên cạnh đó, đẩy mạnh mô hình liên kết giữa xã, phường, thị trấn với đơn vị XKLĐ, góp phần đưa công tác XKLĐ theo hướng có hiệu quả hơn, điển hình là xã Nghi Thạch (huyện Nghi Lộc); xã Hưng Lĩnh (huyện Hưng Nguyên); xã Khánh Sơn (huyện Nam Đàn), phường Nghi Hải (TX Cửa Lò)...

Cũng theo Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, trong những năm tới, công tác XKLĐ ở Nghệ An tiếp tục có nhiều cơ hội để khởi sắc. Hiện Nhật Bản tiếp tục tiếp nhận số lượng lớn thực tập sinh và xem xét việc tiếp nhận lại các thực tập sinh trong ngành xây dựng đã hoàn thành hợp đồng về nước. Bên cạnh đó, cùng với sự hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào đầu năm 2016, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dự báo sẽ gia tăng, đặc biệt ở các nước Thái Lan, Malaysia, Singapore, Lào... Ông Nguyễn Bằng Toàn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An cho biết: “Trong thời gian tới sẽ chú trọng hơn về công tác tuyên truyền về XKLĐ đến người dân, để người dân có thông tin, từ đó có sự lựa chọn chính xác khi quyết định đi XKLĐ.

Thực tế, việc tuyên truyền về XKLĐ của các cấp, các ngành ở nhiều địa phương còn chưa thường xuyên, đúng mức nên việc tác động đến thay đổi nhận thức của người dân về lợi ích của XKLĐ và hiểu biết về các chủ trương, chính sách liên quan đến XKLĐ còn hạn chế, đặc biệt là ở các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc thù”. 

Năm 2015, Nghệ An đã đưa được 12.811 người đi XKLĐ. Tập trung chủ yếu ở các thị trường: Đài Loan (Trung Quốc): 3.824 người, Malaysia: 2.139 người; Hàn Quốc: 1.104 người; các nước Trung Đông: 1.235 người,.v.v... Đặc biệt, năm 2015, Nghệ An đã đưa được 2.105 người lao động đi làm việc tại Nhật Bản, tăng đột biến so với các năm trước (năm 2013: 561 người, năm 2014: 874 người). Những địa phương đưa được nhiều người đi XKLĐ gồm: Nghi Lộc: 1.211 người, Đô Lương: 1.142 người; Nam Đàn: 1.131 người, Hưng Nguyên: 1.033 người.... Bên cạnh đó, một số huyện miền núi đã triển khai có hiệu quả công tác này như: huyện Thanh Chương: 1.025 người, Tân Kỳ: 648 người, thị xã Thái Hòa: 580 người, Nghĩa Đàn: 524 người...

Nhóm PV XKLĐ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh